Hiệu quả tín dụng chính sách ở Thuận Bắc
Đổi đời nhờ tín dụng ưu đãi
Huyện Thuận Bắc (Ninh Thuận) gồm 6 xã, trong đó có 3 xã thuộc vùng khó khăn. Dân số toàn huyện 11.310 hộ/49.678 khẩu; trong đó hộ đồng bào dân tộc thiểu số là 6.999 hộ, chiếm đến 61,88%. Thuận Bắc là huyện thuần nông, nên việc sản xuất và chăn nuôi của nhân dân còn phụ thuộc nhiều vào các yếu tố thời tiết, khí hậu và môi trường, bởi vậy đời sống của một bộ phận nhân dân còn gặp khó khăn...
Thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Chỉ thị, kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, Ban Thường vụ Huyện ủy Thuận Bắc đã ban hành Chương trình hành động số 15-CTr/HU ngày 3/9/2015, Kế hoạch số 48-KH/HU ngày 30/7/2021 để chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền nỗ lực vào cuộc, nâng cao hiệu quả tín đụng chính sách ở địa phương.
Đồng thời, Ban Thường vụ Huyện ủy Thuận Bắc cũng tăng cường chỉ đạo Đảng ủy các xã xây dựng Nghị quyết chuyên đề, để chỉ đạo triển khai thực hiện đến tất cả các thôn trên toàn huyện. Qua đó, các cấp ủy đảng, chính quyền thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và tình hình thực tế của địa phương. Thường xuyên rà soát củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội huyện; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát; chủ động thực hiện tốt việc huy động, quản lý và sử dụng vốn có hiệu quả; nâng cao chất lượng hoạt động ủy thác, ủy nhiệm.
Việc sản xuất và chăn nuôi ở Thuận Bắc còn phụ thuộc nhiều vào các yếu tố thời tiết, khí hậu và môi trường, bởi vậy đời sống của một bộ phận nhân dân còn gặp khó khăn... |
Mới đây, trong chuyến công tác tại Ninh Thuận, để mục sở thị hiệu quả nguồn vốn vay, chúng tôi đã đến thăm gia đình bà Nguyễn Thị Ngân, trú tại thôn Xóm Bằng, xã Bắc Sơn. Từ năm 2013, gia đình bà Ngân đã được tiếp cận với nguồn vốn cho vay ưu đãi đối với hộ cận nghèo với số tiền 20 triệu đồng để chăn nuôi bò, trồng cây hoa màu. Đến năm 2018, gia đình được Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay tiếp 50 triệu đồng, nguồn vốn này được gia đình đầu tư làm chuồng, trồng cỏ, mua 3 con bò về nuôi.
Bà Nguyễn Thị Ngân chia sẻ, thấy chăn nuôi có hiệu quả đến tháng 5/2023, gia đình đã bàn bạc và thống nhất trả khoản nợ cũ, mạnh dạn đề nghị và được cho vay số tiền 100 triệu đồng từ chương trình hộ mới thoát nghèo để mua thêm bò, sửa sang lại chuồng trại, mở rộng thêm diện tích trồng cỏ… Từ kinh nhiệm tích lũy và thuận lợi trong chăn nuôi, sản xuất, hiện nay, gia đình tôi đã có tài sản với 12 con bò lai, ước tính giá trị khoảng 200 triệu đồng... Đến nay, cơ bản gia đình đã thoát nghèo, có cuộc sống khá ổn định.
Tương tự, là gia đình bà Lê Thị Bích Kiểu ở xã Bắc Phong cũng được Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Thuận Bắc cho vay 100 triệu đồng theo chương trình giải quyết việc làm. Từ nguồn vốn này, gia đình đã đầu tư nuôi bò, dê. Ngoài ra, bà Kiểu còn mượn thêm đất để trồng hành, trồng ớt, trồng cà theo vụ mùa để kiếm thêm thu nhập. Nguồn phân bón cho cây trồng cũng được tận dụng nhiều từ việc gom, ủ phân bò, dê.... Thu nhập tích lũy từ các mùa vụ gia đình đã mạnh dạn mở rộng thêm diện tích đất trồng trọt, đào ao để chứa nước từ đường dẫn kênh mương để chủ động nguồn nước tưới cho cây trồng mùa khô hạn và nước uống cho gia súc. Bà Lê Thị Bích Kiểu tâm sự, nhờ được tiếp cận vay vốn tín dụng ưu đãi để đầu tư trồng trọt, chăn nuôi cuộc sống gia đình đã vươn lên thoát nghèo bền vững.
Nguồn lực giảm nghèo quan trọng
Bên cạnh việc hỗ trợ vốn cho bà con thoát nghèo, từ vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội còn giúp cho nhiều hộ gia đình ở Thuận Bắc mở rộng ngành nghề, vươn lên làm giàu chính đáng ngay trên quê hương mình... Trong số đó, có thể kể đến gia đình ông Võ Chí Cường ở xã Bắc Phong. Với số vốn 100 triệu đồng từ chương trình hộ mới thoát nghèo, ông Cường đã đầu tư vào trang trại nuôi dê và mô hình trồng rau thủy canh trong nhà kính, đem lại thu nhập cao.
Mô hình vay vốn đầu tư cho chăn nuôi của gia đình bà Lê Thị Bích Kiểu ở xã Bắc Phong. |
Thành công của mô hình mở ra triển vọng mới trong việc phát triển sản xuất nông nghiệp cho bà con ở địa phương. Theo đại diện Hội Nông dân huyện Thuận Bắc, với sự tiếp sức từ ngân hàng mô hình chăn nuôi, đặc biệt là trồng rau thủy canh trong nhà kính của ông Võ Chí Cường là hướng đi mới trong việc phát triển chuỗi giá trị nông sản thực phẩm theo tiêu chuẩn sạch, đáp ứng xu thế tiêu dùng ở địa phương...
Trao đổi với phóng viên thoibaonganghang.vn, ông Nguyễn Ngọc Ba, Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Thuận Bắc cho biết, tại địa phương công tác tuyên truyền về vai trò của tín dụng chính sách xã hội trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo, giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội; quyền lợi và trách nhiệm của các đối tượng chính sách trong thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi luôn được đẩy mạnh và thực hiện dưới nhiều hình thức.
Từ đó, người dân và hộ vay vốn hiểu hơn về tín dụng chính sách xã hội, có ý thức, trách nhiệm hơn đối với khoản vay của mình và thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ khi vay vốn; sử dụng vốn đúng mục đích, có thói quen dành dụm gửi tiền tiết kiệm. Nhiều hộ vươn lên thoát nghèo bền vững và nhiều mô hình làm ăn hiệu quả được nhân rộng, chất lượng tín dụng chính sách xã hội có nhiều chuyển biến và được nâng cao qua từng năm.
Trong giai đoạn từ năm 2014 đến 30/6/2024, nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã được Ngân hàng Chính sách xã hội huyện phối hợp chính quyền địa phương, tổ chức chính trị xã hội nhận ủy thác giải ngân cho hơn 57.396 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn với số tiền 949 tỷ đồng, nâng tổng dư nợ đến 30/6/2024 đạt 437 tỷ đồng, tăng 343 tỷ đồng so với năm 2014; tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 17%, với 7.394 hộ nghèo và các đối tượng chính sách còn dư nợ, chiếm 65,4% số hộ dân trên địa bàn, với dư nợ bình quân trên 59 triệu đồng/hộ, tăng 40 triệu đồng/hộ so với năm 2014. Quy mô tín dụng chính sách xã hội được mở rộng, chất lượng tín dụng ngày càng được củng cố và nâng cao, nợ quá hạn chỉ chiếm tỷ lệ 0,02% trên tổng dư nợ.
Trang trại chăn nuôi dê của ông Võ Chí Cường ở xã Bắc Phong, Thuận Bắc. |
Đến nay, nguồn vốn tín dụng chính sách đã đầu tư đến 100% các thôn trên địa bàn toàn huyện, tạo điều kiện cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu và đủ điều kiện được tiếp cận với vốn tín dụng chính sách một cách thuận lợi và kịp thời. Trong đó, nguồn vốn được tập trung đầu tư cho lĩnh vực chăn nuôi và trồng trọt, chú trọng ưu tiên tập trung vốn cho vay tại các thôn, xã đặc biệt khó khăn, địa bàn có tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo cao, vùng khó khăn, vùng có nhiều đồng bào dân tộc đặc biệt khó khăn sinh sống.
Việc tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách xã hội cùng với các nguồn lực khác có vai trò quan trọng trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới ở Thuận Bắc. Tỷ lệ hộ nghèo cuối năm 2023 còn 13,33%, giảm 4,06% so với năm 2014; tỷ lệ hộ cận nghèo là 10,47%, giảm 1,42% so với năm 2014; 3/6 xã đạt chuẩn nông thôn mới, góp phần ổn định chính trị, trật tự xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội ở địa phương.
Đặc biệt, cũng theo ông Nguyễn Ngọc Ba, hầu hết hộ vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội đã có những chuyển biến tích cực về nhận thức, sử dụng vốn vay đúng mục đích, trả nợ, trả lãi đầy đủ. Nhiều hộ dân đã biết cách làm ăn, trồng trọt, chăn nuôi, sản xuất kinh doanh, buôn bán nhỏ phát triển kinh tế gia đình, tăng thu nhập, cải thiện đời sống, đáp ứng nhu cầu thiết yếu về đời sống vật chất và tinh thần… Vốn tín dụng chính sách góp phần đáng kể trong việc thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, góp phần phát triển kinh tế, ổn định chính trị, đảm bảo an sinh xã hội ở Thuận Bắc.