Giảm thêm lãi suất: Ngân hàng nỗ lực dù nhiều khó khăn
Gửi tiết kiệm online “lên ngôi” mùa dịch | |
Ổn định thanh khoản để hỗ trợ giảm lãi suất | |
Ngành Ngân hàng đã hỗ trợ người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 |
Trần lãi suất huy động và cho vay đã được NHNN liên tiếp điều chỉnh giảm từ cuối năm 2019 theo xu hướng chung của thế giới. So với cuối năm 2019, hiện lãi suất cho vay với các lĩnh vực ưu tiên đã giảm 0,5%/năm, chỉ còn 5,5%/năm. Lãi suất cho vay các lĩnh vực khác cũng được nhiều ngân hàng giảm đồng loạt, mức giảm phổ biến 2-3%/năm. Theo số liệu của IMF tháng 1/2020, lãi vay của Việt Nam hiện ở mức 7,7%/năm, tương đương với mức cho vay của Philippines và thấp hơn một số nước trong khu vực như Indonessia (10,08%), Mông Cổ (16,81%), Bangladesh (9,66%).
Tuy nhiên, phát biểu tại Hội nghị trực tuyến giữa Chính phủ với các địa phương mới đây, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng khẳng định, thời gian tới NHNN sẽ tiếp tục điều hành lãi suất theo hướng tiếp tục giảm để hỗ trợ người dân và DN.
Các ngân hàng đang tích cực gia hạn nợ, miễn giảm lãi suất để hỗ trợ DN |
Phân tích các công cụ điều hành chính sách tiền tệ của NHNN, nhiều chuyên gia tin rằng, NHNN vẫn còn dư địa giảm lãi suất điều hành, dù không nhiều, để hỗ trợ ngân hàng giảm thêm lãi suất cho vay. Trao đổi với phóng viên Thời báo Ngân hàng, TS. Nguyễn Đức Độ - Học viện Tài chính cho rằng, từ nay đến cuối năm dư địa điều chỉnh lãi suất điều hành của NHNN vẫn còn khoảng 0,25%. TS. Võ Trí Thành – Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia cũng cho rằng, với mức cắt giảm lãi suất điều hành tháng 3/2020, NHNN vẫn còn có thể tiếp tục cắt giảm thêm lãi suất, nếu cần. Chung quan điểm trên, nhưng TS. Nguyễn Trí Hiếu – Chuyên gia tài chính cho rằng, nếu có điều kiện giảm thêm lãi suất điều hành là tốt, nhưng không nên quá gò ép. Vì dù NHNN không hạ lãi suất điều hành thì bản thân các ngân hàng tự điều chỉnh giảm lãi suất xuống.
Chẳng hạn Vietcombank vừa quyết định giảm đồng loạt lãi suất tiền vay đợt hai từ ngày 15/4/2020 tiếp tục hỗ trợ khách hàng DN và cá nhân chịu ảnh hưởng bởi diễn biến phức tạp của dịch Covid-19. Cụ thể, Vietcombank giảm tới 10% số tiền lãi phải trả ngân hàng cho các khách hàng bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch Covid-19, thời gian giảm lãi suất từ ngày 15/4/2020 đến hết ngày 30/9/2020; giảm 5% số tiền lãi phải trả ngân hàng các khách hàng bị ảnh hưởng gián tiếp bởi dịch Covid-19. Trước đó, ngay từ giữa tháng 2/2020, Vietcombank đã triển khai hàng loạt giải pháp ưu đãi dành cho khách hàng như giảm lãi suất cho vay đợt 1, triển khai chương trình cho vay mới với quy mô dư nợ 30.000 tỷ đồng với lãi suất siêu thấp từ 4,5-5% năm.
Agribank cũng vừa thông báo tiếp tục điều chỉnh thêm lãi suất gói tín dụng 100 nghìn tỷ đồng của ngân hàng này với mức lãi suất giảm tối đa lên tới 2,5%/năm, thay vì giảm 1,5%/năm như quy định ban đầu.
Các chuyên gia phân tích đều nhận định, xu hướng lãi suất cho vay và huy động thời gian tới không thể tăng mà chỉ giảm xuống. Cụ thể, theo nhận định của nhóm nghiên cứu Công ty Chứng khoán BVSC, nếu diễn biến dịch bệnh vẫn chưa được kiểm soát, tín dụng giảm, lãi suất huy động sẽ còn giảm nhẹ để ngân hàng có điều kiện hỗ trợ việc giảm lãi vay cho DN.
Tổng giám đốc OCB Nguyễn Đình Tùng cũng khẳng định, trong thời gian tới lãi suất cho vay tiếp tục giảm. Nguyên nhân do hiện các ngân hàng đang tối ưu vận hành, tinh giản bộ máy, cắt giảm chi phí không cần thiết để có nguồn lực tài chính hỗ trợ giảm lãi suất. Bên cạnh đó, tăng trưởng tín dụng trong năm nay không cao nên nhu cầu huy động vốn cũng không lớn, dẫn tới việc các ngân hàng sẽ tìm cách giảm lãi suất huy động tiết giảm chi phí. Một yếu tố nữa các ngân hàng buộc phải giảm lãi suất là yếu tố cạnh tranh. Trong bối cảnh cầu tín dụng giảm do ảnh hưởng của dịch bệnh, muốn bơm vốn ra thì ngân hàng phải đưa ra mức lãi suất hợp lý.
Tuy nhiên theo ông Tùng, lãi suất cho vay sẽ khó có thể giảm mạnh và trên diện rộng được do NIM của các ngân hàng đang bị thu hẹp đáng kể. Bên cạnh đó còn là áp lực nợ xấu trong tương lai. Mặc dù Thông tư 01 cho phép ngân hàng thực hiện cơ cấu lại nợ và giữ nguyên nhóm nợ đã giúp cho khách hàng giảm bớt áp lực tài chính cũng như kìm hãm nợ xấu tăng; nhưng rõ ràng, ngân hàng không thu được nợ, được lãi từ khách hàng trong khi vẫn phải trả lãi cho người gửi tiền khiến cho chi phí tự động tăng lên. Vấn đề nữa, nợ xấu còn dẫn tới làm đọng nguồn vốn giảm khả năng sinh lời của ngân hàng. “Thời gian tới có thể nợ xấu thể hiện trên bảng tổng kết tài sản hoặc tác động âm thầm vào giá thành, chi phí vốn, tác động tới cả dòng vốn ngân hàng do bị đọng lại không di chuyển được. Theo đó ảnh hưởng đến năng lực tài chính cũng như mức độ hỗ trợ của ngân hàng đối với khách hàng”, ông Tùng nhận định.
Về câu chuyện giảm lãi suất ở mức nào cho hợp lý, ông Nguyễn Quốc Hùng - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các Ngành kinh tế thuộc NHNN cho biết, tinh thần chung của toàn Ngành và được Thống đốc chỉ đạo rất quyết liệt, yêu cầu các TCTD phải giảm chi lương, thưởng, tạm thời chưa chia cổ tức bằng tiền mặt… để có điều kiện giảm lãi suất hỗ trợ DN. Nhưng mức giảm lãi suất bao nhiêu là tùy thuộc khả năng tài chính, kết quả kinh doanh của từng ngân hàng.
Mặc dù vậy, những giải pháp mà ngành Ngân hàng triển khai vừa qua trong việc hỗ trợ khó khăn cho các cá nhân và DN bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 cũng được giới chuyên môn ghi nhận và đánh giá cao. Theo đó, các ngân hàng không chỉ đưa giải pháp tháo gỡ khó khăn trước mắt như cơ cấu lại nợ, giãn, hoãn thời gian trả nợ... mà còn những hỗ trợ dài hơi như tung gói tín dụng mới với quy mô lớn và lãi suất thấp giúp DN cầm cự vượt qua giai đoạn khó khăn hiện tại, cũng như có thể sớm bắt nhịp khôi phục hoạt động kinh doanh khi kinh tế đi vào ổn định thời hậu dịch.
“Có những DN ngay lập tức bây giờ chưa có nhu cầu vay vốn, nhưng họ vẫn chuẩn bị để duy trì hoạt động ở mức tối đa có thể và khôi phục hoạt động ngay khi điều kiện cho phép. Nếu không chuẩn bị từ giờ, hậu dịch Covid-19 sẽ không bắt kịp tiến độ kinh tế. Giảm lãi suất vì thế không chỉ hỗ trợ DN hiện tại, mà cả tương lai”, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú chia sẻ thêm ý nghĩa động thái giảm lãi suất của các ngân hàng trong thời gian qua.