GS. Trần Văn Thọ chia sẻ về đổi mới mô hình tăng trưởng
GS. Trần Văn Thọ |
Buổi giảng đã nhận được sự tham gia của hơn 150 giảng viên, sinh viên và những người quan tâm đến từ các doanh nghiệp tư nhân. Bài giảng đặc biệt này được thực hiện trong khuôn khổ chuỗi hoạt động của Chương trình JICA Chair.
Năm 2010, Việt Nam đã trở thành quốc gia đạt mức thu nhập trung bình và được kỳ vọng sẽ đứng vào hàng ngũ các quốc gia có mức thu nhập bậc trung, nhưng lại đang gặp phải rất nhiều vấn đề như làm thế nào để tránh được bẫy thu nhập trung bình hay làm thế nào để có thể chuyển dịch thành nước có thu nhập cao vào năm 2045 theo mục tiêu đề ra.
Để hướng tới mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế sang các ngành có giá trị gia tăng cao, từ năm 2000 đến nay JICA và Trường đại học Ngoại thương đã tiến hành các hoạt động đào tạo doanh nhân đang đảm trách vai trò quan trọng trong việc tạo dựng các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như ngành công nghiệp phụ trợ thông qua Viện phát triển nguồn nhân lực Việt Nam - Nhật Bản (VJCC).
Hơn 800 học viên đã hoàn thành chương trình kinh doanh cao cấp hay còn gọi là Keieijuku của VJCC. Nhiều người trong số họ đã tạo được quan hệ làm ăn với các doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt là doanh nghiệp Nhật Bản và đóng góp cho sự phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam.
Trong chương trình lần này, với nội dung giới thiệu về mô hình tăng trưởng chính, diễn giả đã làm rõ những bài học cho Việt Nam từ những kinh nghiệm của Nhật Bản. Ở phần kết luận, GS. Trần Văn Thọ cho rằng, để Việt Nam có thể tránh được bẫy thu nhập trung bình và đạt được mục tiêu thu nhập cao cho đến năm 2045 thì điều kiện cần là phải duy trì tăng năng suất lao động, chuyển dịch cơ cấu kinh tế lên cao. Đây chính là nền tảng để tăng năng suất lao động, thay đổi lợi thế cạnh tranh, duy trì sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Hơn nữa, trong quá trình đó, cả tích lũy tư bản và đổi mới sáng tạo đều có vai trò quan trọng, chính sách của nhà nước cần nhắm đến các lĩnh vực tăng hiệu suất đầu tư, khuyến khích đổi mới sáng tạo, đặt mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu,… cũng là điều đã được nhấn mạnh trong bài giảng.
Ông Sugano Yuichi, Trưởng đại diện JICA tại Việt Nam |
Từ năm 2020, JICA đã khởi động Chương trình JICA Chair hướng đến các cơ quan nghiên cứu và các trường đại học hàng đầu của các nước đang phát triển nhằm mục đích mở rộng cơ hội chia sẻ kinh nghiệm, bài học có được từ các dự án hợp tác phát triển cho các nước đang phát triển và công cuộc hiện đại hóa của Nhật Bản.
Ở Việt Nam, JICA bắt đầu thực hiện dự án từ năm 2021, trong đó có những hoạt động như hỗ trợ tặng sách cho các cơ quan nghiên cứu về Nhật Bản cũng như tổ chức các buổi giảng đặc biệt của các học giả nổi tiếng đến từ Nhật Bản. Trong thời gian tới, JICA sẽ tiếp tục hợp tác với các đối tác để thúc đẩy hơn nữa hoạt động nghiên cứu Nhật Bản tại Việt Nam và góp sức cho sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội của Việt Nam.