Hướng dẫn quản lý rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng
Tín dụng được đánh giá rủi ro môi trường - xã hội tăng trưởng đều
Phát biểu tại Tọa đàm, bà Hà Thu Giang - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế - NHNN đánh giá, Việt Nam là quốc gia đang phải đối mặt với nhiều vấn đề về môi trường và chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế, đời sống người dân. Vì vậy, thời gian qua, nước ta đã tích cực tham gia thực hiện các cam kết quốc tế về giảm phát thải khí nhà kính, giảm tác động của biến đối khí hậu, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
Với vai trò là một trong những kênh cung ứng tài chính cho nền kinh tế, ngành Ngân hàng luôn xác định vai trò trách nhiệm trong việc xanh hoá dòng vốn đầu tư cho mục tiêu phát triển bền vững.
Bà Hà Thu Giang - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế phát biểu khai mạc Tọa đàm. |
Theo bà Giang, từ năm 2015, với sự hỗ trợ kĩ thuật của IFC, NHNN đã ban hành nhiều văn bản định hướng hoạt động ngân hàng vào lĩnh vực xanh, thông qua việc ban hành Chỉ thị số 03 ngày 24/03/2015 về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường - xã hội trong hoạt động cấp tín dụng, ban hành sổ tay hướng dẫn quản lý rủi ro môi trường - xã hội đối với 15 ngành kinh tế làm tài liệu tham khảo hữu ích cho các TCTD phục vụ công tác thẩm định và ra quyết định cấp tín dụng.
Qua tổng kết đánh giá, có thể thấy đa số TCTD có sự thay đổi về nhận thức, hướng tới hoạt động bền vững. Dư nợ tín dụng được đánh giá rủi ro môi trường - xã hội của TCTD tăng trưởng đều qua các năm, đến nay chiếm 17% tổng dư nợ của toàn nền kinh tế.
Ông Thomas Jacobs - Giám đốc Quốc gia phụ trách khu vực Mekong Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) chia sẻ, hai thập niên vừa qua, với tốc độ tăng trưởng nhanh, Việt Nam là một trong những nền kinh tế thâm dụng về carbon nhất ở Đông Á. Khi nhận thức được nhu cầu giảm thiểu khí nhà kính và đối phó với biến đổi khí hậu, Việt Nam đã đưa ra những cam kết tham vọng tại COP26 để có được trung hòa carbon vào năm 2050 và hiện thực hóa nỗ lực này.
Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045 và đạt được phát thải carbon trung hòa vào năm 2050, Việt Nam phải đẩy mạnh việc khử carbon nền kinh tế thông qua quá trình chuyển đổi năng lượng và bảo vệ môi trường. Điều này đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa khu vực công, tư nhân và nguồn tài chính cần có.
Ông Thomas Jacobs, Giám đốc Quốc gia phụ trách khu vực Mekong Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) phát biểu tại Tọa đàm. |
Báo cáo Quốc gia về Khí hậu và Phát triển cho Việt Nam của Ngân hàng Thế giới dự báo rằng lộ trình tăng trưởng phát thải ròng bền vững cần phải có thêm tới 6,8% GDP đầu tư hằng năm, tức là 368 tỷ USD cho tới năm 2040 và một nửa phần này khoảng 184 tỷ USD cần có từ khu vực tư nhân. Để huy động được, phải vượt qua một số rào cản cơ bản như môi trường thể chế, pháp luật để khu vực tư nhân đầu tư vào những ngành chính gây phát thải như năng lượng, giao thông, nông nghiệp và sản xuất nhanh hơn, đơn giản hơn, rẻ hơn.
Thực tế, thời gian qua, bà Phạm Thị Thanh Tùng - Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cho biết, nhận thức của các TCTD đối với vấn đề bảo vệ môi trường thông qua đánh giá và quản lý rủi ro về môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng thay đổi rõ rệt. Ngày càng nhiều các TCTD đã xây dựng các quy định nội bộ quản lý rủi ro môi trường xã hội. Đồng thời, các TCTD đã chủ động hoàn thiện cơ cấu tổ chức như thành lập bộ phận chuyên trách hoặc bố trí cán bộ chuyên trách về quản lý rủi ro môi trường xã hội…
Về phía các TCTD, đại diện ngân hàng BIDV cho biết đã sớm nghiên cứu triển khai mô hình chi nhánh/phòng giao dịch “Ngân hàng xanh” gắn với yêu cầu thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng. Ngoài ra, ngân hàng dành tỷ trọng ngày càng gia tăng để tài trợ cho các khách hàng trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, các ngành sản xuất và tiêu dùng phát thải carbon thấp. Kết quả thực hiện cấp tín dụng lĩnh vực xanh tại BIDV đến 31/12/2022 là 63.773 tỷ đồng, chiếm 4,25% tổng dư nợ.
Còn tại VPBank, bà Mai Thu Thuỷ cho biết, từ năm 2016, ngân hàng đã ban hành chính sách về quản lý rủi ro môi trường - xã hội, tới 2018 đã hoàn thiện hệ thống quản lý rủi ro môi trường xã hội (ESMS) và năm 2022, hệ thống ESMS trong cấp tín dụng trở thành một phần của chính sách ESG toàn ngân hàng.
Theo bà Thuỷ, mỗi đề xuất cấp tín dụng được đánh giá dựa trên các rủi ro và tác động môi trường, xã hội tiềm ẩn, được phân loại thành các cấp độ: Rủi ro cao, Rủi ro trung bình, Rủi ro thấp để có biện pháp quản lý, giám sát phù hợp.
Thông điệp về trách nhiệm bảo vệ môi trường
Lãnh đạo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cho biết, NHNN đã ban hành Thông tư 17/2022/TT-NHNN ngày 23/12/2022 Hướng dẫn thực hiện quản lý rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Theo đó, Thông tư 17 sẽ có hiệu lực từ ngày 1/6/2023. Bà Giang cho biết, việc thực hiện Thông tư 17 là thông điệp mạnh mẽ về trách nhiệm của ngành Ngân hàng với công tác bảo vệ môi trường, tăng cường khả năng quản trị rủi ro của các TCTD trước rủi ro về môi trường, biến đổi khí hậu, hướng hoạt động của các TCTD ngày càng tiệm cận đối với quy chuẩn, thông lệ quốc tế về tài chính bền vững.
Toàn cảnh Toạ đàm |
Bà Phạm Thị Thanh Tùng thông tin, phạm vi điều chỉnh của Thông tư 17 là hoạt động cấp tín dụng của TCTD đối với các dự án đầu tư cần phải quản lý rủi ro về môi trường. Các TCTD cần hoàn thành xây dựng và ban hành quy định nội bộ về quản lý rủi ro môi trường trong hoạt động cấp tín dụng trước ngày 1/6/2023.
Chia sẻ tiêu chí môi trường để phân loại dự án, ông Mai Thế Toản - Phó Cục trưởng Cục Khoáng sản Việt Nam, Bộ Tài nguyên và môi trường cho biết sẽ dựa vào các yếu tố như: Quy mô, công suất, loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; diện tích sử dụng đất, đất có mặt nước, khu vực biển; quy mô khai thác tài nguyên thiên nhiên; yếu tố nhạy cảm về môi trường… Dựa trên mức độ tác động môi trường, chia thành 4 nhóm dự án.
Trước thời hạn áp dụng Thông tư 17, đại diện BIDV chia sẻ một số vướng mắc như: Các dự án được tài trợ theo nguồn vốn của các tổ chức quốc tế có thể vừa phải phân loại rủi ro theo quy định của NHNN tại Thông tư 17 vừa phải đánh giá phân loại theo tiêu chuẩn của các nhà tài trợ. Bên cạnh đó, nhân sự ngành Ngân hàng lại chưa có kinh nghiệm, chuyên môn chuyên sâu về đánh giá rủi ro về môi trường; chưa có hành lang pháp lý đầy đủ cho việc thành lập và hoạt động của các tổ chức tư vấn độc lập về môi trường.
Vì vậy, đại diện ngân hàng đề nghị NHNN có hướng dẫn về quản lý rủi ro môi trường đối với các Dự án đươc tài trợ bởi nguồn vốn ủy thác quốc tế, chương trình tài trợ nước ngoài, đồng thời sớm nghiên cứu có hướng dẫn các NHTM đánh giá yếu tố rủi ro xã hội trong hoạt động cấp tín dụng để đáp ứng theo thông lệ quốc tế cũng như yêu cầu của các nhà tài trợ, nhà đầu tư nước ngoài.
Cùng với đó, NHNN đầu mối gửi kiến nghị đến Chính phủ, Bộ, Ban, Ngành có liên quan sớm ban hành các quy định/hướng dẫn về việc thành lập và hoạt động của các tổ chức tư vấn độc lập về môi trường; cần có kênh tái cấp vốn cho các TCTD để cấp tín dụng cho các doanh nghiệp tăng cường triển khai các dự án ít hoặc không ảnh hưởng đến môi trường như là một đối tượng ưu tiên…