Gửi tiết kiệm vì người nghèo
Tại Long An “Tuần lễ gửi tiết kiệm chung tay vì người nghèo” được phát động cao điểm từ ngày 21-28/3/2023. Giám đốc NHCSXH Chi nhánh tỉnh Long An Nguyễn Trọng Điệp cho biết: Từ khi phát động đến nay, “Tuần lễ gửi tiết kiệm chung tay vì người nghèo” được hệ thống chính trị từ tỉnh đến huyện, các hội đoàn thể tham gia qua đó, bước đầu đạt được số tiền gửi hơn 30 tỷ đồng. Hiện tại các địa phương tiếp tục có những hợp đồng, sổ tiết kiệm của người dân cũng như các tổ chức tham gia gửi tiền.
30 tỷ đồng vốn huy động qua Tuần lễ này không phải là con số lớn đối với dư nợ cho vay các chương trình tín dụng chính sách đang được triển khai trên địa bàn tỉnh Long An, và chỉ đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu vay vốn của các đối tượng được thụ hưởng chính sách tín dụng ưu đãi theo quy định hiện hành.
Ảnh minh họa |
Thu hút vốn, đảm bảo nguồn vốn để thực hiện kế hoạch giải ngân cho 22 chương trình tín dụng chính sách luôn là bài toán khó của hệ thống NHCSXH chứ không riêng gì NHCSXH chi nhánh Long An. Trong khi đó, nếu nhìn lại những số liệu thống kê qua 20 năm (2002-2022) hoạt động của NHCSXH có thể thấy vai trò rất đặc biệt của ngân hàng này trong việc thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ trong xóa đói giảm nghèo: tổng dư nợ tín dụng chính sách đạt gần 280 nghìn tỷ đồng với gần 6,5 triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách đang còn dư nợ.
Trong tổng dư nợ tín dụng chính sách xã hội, dư nợ cho vay các xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là 99.810 tỷ đồng, chiếm 35,7%; dư nợ cho vay tại huyện nghèo là 30.494 tỷ đồng, chiếm 10,9%; dư nợ đối với khách hàng là đồng bào dân tộc thiểu số là 69.175 tỷ đồng, chiếm 24,7%.
Ngoài chính sách cho vay vốn hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, tạo sinh kế, tạo việc làm, tăng thu nhập, còn có các chính sách cho vay vốn để giải quyết một phần nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống gắn với các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, để giảm nghèo, tín dụng chính sách còn hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội với doanh số cho vay gần 18 nghìn tỷ đồng cho gần 280 nghìn lượt khách hàng...
Vốn tín dụng chính sách đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên cả nước: giai đoạn 2001-2005 từ 17% xuống 7%; giai đoạn 2005 - 2010 từ 22% xuống 9,45%; giai đoạn 2011 - 2015 từ 14,2% xuống 4,25%; giai đoạn 2016-2021 từ 9,88% xuống 2,23%.
Để có được kết quả trên ngoài sự nỗ lực của cán bộ, nhân viên NHCSXH còn có sự góp sức của chính quyền cấp xã, tổ chức chính trị - xã hội; và đặc biệt là sự tham gia của 168.624 tổ tiết kiệm và vay vốn ở khắp các thôn, ấp, bản, làng, tổ dân phố. Nhưng những khách hàng mà các tổ này tiếp cận được hầu hết lại là những đối tượng thụ hưởng chính sách - những khách hàng vay vốn chứ không mấy ai có điều kiện gửi tiết kiệm. Chính vì thế, NHCSXH đã có sáng kiến triển khai “Tuần lễ gửi tiết kiệm chung tay vì người nghèo”. Thời gian diễn ra tuần lễ là điểm nhấn, gắn với mục đích trọng tâm của chương trình là tuyên truyền, kêu gọi người dân, các tổ chức gửi tiết kiệm vào NHCSXH, giúp các tổ chức, cá nhân nhận biết được tính ưu việt của NHCSXH…
Có thể nhiều người chưa biết, hiện tại lãi suất huy động của NHCSXH cũng bằng các NHTM Nhà nước theo từng kỳ hạn, từng loại hình gửi. Do đó, khi gửi tiết kiệm vào NHCSXH khách hàng cũng có được lợi ích và sự an toàn như khi gửi vào bất kỳ NHTM nào khác. Việc khách hàng gửi tiết kiệm vào NHCSXH còn là hành động thiết thực, chung tay giúp người nghèo, các đối tượng chính sách có thêm cơ hội vay vốn thực hiện hoạt động sản xuất kinh doanh để thoát nghèo hoặc vươn lên làm giàu chính đáng.