Hiệu quả tín dụng chính sách ở miền quê thuần nông
Hộ vay vốn chia sẻ niềm vui khi nhãn được mùa với cán bộ NHCSXH |
Ông Dương Tuấn Kiệt, Phó bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Ân Thi cho biết: là miền quê thuần nông, nguồn sống của người dân chủ yếu dựa vào trồng trọt và chăn nuôi, nên tỷ lệ hộ nghèo cao hơn các vùng miền thuộc khu vực đồng bằng Bắc Bộ.
Từ khi có nguồn vốn tín dụng ưu đãi do Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) triển khai thực hiện theo Nghị định 78/2002/NĐ-CP, hầu hết hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn thuận lợi, kịp thời, đầu tư vào sản xuất kinh doanh.
Nhờ vậy mà bộ mặt nông thôn của các làng xã trong toàn huyện ngày càng khởi sắc. Hệ thống công trình hạ tầng được đầu tư mạnh mẽ. Kinh tế phát triển, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,54%, thu nhập bình quân đầu người đạt 20 triệu đồng/người/năm.
Thực hiện Nghị định 78, NHCSXH huyện Ân Thi đã khẳng định được vai trò, vị thế của mình, góp phần tích cực vào chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.
Nhìn lại thời kỳ mới thành lập, NHCSXH huyện Ân Thi tiếp nhận có 2 chương trình tín dụng với dư nợ chỉ đạt 23,2 tỷ đồng, đến nay phòng giao dịch này đã thực hiện được 13 chương trình với tổng dư nợ trên 400 tỷ đồng, hơn 8.000 khách hàng đang còn dư nợ, tăng gấp 17,6 lần.
Vốn tín dụng đã được đưa đến 100% xã, thị trấn trên địa bàn huyện thông qua các tổ chức chính trị - xã hội, với mạng lưới gần 400 Tổ tiết kiệm và vay vốn ở khắp các thôn, xóm giúp các hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn có nhu cầu, đủ điều kiện được thụ hưởng tín dụng chính sách xã hội.
Tổng doanh số cho vay trong 20 năm thực hiện Nghị định 78 của NHCSXH huyện Ân Thi đạt trên 1.200 tỷ đồng với 57.779 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn. Tổng doanh số thu nợ 826 tỷ đồng, bình quân mỗi năm thu nợ trên 41 tỷ đồng, nhiều năm liền NHCSXH huyện Ân Thi không có nợ quá hạn.
Cán bộ NHCSXH huyện Ân Thi giao dịch tại xã |
Qua thực tiễn hoạt động cho thấy, nguồn vốn cho vay ưu đãi do NHCSXH huyện Ân Thi thực hiện đã trở thành nguồn lực quan trọng đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách ở khắp 21 xã, thị trấn trong huyện.
Thông qua nguồn vốn đã giúp cho trên 23.000 hộ thoát nghèo; thu hút và tạo việc làm cho gần 20.000 lao động; giúp cho trên 5.300 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; hỗ trợ xây mới và cải tạo trên 76.700 công trình nước sạch vệ sinh và môi trường ở nông thôn; hỗ trợ xây dựng; sửa chữa 457 ngôi nhà cho hộ nghèo; giúp 18 hộ gia đình thu nhập thấy được vay vốn để mua, thuê mua nhà ở xã hội, xây dựng mới hoặc cải tạo nhà; 03 người sử dụng lao động được vay vốn để trả lương ngừng việc; phục hồi sản xuất cho 106 người lao động; giúp 520 học sinh sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn được vay vốn để mua máy tính, thiết bị học tập trực tuyến; 04 cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập được vay vốn để phục vụ và duy trì hoạt động.
Điển hình như gia đình bà Nguyễn Thị Hoa ở thôn Trúc Nội, xã Xuân Trúc, huyện Ân Thi. Giống như nhiều người dân khác ở thôn, xóm, trước đây gia đình bà quanh năm làm lụng vất vả “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” mà cuộc sống vẫn nghèo túng.
Năm 2018, khi Hội phụ nữ xã tạo điều kiện cho hội viên vay vốn từ NHCSXH, bà Hoa đã tự nguyện tham gia sinh hoạt tại Tổ tiết kiệm và vay vốn nên được bình xét vay 50 triệu đồng. Với số tiền này cùng số vốn tích cóp của gia đình, bà Hoa đã cải tạo chân ruộng trũng làm lúa và đầu tư mua cây giống thâm canh vườn bưởi da xanh, để đến nay gia đình bà đã có 1 ha vườn cây ăn quả xanh tốt, mỗi năm thu nhập hàng trăm triệu đồng. Không chỉ thoát nghèo mà bà Hoa còn có tiền gửi tiết kiệm ở Điểm giao dịch của NHCSXH.
Qua 20 năm triển khai thực hiện Nghị định số 78, đặc biệt sau hơn 7 năm thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, nguồn vốn hoạt động của NHCSXH Ân Thi không ngừng tăng trưởng; đồng vốn ưu đãi của Nhà nước do NHCSXH quản lý, đầu tư đúng đối tượng, có hiệu quả, đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn để người dân chủ động phát triển sản xuất, giảm nghèo nhanh, bền vững.
Theo ông Lê Ngọc Sách, Giám đốc NHCSXH huyện Ân Thi, đạt kết quả trên, thời gian qua đơn vị luôn nhận được sự lãnh đạo, chỉ đạo của ngân hàng cấp trên, cấp ủy, chính quyền địa phương để từ đó tập trung huy động các nguồn lực tài chính.
Toàn bộ nguồn vốn chính sách do NHCSXH huy động tạo lập được cùng 13,4 tỷ đồng vốn ngân sách địa phương ủy thác chuyển qua bởi cấp ủy, chính quyền các cấp trong huyện quán triệt sâu sắc nội dung Chỉ thị 40 của Ban Bí thư đã được những cán bộ tín dụng chính sách miền dất Ân Thi bền bỉ, hối hả chuyển tải nhanh chóng về khắp làng xóm, bất chấp những khó khăn về thiên tai, dịch bệnh.
Nhờ có nguồn vốn lớn cùng hệ thống 382 Tổ tiết kiệm và vay vốn, 21 Điểm giao dịch xã và hàng trăm hội đoàn thể cơ sở nhận ủy thác đã kết thành mạng lưới phủ khắp địa bàn từ huyện xuống tận các xã, thị trấn, tạo điều kiện thuận lợi cho người nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận đầy đủ, kịp thời chính sách tín dụng của Nhà nước.
Có thể thấy, dòng chảy vốn chính sách luôn chảy đều được coi như chìa khóa mở cửa thoát nghèo nhanh, làm giàu chính đáng cho người dân miền quê châu thổ sông Hồng - Ân Thi vượt qua khó khăn, phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao cuộc sống.
Phát huy thành tích đạt được, NHCSXH huyện Ân Thi tiếp tục thực hiện sâu rộng Nghị định 78 của Chính phủ, tập trung huy động các nguồn lực, chuyển tải kịp thời nguồn vốn đến đúng đối tượng thụ hưởng, góp phần thực hiện thành công chương trình giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới.