Xây dựng cộng đồng thống kê ASEAN vững mạnh, thích ứng với thay đổi
Năm 2020 với vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 “Gắn kết và chủ động thích ứng” Chính phủ Việt Nam và các nước ASEAN đã thể hiện bản lĩnh và quyết tâm, nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn thách thức. Không nằm ngoài nỗ lực chung đó, Thống kê Việt Nam và cơ quan thống kê các quốc gia thành viên ASEAN cũng thể hiện được tinh thần cùng nhau gắn kết nâng cao năng lực Hệ thống Thống kê Cộng đồng ASEAN, đáp ứng tốt hơn nhu cầu dữ liệu ngày càng tăng.
“Chúng ta nỗ lực không ngừng để củng cố, xây dựng và phát triển một Cộng đồng Thống kê ASEAN vững mạnh, không chỉ giỏi về chuyên môn nghiệp vụ mà còn thích ứng với thay đổi như vũ bão của khoa học công nghệ”, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Việt Nam, TS. Nguyễn Thị Hương phát biểu khai mạc Phiên họp.
Với chủ đề “Cùng nhau gắn kết nâng cao năng lực Hệ thống Thống kê Cộng đồng ASEAN để đáp ứng tốt hơn nhu cầu dữ liệu ngày càng tăng”, tại kỳ họp này, cơ quan thống kê các quốc gia thành viên ASEAN đã cùng nhìn lại những kết quả chính của Chương trình công tác ACSS năm 2020.
Trong đó, nhằm đáp ứng nhu cầu dữ liệu ngày càng tăng phục vụ giám sát hội nhập ASEAN, ACSS đã tiếp tục thực hiện các chương trình thống kê để cung cấp số liệu thống kê kịp thời và có tính so sánh trên các lĩnh vực: thương mại hàng hóa quốc tế, đầu tư trực tiếp nước ngoài, thương mại dịch vụ quốc tế, các mục tiêu phát triển bền vững, tài khoản quốc gia, các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô và chỉ tiêu xã hội khác.
Bên cạnh đó là thực hiện các chương trình công tác về truyền thông và phổ biến số liệu thống kê nhằm tăng cường sử dụng nhiều hơn các số liệu thống kê của ASEAN, gồm cả các video kỷ niệm một thập kỷ hợp tác của ACSS.
Tại Kỳ họp này, cơ quan thống kê các quốc gia thành viên ASEAN đã thảo luận và thông qua nhiều nội dung quan trọng như: Thông qua kết quả đánh giá giữa kỳ Kế hoạch Chiến lược ACSS giai đoạn 2016-2025 và Kế hoạch Chiến lược ACSS điều chỉnh giai đoạn 2021-2025.
Đồng thời, công bố “Báo cáo đầu kỳ các chỉ tiêu phát triển bền vững 2020 của ASEAN” gồm một báo cáo thống kê và các chỉ tiêu phát triển bền vững ưu tiên đã được ASEAN thông qua, bao gồm 67 chỉ tiêu do các quốc gia thành viên ASEAN thu thập; công bố “Cổng cơ sở dữ liệu trực tuyến các chỉ tiêu phát triển bền vững”, là công cụ để gửi dữ liệu, xử lý và phổ biến các chỉ tiêu phát triển bền vững của ASEAN.
"Chúng tôi đánh giá cao nỗ lực của Nhóm công tác về chỉ tiêu phát triển bền vững trong hỗ trợ ASEANstats kịp thời phát hành ấn phẩm, cổng thông tin trực tuyến và đồ họa thông tin về các chỉ tiêu phát triển bền vững trên trang thông tin điện tử của ASEANstats”, theo thông cáo báo chí chung của ACSS10.
Các Cơ quan thống kê các nước thành viên ASEAN cũng ghi nhận tiềm năng sử dụng dữ liệu lớn như là một nguồn dữ liệu mới phục vụ thống kê chính thức. “Chúng tôi đã thông qua tài liệu khái niệm về sử dụng dữ liệu lớn để tăng cường số liệu thống kê chính thức của ACSS. Hoạt động này sẽ đẩy mạnh hợp tác khu vực về sử dụng dữ liệu lớn, cải thiện tính kịp thời và phù hợp của số liệu thống kê chính thức, đồng thời giảm chi phí biên soạn số liệu thống kê”, thông cáo viết.
Các cơ quan thống kê các quốc gia thành viên ASEAN đã thông qua Khung ASEAN giúp ASEAN về nâng cao năng lực ACSS nhằm duy trì các chương trình xây dựng năng lực, cũng như tạo điều kiện chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm hơn nữa giữa các quốc gia thành viên ASEAN nhằm đẩy mạnh phát triển thống kê ở cấp quốc gia và khu vực.
Cũng tại kỳ họp này, các đại biểu đã cùng nhau nhìn lại tác động lớn của đại dịch COVID-19 đối với các cơ quan thống kê quốc gia trong khu vực ASEAN, đặc biệt năm 2020 là năm mà hầu hết các quốc gia thành viên ASEAN tiến hành Tổng điều tra dân số. Nhiều hoạt động thống kê khác cũng bị ảnh hưởng, nhất là những hoạt động liên quan đến điều tra thực địa. Do đó, đại dịch COVID-19 đã đặt ra những thách thức lớn và nghiêm trọng đối với việc cung cấp kịp thời các số liệu thống kê chính thức.
Mặc dù gặp nhiều khó khăn và hạn chế, các quốc gia thành viên ASEAN vẫn nỗ lực cung cấp số liệu thống kê chính thức đáng tin cậy qua những thay đổi trong quy trình thực hiện hoạt động, cải tiến phương pháp luận và tăng cường sử dụng công nghệ để giảm thiểu tác động của đại dịch COVID-19.
Thông cáo báo chí chung của ACSS10 cũng hoan nghênh những nỗ lực của các quốc gia thành viên ASEAN trong sản xuất và phổ biến số liệu thống kê chính thức có chất lượng cao trước những thách thức của đại dịch COVID-19. Trong đó, riêng Việt Nam đã tiến hành các cuộc điều tra trực tuyến đánh giá tác động của dịch COVID-19 đối với các doanh nghiệp; bổ sung các câu hỏi về tác động của dịch COVID-19 đối với người lao động vào Điều tra Lao động việc làm; đánh giá tác động và xây dựng các kịch bản tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin như email, bảng hỏi điện tử và hồ sơ hành chính phục vụ đánh giá tình hình kinh tế - xã hội hàng tháng và các cuộc điều tra.
Phiên họp cũng chứng kiến sự chuyển giao vai trò Chủ tịch ACSS năm 2021 cho Bru-nây đảm nhiệm.