Họa sĩ nâng tầm sách Việt
“Đánh thức” những danh tác Việt
Thị trường xuất bản mấy năm nay xuất hiện rất nhiều cuốn sách đẹp, được làm bìa da hoặc giả da, với hình thức đẹp, có lẽ không thua kém sách Tây là mấy. Phong trào chơi sách cũng nổi lên, như một xu hướng, tạo thành những “cơn sóng” văn hóa rất đáng khuyến khích. Bởi thú chơi sách, vốn là thú chơi văn hóa, rất công phu, nhưng trong đời sống có nhiều thay đổi, thú chơi ấy đã có phần mai một. Vực dậy một thú chơi như chơi sách, vì thế, tại sao không cổ vũ?
Nhưng để cổ vũ được thú chơi ấy, cần có rất nhiều nỗ lực. Bởi hiện nay, thế hệ những người chơi sách khá trễ, họ hiểu biết, có gu thẩm mỹ cao, và có cả điều kiện kinh tế hơn thế hệ những người chơi sách đầu thế kỷ trước. Tuy nhiên, văn hóa đọc của những người trẻ cũng có nhiều sự khác biệt. Do thế, việc hình thành những dòng sách, vệt sách để đáp ứng được dân chơi sách thời 4.0 cũng là điều đáng quan tâm.
Một số cuốn sách có sự song hành của các họa sĩ đương đại |
Trong xu thế đó, có thể thấy nhiều đơn vị xuất bản đã dành sự quan tâm, đầu tư cho vệt sách này. Trong đó, có thể nhắc tới những cái tên như: Đông A, Nhã Nam, Thái Hà, Tri Thức Trẻ, Kim Đồng… Bên cạnh những bản in phổ thông, các đơn vị này thường ra thêm những bản đặc biệt, có đánh số, thêm chữ ký và triện son của tác giả, dịch giả…
Gần đây, thị trường xuất bản thấy có thêm những cuốn sách hay về nội dung lại được các họa sĩ đương đại có tên tuổi vẽ minh họa. Có thể kể tới những tác phẩm như tuyển truyện “Người kép già” của nhà văn Kim Lân được họa sĩ Thành Chương vẽ minh họa, tiểu thuyết “Bỉ vỏ” của nhà văn Nguyên Hồng do họa sĩ Hoàng Phượng Vỹ minh họa. Hay hai tác phẩm nổi tiếng của nhà văn Thạch Lam là “Gió đầu mùa” và “Hà Nội băm sáu phố phường” được họa sĩ Đào Hải Phong vẽ minh họa. Riêng tuyển tập “Truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp” thì quy tụ hàng chục họa sĩ đương đại vẽ minh họa, trong đó có Thành Chương, Đào Hải Phong, Lê Thiết Cương, Phan Cẩm Thượng, Võ Tá Hùng, Trịnh Tú, Hà Trí Hiếu… Một cuộc tụ lại đáng nhắc đến nữa của các họa sĩ đương đại đó là khi minh họa cho đại danh tác “Truyện Kiều” của đại thi hào Nguyễn Du. Khi đó, 15 họa sĩ đương đại, như Thành Chương, Đinh Quân, Đỗ Hoàng Tường, Đặng Xuân Hòa, Phạm Quang Vinh, Lê Quảng Hà, Nguyễn Quân… cũng vẽ những minh họa sống động, bằng các phong cách và chất liệu khác nhau.
Ngoài ra cũng cần nhắc tới cuốn “Cánh đồng bất tận” của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư năm vừa rồi cũng ra mắt ấn bản đặc biệt với minh họa của họa sĩ Minh Hải. Và hai tác phẩm “Cho tôi một vé đi tuổi thơ” và “Tôi là Bê tô” của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh cũng có ấn bản đặc biệt với tranh minh họa màu của họa sĩ Đỗ Hoàng Tường… Giữa năm 2022, NXB Kim Đồng cũng ra mắt bộ đôi tác phẩm "Truyền kỳ mạn lục" - tác phẩm duy nhất của danh sĩ Nguyễn Dữ và "Nam Hải dị nhân liệt truyện" của Phan Kế Bính. Hai tác phẩm nổi bật trong kho tàng văn học trung đại và cận đại Việt Nam bỗng trở nên sống động hơn với độc giả ngày nay bởi gần 400 tranh minh họa tỉ mỉ và kỳ công của hai họa sĩ Nguyễn Công Hoan và Tạ Huy Long. Trước đó, cuốn “Lĩnh Nam chích quái” cũng được họa sĩ Tạ Huy Long dành hơn 1 năm vẽ 200 minh họa sống động, khiến tác phẩm này lập tức được độc giả đón nhận. Mới nhất, đón xuân Quý Mão, Đông A ra mắt cuốn “Quả dưa đỏ” của nhà văn Nguyễn Trọng Thuật do họa sĩ Tạ Huy Long minh họa, và “Đôi lứa xứng đôi - Nửa đêm - Cười” của nhà văn Nam Cao do họa sĩ Đặng Xuân Hòa minh họa.
Cuộc liên tài thú vị
Cũng phải nói ngay, không phải tới bây giờ, các họa sĩ nổi tiêng mới được mời vẽ minh họa cho các tác phẩm văn học. Ngược dòng thời gian, người đọc đã từng quen thuộc với nhiều cái tên họa sĩ vẽ minh họa cho các cuốn sách xuất bản những năm 50-60 của thế kỷ trước, như họa sĩ Văn Đa, Bùi Xuân Phái, Đường Ngọc Cảnh… Song, ở thời điểm đó, những minh họa thường dừng lại ở dạng đen trắng, như thể góp phần “tô điểm” cho cuốn sách. Ở thời điểm này, khi công nghệ làm sách đã có nhiều thay đổi, thì việc sách có minh họa cũng trở nên phổ biến hơn. Thế nhưng, với những tựa sách văn học của các tác giả nổi tiếng trên văn đàn, khi tái bản có thêm sự đồng hành của các họa sĩ nổi tiếng ở thời điểm hiện tại, đã mang tới cho người đọc và dân chơi sách sự thích thú đáng kể.
Họa sĩ Đào Hải Phong nổi tiếng là một họa sĩ giá vẽ ăn khách. Tranh sơn dầu của ông xuất hiện ở nhiều không gian nghệ thuật, từ bảo tàng cho tới khách sạn hạng sang. Họa sĩ thừa nhận, ông không phải là người “thuận tay” trong việc vẽ minh họa sách báo. Thế nhưng, khi được “chọn mặt gửi vàng” nhờ vẽ minh họa cho hai tác phẩm nổi tiếng của nhà văn Thạch Lam, họa sĩ Đào Hải Phong đã coi đây như một cơ duyên. Ông nói rằng, khi đọc những trang văn của Thạch Lam, ông cảm nhận được sự xúc động khi ngòi bút này viết về buổi hoàng hôn và ban đêm. “Văn chương Thạch Lam có sự gần gũi, tương đồng với quan niệm nghệ thuật của tôi… Tôi vẽ những bức minh họa này bằng bột màu, là chất liệu đã làm nên tên tuổi của tôi những năm 90 của thế kỷ trước. Tôi có cảm giác nhà văn Thạch Lam gợi lại cho tôi những gì đã là giá trị của tôi, những gì mộc mạc, nhẹ nhàng nhưng mang lại nhiều điều thú vị”, họa sĩ Đào Hải Phong chia sẻ.
Họa sĩ Thành Chương khi vẽ minh họa cho những truyện ngắn, truyện vừa của cha mình - nhà văn Kim Lân, trong ấn bản “Người kép già” cũng thừa nhận đó là một thách thức. “Từ nhỏ, tôi đã đọc truyện ngắn của cha mình. Mỗi lần đọc đều có một cảm giác khác. Lần này, đọc lại để minh họa, tôi thực sự đứng trước một thử thách không đơn giản. Tôi tự nhủ mình đang thi thố với cha, làm sao đem được cái đẹp của tranh mình đến gần với cái hay của truyện ngắn Kim Lân. Có nhiều truyện ngắn khiến tôi vừa khóc vừa vẽ trong sự thương nhớ và kính trọng cha”, họa sĩ Thành Chương chia sẻ.
Tương tự, với họa sĩ Hoàng Phượng Vỹ, khi đối diện với những trang văn “Bỉ vỏ” của nhà văn Nguyên Hồng, ông cũng phải dồn tâm sức, thậm chí vắt kiệt sức mình để có được những minh họa ưng ý.
Quả thực, cuộc liên tài giữa nhà văn các thế hệ và họa sĩ đương đại là cuộc liên tài thú vị. Bởi đa số, các họa sĩ đương đại hiện nay đều chỉ có thể “nhìn ngắm” tác phẩm của nhà văn mà ít, thậm chí không có kỷ niệm hay chưa từng gặp gỡ nhà văn ở ngoài đời. Tuy nhiên, các họa sĩ đương đại đã vẽ minh họa bằng những cảm xúc nhận được qua “mặt chữ” của những danh tác lấp lánh trên văn đàn suốt nhiều thập niên qua.
Các họa sĩ đã để lại những dấu ấn sáng tạo của mình, ngôn ngữ hội họa của mình, qua những bản minh họa cho các tác phẩm đã được thời gian khẳng định. Những minh họa đó, vừa là cảm xúc của họ trước tác phẩm, vừa tựa như một cây cầu nối gần độc giả đương thời với những danh tác xa xưa.
Và những nỗ lực làm mới sách xưa bằng minh họa nay đang được nhìn nhận như một động thái nâng tầm sách Việt. Bởi nếu chỉ đơn thuần tái bản những danh tác nổi tiếng, thì cũng là việc nên làm. Nhưng nếu chỉ dừng lại như thế, thì chỉ đáp ứng được một bộ phận độc giả. Trong khi đó, độc giả thì mênh mông. Trong cộng đồng đọc sách, luôn có một thị phần độc giả vừa thích sách hay vừa mê sách đẹp. Vì thế, chinh phục và đáp ứng phân khúc độc giả này cần được mở rộng.