Với vai trò Chủ tịch SEACEN năm 2022, Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Thị Hồng và Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà chủ trì hội nghị EXCO của SEACEN lần thứ 21, với sự tham dự của các Phó Thống đốc NHTW, Cơ quan quản lý tiền tệ 19 thành viên SEACEN.
Phát biểu khai mạc tại hội nghị, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng chia sẻ, các NHTW đang đối mặt với các thách thức lớn. Đặc biệt, trong kiềm chế lạm phát khi kinh tế thế giới đang đương đầu với các cú sốc tiêu cực như lạm phát cao, điều kiện tài chính toàn cầu thắt chặt, căng thẳng địa chính trị và đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại một số quốc gia.
![]() |
Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Thị Hồng phát biểu tại hội nghị |
Trước thực tế đó, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đánh giá cao việc SEACEN đề xuất nhiều hoạt động nghiên cứu, nâng cao năng lực trong năm 2023 về các chủ đề thu hút nhiều sự quan tâm như kiểm soát lạm phát, quản lý dòng vốn, các vấn đề về khu vực đối ngoại… Trên cương vị chủ trì SEACEN 2022, Thống đốc chủ động đưa ra các sáng kiến để thảo luận cùng lãnh đạo của các NHTW trong khu vực hướng tới hình thành các giải pháp thực tiễn nhằm đảm bảo ổn định tài chính – ngân hàng.
Tại hội nghị, Thống đốc cùng với Giám đốc Trung tâm SEACEN đưa ra các định hướng hoạt động chung cho SEACEN trong thời gian tới như tăng cường các chương trình nghiên cứu và đào tạo, chia sẻ kiến thức phù hợp với nhu cầu và tình hình thực tiễn của các thành viên. Cùng với đó, thường xuyên mở rộng hợp tác chuyên môn với các chuyên gia và tổ chức quốc tế có uy tín. Các nỗ lực này sẽ giúp xây dựng và phát triển SEACEN trở thành trung tâm đào tạo và nghiên cứu uy tín trong khu vực.
Sau phần khai mạc của Thống đốc, Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà chủ trì điều hành hội nghị EXCO để tổng kết, đánh giá lại các hoạt động năm 2022 và thảo luận về các vấn đề chiến lược và hoạt động của SEACEN trong năm 2023.
Dự kiến, các nội dung thống nhất tại hội nghị EXCO lần thứ 21 sẽ được báo cáo lên các Thống đốc SEACEN để phê duyệt vào cuối năm 2022 tại hội nghị Hội đồng Thống đốc SEACEN (BOG).
Dưới sự điều hành của Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà, hội nghị đã thành công tốt đẹp. Các Phó Thống đốc NHTW SEACEN cảm ơn sự hiếu khách của NHTW nước chủ nhà Việt Nam, cá nhân Thống đốc NHNN và Phó Thống đốc và đánh giá cao những đóng góp hết sức tích cực của NHNN trong vai trò chủ trì SEACEN năm 2022.
![]() |
Trước đó, ngày 15/9/2022 đã diễn ra hội thảo cấp cao do SEACEN phối hợp với Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) tổ chức. Đây là hội thảo cấp cao bên lề hội nghị EXCO lần thứ 21, Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà tham dự và đồng chủ trì.
Hội thảo cấp cao lần này nhằm để Phó Thống đốc NHTW các quốc gia trong khu vực cùng với đại diện BIS và các tổ chức quốc tế trao đổi về quan điểm phối hợp chính sách của NHTW - Những thách thức hiện tại mà các nền kinh tế thị trường mới nổi và cận biên đang phải đối mặt; xây dựng khuôn khổ để ổn định tài chính vĩ mô; khuôn khổ chính sách quản lý dòng vốn trong khu vực...
Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà nhận định, kinh tế và thị trường toàn cầu đang trải qua thời kỳ bất ổn và chưa từng có tiền lệ. Trong khi các nền kinh tế chưa khắc phục được hết những tổn thất do đại dịch để lại và đang triển khai những chính sách hồi phục hậu Covid-19.
Đồng thời, trong thời gian gần đây, kinh tế toàn cầu tiếp tục hứng chịu liên tiếp những cú sốc và rủi ro tiềm ẩn đến từ xung đột địa chính trị, giá dầu mỏ leo thang và đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu. Tại báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu vào tháng 7/2022, IMF đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu chỉ đạt 3,2% trong năm 2022, giảm 0,4 điểm phần trăm so với dự báo được đưa ra vào tháng 4/2022.
Theo Phó Thống đốc, tại đa số các nền kinh tế, chính sách tiền tệ và tài khóa đang được thiết kế để hỗ trợ tối đa cho quá trình hồi phục. Tuy nhiên, sự biến động của kinh tế thế giới khiến công tác dự báo tại các NHTW. Đặc biệt tại các quốc gia mới nổi trở nên khó khăn, kém chính xác hơn. Dẫn tới các NHTW phải nỗ lực hơn trong công tác điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá cũng như để đảm bảo an toàn vĩ mô của nền kinh tế nói chung và hệ thống ngân hàng nói riêng. So với các cuộc khủng hoảng kinh tế trước đây, các yếu tố ảnh hưởng đến các thị trường mới nổi đang ngày càng hiện hữu, đặc biệt với các quốc gia trong khu vực.
![]() |
Toàn cảnh hội nghị |
Lạm phát ở mức hai chữ số ở nhiều quốc gia và việc FED tăng lãi suất buộc các NHTW trên thế giới phải đánh giá lại công tác điều hành chính sách tiền tệ giữa bối cảnh khu vực sản xuất, dịch vụ và hoạt động của nền kinh tế toàn cầu đang trở lại mạnh mẽ sau thời gian gián đoạn vì dịch bệnh.
Cùng với đó, những tổn thương của nền kinh tế do dịch bệnh để lại như tỷ lệ nợ xấu, chất lượng tín dụng… sẽ đặt ra nhiều thách thức cho quá trình nghiên cứu, xây dựng chính sách phù hợp nhằm hạn chế tối đa các rủi ro tiềm ẩn, giúp nền kinh tế vượt qua thời kỳ khó khăn.
Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà cho rằng, tại hội thảo cấp cao này, các đại biểu tham dự dành thời gian thảo luận các nội dung nêu trên và lắng nghe các ý kiến từ các chuyên gia đến từ BIS, Ngân hàng Thế giới (WB), NHTW trong khu vực, các giáo sư Viện Nghiên cứu Hoover thuộc Đại học Stanford và đại diện GIC... về tác động lạm phát tới nền kinh tế các quốc gia mới nổi.
Phó Thống đốc thay mặt các NHTW thành viên SEACEN, cảm ơn các diễn giả nhận lời tham gia chương trình như Giáo sư Taylor, ông Filardo, và ông Kose đang tham gia trực tuyến từ Hoa Kỳ cùng các đại biểu tham dự hội thảo…
Bài, ảnh: Công Thái
Nguồn: