Hướng tới thị trường tài chính lành mạnh, ổn định
Đây là ý kiến được trao đổi tại Hội thảo “Cảnh báo sớm rủi ro thị trường tài chính” do Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia (GSTCQG) phối hợp với Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tổ chức sáng 16/12.
Nhiều bước phát triển mới
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Vũ Nhữ Thăng - Phó Chủ tịch phụ trách Ủy ban GSTCQG nhận định, Việt Nam đang ở giai đoạn phục hồi sau đại dịch COVID-19 trong bối cảnh khó khăn khi xung đột chính trị trên thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, kinh tế thế giới đang ghi nhận lạm phát cao kỷ lục; rủi ro tài chính, tiền tệ đang gia tăng; một số nền kinh tế tăng trưởng chậm lại, kinh tế thế giới được dự báo có khả năng suy thoái trong những năm tới… mặt bằng lãi suất đang có xu hướng tăng… FED trong kỳ họp gần nhất đã tăng thêm 0,5% lãi suất và đưa ra tín hiệu sẽ tiếp tục giữ mặt bằng lãi suất cao trong thời gian tới. Một số nước trên thế giới cũng đang tăng cường nâng lãi suất trước vòng xoáy của lạm phát.
Trong nước, dù doanh nghiệp thành lập mới tăng, xuất nhập khẩu đạt kết quả tốt nhưng đầu tư công vẫn chưa được như kỳ vọng, tỷ giá thay đổi gây áp lực trong hệ thống. Đáng chú ý, Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng (PMI) đã giảm xuống mức thấp nhất trong 14 tháng, cho thấy sự chững lại của cả sản xuất, tiêu dùng, mặc dù kinh tế đang khôi phục.
Ông Vũ Nhữ Thăng - Phó Chủ tịch phụ trách Ủy ban GSTCQG phát biểu khai mạc Hội thảo |
Ông Thăng cho rằng, bối cảnh này gợi nhớ về nhiều điều trong quá khứ, khi những cuộc khủng hoảng tài chính đã diễn ra. Có thể thấy rằng, những năm qua, thị trường tài chính Việt Nam đã có nhiều phát triển mới, tuy nhiên cần nhìn nhận rằng cấu trúc thị trường vẫn chưa ổn định, vốn vẫn phụ thuộc vào hệ thống ngân hàng, hệ thống hành lang pháp lý đã có nhưng vẫn chưa hoàn thiện, nhất là với những mô hình kinh doanh mới.
Phân tích cụ thể hơn về thực trạng thị trường tài chính Việt Nam giai đoạn 2016-2021, ông Dương Hồng Hà - Phó Trưởng ban, Ban Giám sát tổng hợp, Ủy ban GSTCQG thông tin, số liệu thống kê cho thấy quy mô thị trường vốn tăng gấp 3,6 lần, tương đương 132% GDP vào cuối năm 2021, dần cân bằng với quy mô tín dụng ngân hàng, trong đó dư nợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp và vốn hoá thị trường cổ phiếu tăng mạnh. Tuy nhiên, trong 9 tháng đầu năm 2022, quy mô thị trường vốn giảm do các biến động bất lợi.
Tổng tài sản hệ thống các định chế tài chính xấp xỉ 18,3 triệu tỷ đồng tại thời điểm 30/9/2022. Các TCTD vẫn chiếm tỷ trọng chủ đạo 93,5% tổng tài sản hệ thống các định chế tài chính, mặc dù tỷ trọng tài sản của hệ thống công ty chứng khoán, doanh nghiệp bảo hiểm có sự cải thiện.
Tuy nhiên, qua giám sát cho thấy, vẫn còn tồn tại hạn chế, đơn cử như trong lĩnh vực ngân hàng, tỷ lệ tín dụng/GDP cao so với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Nợ xấu và tài sản xấu còn tồn đọng tại một số TCTD trong giai đoạn tái cơ cấu trước, một số NHTM tái cơ cấu chưa thành công, thị trường mua bán nợ chưa phát triển….
Với lĩnh vực chứng khoán, cấu trúc thị trường mất cân đối; chậm nâng hạng thị trường lên thị trường chứng khoán mới nổi nên giảm sức hấp dẫn với nhà đầu tư nước ngoài; định mức tín nhiệm trong phát hành chứng khoán chưa phổ biến; mức độ biến động của chỉ số chứng khoán lớn… số lượng công ty chứng khoán còn lớn so với quy mô thị trường…
Ông Cho Han Deog - Giám đốc Quốc gia KOICA tại Việt Nam cho rằng, việc phải duy trì một hệ thống tài chính ổn định trong tiến trình phát triển kinh tế quốc gia là vô cùng quan trọng |
Đối với lĩnh vực bảo hiểm, quy mô, mức độ thâm nhập thị trường bảo hiểm Việt Nam còn thấp, chi phí doanh nghiệp bảo hiểm trả cho kênh phân phối lớn, làm tăng chi phí của người tham gia bảo hiểm và ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm bảo hiểm được cung cấp.
Ngoài ra, theo ông Hà, hiện đang thấy mối quan hệ liên thông trên thị trường tài chính tiềm ẩn rủi ro tập trung và rủi ro lan truyền, cụ thể đang có sự hình thành các tập đoàn tài chính hoạt động trên cả ba lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, trong đó công ty mẹ đóng vai trò là công ty sở hữu vốn; xu hướng mua lại, thâu tóm các định chế tài chính bởi các doanh nghiệp đa ngành, doanh nghiệp bất động sản hoặc các định chế tài chính khác.
Bên cạnh đó, là các nhóm doanh nghiệp có mối quan hệ liên quan, hoạt động trong lĩnh vực bất động sản phát hành trái phiếu doanh nghiệp với khối lượng lớn; sử dụng tài sản hình thành trong tương lai, bất động sản, cổ phiếu làm tài sản bảo đảm cho khoản vay tại TCTD qua các đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ…
Tăng cường giám sát thị trường tài chính
Ông Cho Han Deog - Giám đốc Quốc gia KOICA tại Việt Nam cho rằng, việc phải duy trì một hệ thống tài chính ổn định trong tiến trình phát triển kinh tế quốc gia là vô cùng quan trọng. Những năm gần đây, thị trường tài chính đã có một số những bất ổn khi đại dịch COVID-19 hoành hành, căng thẳng Nga – Ukraine và căng thẳng địa chính trị trên thế giới, lạm phát… Chính vì vậy, cần có những cảnh báo sớm về rủi ro tài chính có thể xảy ra trong bối cảnh mới, nhất là đối với Việt Nam – một thị trường tài chính đang phát triển nhanh chóng.
Thực tế, một số lĩnh vực đã nhận thức rõ được tầm quan trọng của việc cảnh báo sớm các rủi ro có thể xảy ra trên thị trường tài chính và có những bước đi phù hợp.
Toàn cảnh Hội thảo |
Đơn cử như trong lĩnh vực ngân hàng, ông Lê Trung Kiên - Phó Cục trưởng Cục Giám sát an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng - NHNN cho biết, Ủy ban Basel về giám sát ngân hàng đã yêu cầu các ngân hàng phải sử dụng kiểm tra sức chịu đựng cho nhiều mục đích khác nhau là: Đánh giá tình trạng sụt giảm tính thanh khoản của những tài sản chất lượng thấp; Đánh giá mức độ đầy đủ về vốn tính đến các hoàn cảnh kinh tế có thể xảy ra trong tương lai; Đánh giá mức độ tập trung rủi ro tín dụng.
NHNN đã ban hành Thông tư số 13/2018/TT-NHNN quy định về hệ thống kiểm soát nội bộ của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài với quy định chi tiết về kiểm tra sức chịu đựng mà ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải thực hiện.
Đơn cử như việc kiểm tra sức chịu đựng được thực hiện như sau: Lập tối thiểu 2 kịch bản là kịch bản hoạt động bình thường (bussiness as usual scenario) và kịch bản có diễn biến bất lợi (stress scenario) trong kỳ kiểm tra sức chịu đựng tiếp theo. Các kịch bản được lựa chọn phải đảm bảo khả năng xảy ra trên cơ sở phân tích các sự kiện trong quá khứ và dự báo diễn biến kinh tế vĩ mô.
Hay trong Thông tư số 08/2022/TT-NHNN quy định về trình tự, thủ tục giám sát ngân hàng có nêu đối với nhóm các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có tầm quan trọng hệ thống, thực hiện kiểm tra sức chịu đựng theo định kỳ 6 tháng…
Ông Kiên cho biết, trong thời gian tới, NHNN sẽ Ban hành Sổ tay giám sát ngân hàng (thay thế Sổ tay giám sát ngân hàng 2017), trong đó có hướng dẫn về việc thực hiện kiểm tra sức chịu đựng đối với hệ thống các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Đồng thời, nghiên cứu, hoàn thiện mô hình kiểm tra sức chịu đựng tại NHNN; xây dựng các kịch bản kiểm tra sức chịu đựng tại NHNN; xây dựng báo cáo giám sát an toàn vĩ mô đối với hệ thống các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, trong đó có nội dung về kiểm tra sức chịu đựng theo quy định Thông tư 08/2022/TT-NHNN.
Ông Vũ Thanh Xuyên - Trưởng ban Ban Giám sát các tập đoàn tài chính, Ủy ban GSTCQG nêu góc nhìn về việc giám sát các tập đoàn tài chính tại Việt Nam. Theo đó, sự phát triển nhanh của thị trường tài chính toàn cầu làm cho ranh giới giữa các sản phẩm, dịch vụ trong lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán ngày càng trở nên mờ nhạt, từ đó ra đời các tổ chức tài chính và tiếp đó là tập đoàn tài chính. Ở nước ta, tập đoàn tài chính chưa được công nhận về mặt pháp lý nhưng thực tế, sự hoạt động mạnh mẽ của loại hình này đã góp phần thúc đẩy sự phát triển của thị trường tài chính.
Tuy nhiên, ông Xuyên đưa ra cảnh báo, nếu sự phát triển này không được giám sát chặt chẽ theo luật định và phù hợp với thông lệ quốc tế thì có thể dẫn đến những hậu quả không thể lường trước với sự an toàn của hệ thống tài chính và cả nền kinh tế.
Vì vậy, tới đây cần một quy định pháp lý chính thức về tập đoàn tài chính để quản lý, giám sát một xu hướng thành lập các tập đoàn tài chính với sự đa dạng sở hữu ngày càng lớn trên thị trường tài chính. Phát huy tối đa mặt ưu việt của tập đoàn tài chính là tạo ra động lực lớn về nguồn lực tài chính, hạn chế rủi ro thấp nhất đến từ mô hình này như vấn đề về sở hữu chi phối, rủi ro lan truyền và rủi ro tập trung.