Hội nghị toàn thể đặc biệt của APG để thông qua báo cáo đánh giá đa phương của Việt Nam
Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh và Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng tham dự Hội nghị |
Đồng chủ tọa Hội nghị là ông Ian McCartney - Phó Ủy viên Cảnh sát Liên Bang Úc và ông Marzunisham Omar - Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương Malaysia.
Tham dự Hội nghị tại các điểm cầu trực tuyến có các thành viên Đoàn đánh giá và đại diện của các nước thành viên APG. Tại điểm cầu trụ sở Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) có sự tham dự của Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh, Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng cùng đại diện một số Bộ, Ngành và đại diện một số Vụ, Cục, đơn vị có liên quan thuộc NHNN.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng chào mừng các thành viên Đoàn đánh giá cũng như đại diện của các nước thành viên APG tham dự Hội nghị thường niên đặc biệt này để phê duyệt Báo cáo đánh giá đa phương của Việt Nam.
Theo Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng, do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Ban thư ký APG đã buộc phải tạm đình chỉ quá trình đánh giá đa phương đối với Việt Nam. Sau một thời gian tạm hoãn, Ban thư ký APG đã thông báo khởi động lại đánh giá đa phương của Việt Nam và tổ chức họp trực tiếp và Hội nghị thường niên đặc biệt bằng hình thức trực tuyến để hoàn tất Báo cáo đánh giá đa phương đối với Việt Nam.
Phó Thống đốc cho biết, mặc dù Báo cáo đánh giá đa phương của Việt Nam chưa được thông qua, nhưng ngay kể từ sau đợt làm việc tại chỗ của Đoàn đánh giá kết thúc vào tháng 11/2019, trên cơ sở những quy định của pháp luật, những chủ trương, chính sách của Chính phủ Việt Nam, kết hợp với những kiến nghị của Đoàn đánh giá trong dự thảo Báo cáo đánh giá đa phương, Việt Nam đã tích cực và chủ động triển khai nhiều giải pháp trong công tác Phòng, chống rửa tiền/ tài trợ khủng bố/ tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt. Các hoạt động của Việt Nam đã thể hiện cam kết và nỗ lực để hướng tới các tiêu chuẩn quốc tế về Phòng, chống rửa tiền/ tài trợ khủng bố/ tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.
Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu trụ sở NHNN |
Phó Thống đốc đánh giá cao các thành viên Đoàn đánh giá trong suốt quá trình vừa qua đã xem xét rất nhiều tài liệu, bằng chứng để đưa ra những phát hiện chính và khuyến nghị hành động cho Việt Nam. Nhìn chung báo cáo đánh giá đã phản ánh được cơ chế phòng chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố của Việt Nam. Việt Nam đã và đang tiếp tục cải thiện vấn đề này, qua đó thể hiện nỗ lực của các cơ quan có thẩm quyền của Việt nam cũng như cam kết của Chính phủ Việt Nam trong việc thực hiện nội luật hóa và thực hiện các chuẩn mực quốc tế về Phòng, chống rửa tiền/ tài trợ khủng bố/ tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.
Tại Hội nghị, các đại biểu là các thành viên Đoàn đánh giá và đại diện của các nước thành viên APG và các đại biểu dự Hội nghị của Việt Nam đã trao đổi, thảo luận, làm rõ các vấn đề, các khuyến nghị của Ủy ban Đánh giá đa phương (MEC) đối với Việt Nam. Hội nghị đã tập trung thảo luận và các nước đã lắng nghe phần phản biện của Việt Nam đối với vấn đề về (i) tịch thu, thu hồi tài sản; (ii) điều tra, truy tố, xét xử tội tài trợ khủng bố; (iii) phát hành cổ phiếu vô danh. Trên cơ sở đó, có nhiều nước thành viên APG đã ủng hộ ý kiến của Việt Nam và Ngài đồng chủ tọa đã ghi nhận Việt Nam có đầy đủ chứng cứ để được nâng xếp hạng đối với 2 Khuyến nghị (số 4 và số 5) lên Tuân thủ Phần lớn, nâng xếp hạng đối với 2 Mục tiêu trực tiếp về tịch thu, thu hồi tài sản (IO8) và điều tra, truy tố, xét xử tội tài trợ khủng bố (IO9) lên Hiệu quả đáng kể. Đây là một kết quả đáng khích lệ và sẽ làm giảm gánh nặng các khuyến nghị hành động mà Việt Nam phải thực hiện trong giai đoạn sau đánh giá.
Kết thúc Hội nghị toàn thể đặc biệt, các đại biểu tham dự đã thông qua Báo cáo đánh giá đa phương của Việt Nam. Báo cáo này sẽ là căn cứ quan trọng để Chính phủ Việt Nam lấy làm cơ sở triển khai công tác Phòng, chống rửa tiền/ tài trợ khủng bố/ tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt một cách có hiệu quả hơn trong giai đoạn tới.