Hành động để có được phục hồi kinh tế xanh và tăng trưởng bao trùm
Ngày 28/5/2022 tại huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh, Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc UNDP) và cơ quan, tổ chức quốc tế đã tổ chức Lễ phát động quốc gia hưởng ứng Ngày Quốc tế Đa dạng sinh học, Ngày Môi trường thế giới và Tháng hành động vì môi trường năm 2022.
Những rủi ro nghiêm trọng
Chia sẻ tại sự kiện, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà nhấn mạnh: Hệ sinh thái "ngôi nhà tự nhiên" tại Việt Nam đang bị đe dọa, suy thoái nghiêm trọng và kêu gọi các bộ, ngành, địa phương; các tổ chức, doanh nghiệp và toàn thể cộng đồng cùng xây dựng một tương lai chung cho mọi sự sống bằng việc đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế từ "nâu" sang "xanh", thay đổi thái độ và hành vi ứng xử với thiên nhiên.
Theo bà Caitlin Wiesen - Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam, trái đất đang phải đối mặt với tình trạng khẩn cấp với ba vấn đề lớn: Khí hậu nóng lên nhanh hơn dự đoán; môi trường sống bị mất đi và các áp lực khác với ước tính có khoảng 1 triệu loài đang bị đe dọa tuyệt chủng; và tình trạng ô nhiễm không khí, đất và nước.
“Chúng ta cần có những nỗ lực phối hợp để chuyển đổi nền kinh tế và xã hội theo hướng xanh và bao trùm hơn, kết nối nhiều hơn với thiên nhiên. Chúng ta phải ngừng các hành động gây hại và thực hiện nhiều hơn nữa các hành động để chữa lành cho trái đất”, bà Caitlin Wiesen nhấn mạnh.
Cách đây 50 năm, Hội nghị đầu tiên của Liên Hợp Quốc về Môi trường con người được tổ chức tại Stockholm vào năm 1972. Và năm nay, cả thế giới đang xem xét những thách thức chính mà con người và hành tinh đang phải đối mặt, với việc các quốc gia sẽ gặp mặt ở Stockholm vào tuần tới để lên ý tưởng và hành động để vượt qua những thách thức đó.
UNDP tại Việt Nam đã và đang làm việc với Đại sứ quán Thụy Điển và Bộ Tài nguyên và Môi trường để hỗ trợ quá trình tham vấn quốc gia nhằm giúp đưa tiếng nói của của người dân Việt Nam về các vấn đề này ra toàn thế giới.
Với các cam kết về khí hậu đưa ra tại COP26, Việt Nam hiện đang ở một thời điểm mang tính quyết định trong việc chuyển đổi phương thức phát triển để mang lại lợi ích cho cả nền kinh tế và môi trường. Điều này bao gồm các phương thức tiếp cận xanh, thích ứng với khí hậu về công nghệ, thị trường vốn, chuỗi cung ứng, mô hình kinh doanh và sự tham gia của các DNNVV trong việc thúc đẩy tiến trình đổi mới.
“Việt Nam cần một công cuộc “Đổi Mới” về môi trường và khí hậu, để có được sự phục hồi kinh tế xanh và bao trùm sau đại dịch COVID-19 trong tiến trình nỗ lực để đạt mức thu nhập cao vào năm 2045, đồng thời vẫn bảo vệ được các nguồn tài nguyên và môi trường cho thế hệ tương lai”, Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam nói.
Chú trọng sử dụng tài nguyên bền vững và thúc đẩy kinh tế xanh
Bà Caitlin Wiesen đánh giá cao Việt Nam đã và đang thực hiện các bước quan trọng nhằm thúc đẩy nền kinh tế xanh, quy hoạch không gian biển và giảm thiểu rác thải nhựa ra biển.
Ngay sau hội nghị COP26, Chính phủ Việt Nam đã có những hành động để triển khai cam kết đưa ra, trong đó có việc thành lập Ban chỉ đạo quốc gia về thực hiện các cam kết khí hậu của Việt Nam. Dự thảo Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu được công bố gần đây là một trong những công cụ chính sách quan trọng để thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng không vào năm 2050 và tăng cường tính chống chịu và khả năng phục hồi cho cộng đồng.
UNDP sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam rà soát lại Đóng góp do quốc gia tự quyết định và báo cáo kỹ thuật của Kế hoạch thích ứng quốc gia trước hội nghị COP27 vào tháng 11 năm nay.
Một trong những ưu tiên hàng đầu của Chính phủ là chuyển đổi năng lượng công bằng. Việt Nam có tiềm năng lớn về năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió ngoài khơi. Phát triển năng lượng tái tạo sẽ giúp cung cấp năng lượng bền vững cho nền kinh tế, tăng cường an ninh năng lượng và chuyển đổi nhiều ngành kinh tế khác sang hướng phát triển xanh, ví dụ như ngành giao thông vận tải.
Tuy nhiên, có một số trở ngại trên thực tế đối với quá trình chuyển đổi xanh và công bằng, chẳng hạn như khung pháp lý cho ngành điện, hệ thống truyền tải,thị trường khu vực và đảm bảo tài chính. Liên Hợp Quốc và UNDP sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong Quá trình chuyển đổi năng lượng công bằng, bao gồm cả quá trình loại bỏ dần việc sử dụng than đá.
Bên cạnh đó, kinh tế đại dương đóng vai trò quan trọng đối với việc phát triển nền kinh tế bền vững ở Việt Nam. Đại dương đóng vai trò quan trọng điều hòa khí hậu, cung cấp năng lượng sạch và nhiều tài nguyên khác.
Nền kinh tế biển xanh góp phần giảm thiểu biến đổi khí hậu thông qua việc phát triển các nguồn năng lượng tái tạo ngoài khơi, giảm thiểu carbon trong ngành giao thông hàng hải và xanh hóa các cảng. Ngoài ra, phát triển cơ sở hạ tầng xanh ở các vùng ven biển sẽ giúp bảo tồn đa dạng sinh học và cảnh quan, đồng thời mang lại lợi ích cho nền kinh tế cho khu vực ven biển, bao gồm cả du lịch. Quy hoạch không gian biển là cần thiết để cung cấp một khuôn khổ cho việc sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên và các dịch vụ hệ sinh thái từ biển.
Việc tăng cường các hành động toàn cầu để giải quyết ô nhiễm nhựa và thúc đẩy tiến trình hướng tới việc có một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế về ô nhiễm nhựa để ngăn ngừa và giảm tác động môi trường của ô nhiễm nhựa theo Nghị quyết của Hội đồng Môi trường Liên Hợp Quốc về chấm dứt ô nhiễm nhựa là điều hết sức cần thiết. UNDP tự hào đã cùng Việt Nam thực hiện các bước quan trọng nhằm thúc đẩy nền kinh tế xanh, quy hoạch không gian biển và giảm thiểu rác thải nhựa ra biển.
Cũng theo bà Caitlin Wiesen, cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, việc đảm bảo nguồn tài chính dài hạn mang tính sáng tạo cho các chương trình giảm thiểu carbon của Việt Nam sẽ là yếu tố quan trọng để đạt được mức trung hòa carbon.
Kinh nghiệm quốc tế cho thấy nhiều ví dụ về đổi mới thể chế và chính sách để đạt được mục tiêu này, bao gồm sự tham gia của các ngân hàng phát triển quốc gia, các chương trình thúc đẩy khởi nghiệp khác nhau, quỹ tài sản nhà nước và trái phiếu xanh có thể giúp thu hút tài chính tư nhân và huy động tài chính khí hậu quốc tế.
Việt Nam cần đưa ra một khung chính sách minh bạch về các dòng tài chính xanh để hỗ trợ các dự án và đầu tư mới về môi trường và tăng cường tính chống chịu. Cả đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và tài chính của khu vực tư nhân trong nước đều rất cần thiết để hỗ trợ đạt được mục tiêu Phát thải ròng bằng không vào năm 2050.
“Liên Hợp Quốc tự hào đã và đang hợp tác với Chính phủ Việt Nam, đặc biệt là với Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong các lĩnh vực quan trọng về biến đổi khí hậu, kinh tế tuần hoàn, bảo tồn đa dạng sinh học để xây dựng một tương lai bền vững cho tất cả mọi người. Cùng với nhau, chúng ta hãy nỗ lực ở mức cao nhất trong các hành động quốc gia cũng như trong hợp tác quốc tế để xây dựng một tương lai có phát thải ròng bằng không, hài hòa với thiên nhiên, vào năm 2050, nơi không ai bị bỏ lại phía sau”, bà Caitlin Wiesen nói.
Tại sự kiện Lễ phát động này, nhiều hoạt động bên lề có ý nghĩa cũng được tổ chức như: trưng bày triển lãm cộng đồng về tranh ảnh chủ đề bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học và các sản phẩm thân thiện với môi trường; thả giống để tái tạo nguồn lợi thủy sản; trồng cây tại rừng ngập mặn Đồng Rui, huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh...