Hiệu quả điện toán đám mây đóng góp tích cực cho GDP
Trên cơ sở phân tích tích tác động kinh tế của Cloud Adoption (chuyển đổi đám mây) tại 11 quốc gia có thu nhập cao và trung bình tại châu Á - Thái Bình Dương, tổ chức PwC cho rằng, mức độ chuyển đổi đám mây có mối quan hệ tương quan tới sự phát triển kinh tế của 1 quốc gia.
Theo đó, trung bình tại châu Á - Thái Bình Dương, cứ 1% tăng lên trong việc chuyển đổi đám mây sẽ đóng góp tăng trưởng 0,07% vào GDP.
Riêng tại Việt Nam, cứ trung bình 6 triệu USD chi phí tiêu dùng đám mây tăng thêm sẽ mang lại 134 triệu USD tăng thêm trong GDP của cả nước.
Các chuyên gia tại PwC và Viettel IDC cũng cho rằng, hiện nay Việt Nam được xem là 1 trong 10 nước mới nổi trên bản đồ trung tâm dữ liệu toàn cầu. Và mặc dù quy mô còn nhỏ và tốc độ phát triển chưa nhanh so với các thị trường khác nhưng có nhiều tiềm năng và dư địa để phát triển trung tâm dữ liệu lớn do quỹ đất còn nhiều, khoảng trống thị trường lớn chi phí xây dựng, chi phí điện, nhân công… đều tối ưu hơn so với các thị trường khác.
Nhiều doanh nghiệp trong nước hiện nay bắt đầu quan tâm đến các thiết bị ứng dụng điện toán đám mây để gia tăng năng suất trong sản xuất - kinh doanh |
Chia sẻ tại Hội nghị Data Center & Cloud Infrastructure (DCCI) Summit 2024 vừa tổ chức mới đây tại TP. Hồ Chí Minh, ông Hoàng Văn Ngọc, CEO Viettel IDC cho rằng, với giá đất trung tâm dữ liệu trung bình thấp hơn so với nhiều nước khác trong khu vực, hiện nay Việt Nam có lợi thế trong việc cạnh tranh phát triển điện toán đám mây.
Trong các năm tới, theo ông Ngọc, với nhu cầu nội địa ngày càng tăng cùng với các hành động thúc đẩy từ Chính phủ, thị trường đám mây của Việt Nam dự báo sẽ đạt quy mô 1,2 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 19% mỗi năm.
Về lâu dài, theo các chuyên gia tại Viettel IDC, công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ dẫn dắt sự phát triển mạnh của khoa học dữ liệu và hạ tầng trung tâm dữ liệu lớn. Sự bùng nổ của AI sẽ theo nhiều bài toán về hiệu năng, mật độ công suất của các trung tâm dữ liệu đồng thời làm thay đổi từ duy thiết kế trung tâm dữ liệu. Từ đó thị trường sẽ có sự chuyển dịch đáng kể từ mô hình tự đầu tư sang mô hình thuê cơ sở hạ tầng để phát triển trung tâm dữ liệu.
Khi thị trường phát triển mạnh vấn đề đảm bảo an ninh, an toàn về dữ liệu sẽ là thách thức lớn đối với mọi quốc gia, trong đó có Việt Nam. Bởi thời gian gần đây, Việt Nam đang trở thành tâm điểm của tấn công mạng, bao gồm cả các cuộc tấn công có chủ đích.
“Trung bình mỗi tháng, Viettel hỗ trợ và ngăn chặn trên 225.000 cuộc tấn công mạng vào các hệ thống công nghệ thông tin của khách hàng mà Viettel giám sát”, ông Hoàng Văn Ngọc cho biết.