Hiệu quả từ chính sách giao rừng, giao đất
Tại huyện Đăk Hà (Kon Tum), một trong những địa phương thực hiện tốt công tác này, đến nay, đã giao hơn 11.500ha rừng và đất lâm nghiệp cho gần 950 hộ gia đình và 20 cộng đồng dân cư quản lý bảo vệ.
Thôn Kon Pao Kơ La, xã Đăk Pxi có hơn 90 hộ gia đình chia thành 10 nhóm, mỗi nhóm từ 7 - 10 gia đình có rừng, đất rừng được giao gần nhau phối hợp để đi tuần tra, kiểm tra, bảo vệ diện tích rừng được giao. Vào mùa khô, mỗi nhóm thực hiện tuần tra, bảo vệ rừng 4 lần/tháng, mùa mưa từ 1-2 lần/tháng. Qua đó, đảm bảo mỗi ngày có nhóm đi tuần tra rừng. Mọi bất thường phát hiện được trong quá trình tuần tra rừng đều được báo về cho lực lượng chức năng và chính quyền địa phương có biện pháp xử lý kịp thời. Nhờ đó, diện tích rừng các gia đình nhận quản lý luôn được bảo vệ an toàn…
Công tác giao đất, giao rừng vừa phát huy công tác bảo vệ rừng, vừa cải thiện đời sống người dân |
Hay như tại xã Đăk Ui hiện được giao quản lý 3.420ha rừng. Thời gian qua, xã đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tập trung phát triển rừng, đưa những giống mới có năng suất cao vào trồng; thực hiện hỗ trợ cây, con giống, kỹ thuật cho người dân nhằm đảm bảo cho cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt. Nhờ làm tốt công tác vận động, người dân xã Đăk Ui nhận thấy được lợi ích và hiệu quả kinh tế từ rừng mang lại nên không chỉ chủ động đăng ký tham gia trồng rừng mà còn đầu tư vốn, bỏ công sức chăm sóc diện tích rừng trồng.
Theo UBND xã Đăk Ui, trong năm 2021, xã được giao chỉ tiêu trồng 100ha rừng. Để đạt kế hoạch đề ra, chính quyền xã Đăk Ui chỉ đạo các tổ chức chính trị, xã hội của địa phương tăng cường phối hợp tuyên truyền vận động bà con tích cực tham gia thực hiện. Đến nay, xã đã vận động được 128 hộ trồng gần 113ha rừng, vượt kế hoạch được giao.
Thực tế cho thấy, qua công tác triển khai công tác giao đất, giao rừng trên địa bàn huyện Đăk Hà trong những năm qua đã góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ rừng, bảo đảm hài hoà lợi ích giữa Nhà nước với người dân nhận rừng, đất rừng. Đặc biệt, góp phần cải thiện sinh kế, nâng cao thu nhập và năng lực bảo vệ rừng cho người dân.
Từ đầu năm 2021 đến nay, UBND huyện Đăk Hà đã giao thêm 1.260ha đất rừng cho 13 cộng đồng dân cư thuộc 2 xã Đăk Pxi và Đăk Ui theo Quyết định số 981 của UBND tỉnh Kon Tum.
Chính sách giao đất giao rừng cho cộng đồng và hộ gia đình quản lý đã tạo bước chuyển biến căn bản trong lĩnh vực quản lý lâm nghiệp, gắn trách nhiệm quản lý bảo vệ rừng với cộng đồng dân cư. Từ đó, rừng được bảo vệ một cách hiệu quả hơn; giảm thiểu và chấm dứt nạn phát rừng làm rẫy, nâng cao đời sống của người dân. Việc thu hút người dân, đặc biệt là các cộng đồng đồng bào dân tộc thiểu số vào tiến trình quản lý rừng là hết sức cần thiết.
Theo đánh giá của UBND tỉnh Kon Tum, việc giao đất giao rừng đã góp phần tăng thu nhập, nâng cao đời sống của người dân khi hưởng lợi từ nguồn tiền dịch vụ môi trường rừng. Trong giai đoạn 2011-2020, các chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư được nhận gần 177 tỷ đồng dịch vụ môi trường rừng, bình quân 5,6 triệu đồng/hộ/năm; 68 triệu đồng/cộng đồng/năm.
Cùng với đó, thông qua hoạt động hỗ trợ sau giao đất giao rừng, công tác xã hội hoá nghề rừng được đẩy mạnh; nguồn lao động của địa phương được huy động để bảo vệ rừng gắn với phát triển bền vững tài nguyên rừng, bảo vệ môi trường sinh thái, cải thiện đời sống người dân, xây dựng nông thôn mới.
Mặc dù việc quản lý, sử dụng rừng và đất lâm nghiệp sau khi giao vẫn còn một số hạn chế như một số diện tích sử dụng sai mục đích, thu nhập từ rừng chưa tương xứng, xâm lấn đất rừng vẫn còn xảy ra… song chủ trương giao rừng, giao đất cho cộng động, hộ gia đình đã có bước chuyển biến rõ nét. Việc tác động tích cực của chính sách này là rất lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Điều đó thể hiện rõ qua sự thay đổi về ý thức bảo vệ tài nguyên rừng của người dân địa phương.
Để tiếp tục phát huy hiệu quả từ chính sách giao rừng, giao đất, UBND tỉnh Kon Tum vừa phê duyệt đề án giao đất, giao rừng cho cộng đồng gắn với hỗ trợ sinh kế và phát triển kinh tế rừng giai đoạn 2021-2025. Theo đó, tổng nhu cầu vốn thực hiện đề án khoảng 72,78 tỷ đồng, trong đó hỗ trợ sinh kế cho người dân chiếm đến hơn 56,2 tỷ đồng. Đối tượng hưởng lợi của đề án là cộng đồng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn. Mục tiêu của đề án là phát huy nội lực của cộng đồng/hộ gia đình, có sự hỗ trợ của Nhà nước nhằm cải thiện sinh kế, phát triển kinh tế hộ gia đình hướng đến thu nhập khá và ổn định từ kinh tế rừng. Đồng thời, giảm áp lực cho công tác bảo vệ rừng, chấm dứt tình trạng phá rừng làm rẫy…