Hoan nghênh các nỗ lực của Việt Nam trong thúc đẩy thực hiện các mục tiêu hội nhập thị trường vốn trong khu vực ASEAN
Xây dựng cộng đồng thống kê ASEAN vững mạnh, thích ứng với thay đổi | |
Doanh nhân trẻ ASEAN 2020: Cần một tư tưởng cộng đồng và tầm nhìn vượt biên giới quốc gia |
Đây là hoạt động cuối cùng trong chuỗi các hội nghị và sự kiện thuộc kênh ACMF năm 2020 mà Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) Việt Nam có trách nhiệm chủ trì và điều phối.
UBCKNN họp báo về Hội nghị Chủ tịch ACMF lần thứ 33 |
Tham dự Hội nghị có Lãnh đạo cấp cao các cơ quan quản lý thị trường vốn các nước ASEAN và đại diện Ban Thư ký ASEAN, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Hiệp hội Thị trường Vốn Quốc tế (ICMA), Tổ chức Sáng kiến Trái phiếu Khí hậu (CBI), Viện Tài chính Bền vững châu Á (SFIA).
Gắn với chủ đề quốc gia ASEAN của Việt Nam năm 2020 là “ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng”, trong vai trò Chủ tịch ACMF, UBCKNN đã ưu tiên thúc đẩy sáng kiến "Tài chính Bền vững” là chủ đề xuyên suốt của năm 2020.
Tại Hội nghị, lãnh đạo các cơ quan quản lý thị trường vốn ASEAN hoan nghênh các nỗ lực của Việt Nam trong việc thúc đẩy thực hiện các mục tiêu hội nhập thị trường vốn trong khu vực ASEAN, làm sâu sắc hơn sự gắn kết của khu vực với cộng đồng quốc tế vì phát triển bền vững, đồng thời nâng cao khả năng thích ứng và năng lực thể chế của ASEAN.
Kết quả đầu ra của sáng kiến là “Lộ trình Phát triển bền vững Thị trường Vốn ASEAN” đã được hoàn thiện và báo cáo lên Hội nghị Bộ trưởng Tài chính ASEAN tổ chức vào đầu tháng 10/2020 với các định hướng chiến lược cho việc xây dựng lớp tài sản bền vững trong ASEAN để hỗ trợ chương trình nghị sự phát triển bền vững của ASEAN trong 5 năm tới.
Cũng trong chủ đề “Tài chính Bền vững”, hội nghị đã thảo luận và thống nhất ACMF sẽ đưa ra các tiêu chuẩn trái phiếu liên kết bền vững để tạo thuận lợi cho việc phát hành trái phiếu cho các mục tiêu liên quan đến bền vững. Việc đưa ra các tiêu chuẩn trái phiếu liên kết bền vững cũng nhằm mục tiêu hoàn thiện bộ công cụ phát hành trái phiếu của ASEAN, trong đó có các tiêu chuẩn phát hành trái phiếu xanh, trái phiếu xã hội và trái phiếu bền vững đã được ACMF đưa ra trong giai đoạn 2017-2018. Để thúc đẩy hơn nữa sự phát triển của hệ sinh thái tài chính bền vững trong khu vực, hội nghị cũng thống nhất ACMF sẽ tiến hành nghiên cứu xây dựng một Hệ thống Phân loại xanh, bền vững của ASEAN.
Lãnh đạo các cơ quan quản lý thị trường vốn ASEAN cũng đánh giá cao vai trò chủ trì và điều phối của UBCKNN Việt Nam trong việc chủ động, tích cực phối hợp với cơ quan quản lý thị trường chứng khoán và thành viên thị trường các nước ASEAN để xây dựng Kế hoạch Hành động ACMF giai đoạn 2021-2025 với mục tiêu đạt được Tầm nhìn ACMF 2025 trở thành một thị trường vốn ASEAN liên kết, toàn diện và linh hoạt.
Hội nghị đã thông qua 5 ưu tiên chính của Kế hoạch Hành động tập trung vào: (1) thúc đẩy cao hơn mức độ minh bạch và công bố thông tin; (2) tiếp tục hài hòa hóa các quy định /khuyến khích các thoả thuận công nhận lẫn nhau xuyên biên giới khu vực ASEAN; (3) tăng cường xây dựng năng lực; (4) tăng cường trao đổi và nhận thức; và (5) tăng cường hợp tác và phối hợp. Bản Kế hoạch Hành động chi tiết sẽ được trình lên Hội nghị ACMF lần thứ 34 phê duyệt, đây sẽ là kim chỉ nam cho hoạt động của ACMF trong 5 năm tới.
Tổ chức họp báo ngay sau đó về hội nghị này, Chủ tịch UBCKNN Trần Văn Dũng cho biết, mặc dù chịu tác động không nhỏ từ đại dịch Covid-19 nhưng các sáng kiến hội nhập và hợp tác tài chính trong ASEAN của ACMF vẫn được các Nhóm Công tác triển khai đúng tiến độ. Lãnh đạo các cơ quan quản lý thị trường vốn ASEAN đã nghe báo cáo và hoan nghênh kết quả đạt được của các nhóm công tác ACMF trong các lĩnh vực Tài chính Bền vững, Quỹ Đầu tư Tập thể CIS, Thẻ điểm Quản trị Công ty, Công bố Thông tin…
Hội nghị cũng ghi nhận sự phối hợp của các nhóm công tác ACMF đối với sáu lĩnh vực trọng tâm đã được xác định nhằm thực hiện Lộ trình Phát triển Bền vững Thị trường Vốn ASEAN từ ngắn hạn tới trung hạn.
“Tại Hội nghị, các lãnh đạo cơ quan quản lý thị trường vốn ASEAN tái khẳng định các cam kết để đảm bảo dòng chảy liên tục của thị trường dịch vụ tài chính và tin tưởng rằng đoàn kết và hợp tác là chìa khóa giúp ASEAN chiến thắng đại dịch và khôi phục tăng trưởng khu vực, đồng thời cam kết tiếp tục thực hiện các ưu tiên hợp tác, phối hợp chính sách giữa các nước trong khu vực, cùng với các tổ chức tài chính quốc tế để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững và tăng cường ổn định tài chính trong khu vực ASEAN. Hội nghị cấp Chủ tịch Diễn đàn Thị trường Vốn ASEAN lần thứ 33 đã thành công tốt đẹp. Sang năm, Cơ quan Quản lý Tiền tệ Brunei sẽ là Chủ tịch tiến trình Hội nghị Diễn đàn Thị trường Vốn ASEAN 2021”, ông Dũng cho biết.
Diễn đàn Thị trường Vốn ASEAN (ACMF) được thành lập vào năm 2004 với sự ủng hộ của các Bộ trưởng Tài chính ASEAN. Thành viên của ACMF bao gồm Lãnh đạo cấp cao các cơ quan quản lý thị trường chứng khoán các nước trong khu vực ASEAN. Các đối tác hiện nay của ACMF gồm: Ngân hàng Phát triển châu Á - ADB, Hiệp hội Thị trường Vốn Quốc tế – ICMA, Tổ chức Sáng kiến Trái phiếu Khí hậu - CBI, Viện Tài chính Bền vững châu Á - SFIA, MSCI, Quỹ Thịnh vượng của Anh (UK-FCO)…
Về mục tiêu và định hướng hoạt động: ACMF là một diễn đàn chung cho lãnh đạo cơ quan quản lý thị trường chứng khoán các nước ASEAN chia sẻ thông tin về tình hình phát triển thị trường chứng khoán của các nước, thông qua đó xây dựng và triển khai thực hiện các sáng kiến tăng cường hội nhập thị trường vốn khu vực, với mục tiêu xây dựng một thị trường vốn khu vực gắn kết, sôi động và phát triển bền vững, cũng như thúc đẩy phát triển thị trường vốn ASEAN như một lớp tài sản, tăng cường đầu tư nội khối cũng như thu hút đầu tư từ cộng đồng đầu tư quốc tế vào thị trường vốn khu vực.
Các hoạt động của ACMF tập trung phát triển một thị trường vốn khu vực sâu rộng, có tính thanh khoản và hội nhập nhằm đáp ứng các mục tiêu của Kế hoạch tổng thể về Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) 2015. Hoạt động của ACMF đến cuối năm 2015 được hướng dẫn bởi Kế hoạch Hành động ACMF 2009 đưa ra một lộ trình rõ ràng với các sáng kiến chiến lược. Với các mức độ phát triển khác nhau của các nước thành viên, ACMF áp dụng cách tiếp cận theo thực tế, theo đó các nước chọn tham gia vào các sáng kiến ACMF dựa trên mức độ sẵn sàng và khả năng đáp ứng các yêu cầu của các khuôn khổ tương ứng.
Để thúc đẩy giai đoạn tiếp theo của chương trình hội nhập khu vực sau năm 2015, ACMF đã phát triển Tầm nhìn ACMF 2025 trở thành một thị trường vốn ASEAN liên kết, toàn diện và linh hoạt. Tầm nhìn ACMF 2025 nhằm hỗ trợ Tầm nhìn AEC 2025 để Cộng đồng Kinh tế ASEAN “hội nhập và gắn kết cao; cạnh tranh, đổi mới và năng động; với tăng cường kết nối và hợp tác ngành; và một cộng đồng linh hoạt hơn, hòa nhập và hướng tới con người, lấy con người làm trung tâm, hội nhập với nền kinh tế toàn cầu”.
Ba mục tiêu chiến lược làm nền tảng cho Tầm nhìn ACMF 2025 bao gồm: Tăng cường và tạo điều kiện cho tăng trưởng và kết nối; Thúc đẩy và duy trì tính bao trùm; và tăng cường và duy trì trật tự và khả năng phục hồi.
ACMF đặt mục tiêu đạt được các mục tiêu chiến lược này trong hai giai đoạn trong khoảng thời gian 10 năm để tạo ra cách tiếp cận có mục tiêu hơn đồng thời duy trì tính linh hoạt để đánh giá lại các ưu tiên của ACMF so với các điều kiện thị trường hiện hành.