HSBC kỳ vọng lãi suất điều hành giữ nguyên suốt năm 2024
Xuất khẩu tăng trưởng góp phần quan trọng cải thiện cán cân vãng lai của Việt Nam trong năm 2023 - Ảnh: Đình Hải |
Trong báo cáo vừa phát hành, HSBC cho rằng lạm phát vẫn là vấn đề đáng lưu tâm của Việt Nam, áp lực giá vẫn chưa hoàn toàn mất đi. Rủi ro tăng lạm phát do năng lượng và thực phẩm vẫn còn đó, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam khá nhạy cảm đối với những mặt hàng này do tỷ trọng khá lớn trong rổ tính toán lạm phát.
Chi phí y tế gia tăng cũng là vấn đề cần lưu tâm chặt chẽ sau khi Việt Nam tiếp tục áp dụng điều chỉnh giá dịch vụ y tế toàn quốc sau giai đoạn bốn năm. Mặc dù vẫn lưu tâm đến rủi ro tăng giá, HSBC kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước sẽ giữ nguyên lãi suất chính sách ở 4,5% trong suốt năm 2024.
Trước đó, tại cuộc họp báo ngày 3/1, thông báo kết quả điều hành chính sách tiền tệ năm 2023 và thông tin định hướng chính sách tiền tệ năm mới, Ngân hàng Nhà nước không đặt vấn đề tăng lãi suất trong năm 2024.
Năm 2024, Ngân hàng Nhà nước cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng 15% cho các ngân hàng ngay từ đầu năm. Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú chủ trì cuộc họp báo cho rằng việc trao hạn mức tăng trưởng tín dụng kỳ vọng góp phần tạo ra sức cầu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Theo HSBC, các lĩnh vực bên ngoài dần phục hồi mang lại tin vui cho cán cân vãng lai của Việt Nam, xét về mặt nào đó cũng giúp bảo vệ cho đồng VND. Sau hai năm liên tiếp thâm hụt cán cân vãng lai, cán cân vãng lai của Việt Nam cũng đang trên đà thặng dư trở lại khá lớn. Cán cân vãng lai thặng dư năm 2023 nhờ lượng kiều hối ổn định, doanh thu du lịch tăng và quan trọng nhất là tình hình thương mại cải thiện trong sáu tháng cuối năm.
HSBC tính toán cán cân vãng lai, được tính toán trên cơ sở bốn quý gần nhất, thặng dư tính đến quý 3/2023 đạt gần 5% GDP, tương đương với các mức cao trong lịch sự tính từ năm 2019. Trong bối cảnh thặng dư thương mại trong quý 4/2023 có cải thiện đáng kể, xu hướng này nhiều khả năng còn tiếp diễn mạnh mẽ hơn.
HSBC cho rằng trong năm 2024, một trọng tâm chính sách của Việt Nam chính là tác động của thuế doanh nghiệp tối thiểu 15%, nhằm phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế OECD, đối với triển vọng thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) - một lĩnh vực Việt Nam đã liên tục vượt trội so với các nước khác trong những năm qua.
“Mặc dù vẫn còn quá sớm để đánh giá được tác động nhưng những tác động này có thể nằm trong tầm kiểm soát theo đánh giá của chúng tôi. Cần theo dõi chặt chẽ cách quản lý nguồn ngân sách bổ sung từ thuế cũng như những phương pháp đi kèm hoặc ưu đãi khác sẽ được áp dụng nhằm bù đắp cho mức thuế tăng lên”, báo cáo của HSBC có đoạn viết.
HSBC tin rằng Việt Nam đang phục hồi theo đúng tiến độ, có khả năng lấy lại mức tăng trưởng xu hướng 6% trong năm 2024. Khi các dòng vốn FDI tiếp tục gia tăng năng lực sản xuất, lĩnh vực sản xuất sẽ có dấu hiệu phục hồi, mang lại cơ hội cho lĩnh vực xuất khẩu.