IFC tăng cường hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng kinh tế các-bon thấp
IFC đầu tư vào trái phiếu liên kết bền vững bằng nội tệ đầu tiên của Việt Nam |
Theo thỏa thuận tư vấn kỹ thuật vừa được ký kết, IFC sẽ giúp Công ty Cổ phần Lương thực A An - thành viên của Tập đoàn Tân Long - phát triển chuỗi cung ứng lúa gạo an toàn, phát thải thấp, chất lượng cao và bền vững. Cụ thể, hàng nghìn nông dân trồng lúa và nhà máy xay xát lúa gạo sẽ được hướng dẫn áp dụng các biện pháp an toàn thực phẩm, giảm tỷ lệ hư hại và thất thoát; và thực hành các biện pháp trồng lúa phát thải thấp hơn. Nhờ đó, chi phí sản xuất có thể giảm tới 15% và tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch giảm một nửa, về dưới 8% vào năm 2030.
Với sự hỗ trợ của IFC, Tập đoàn Tân Long sẽ xây dựng chiến lược sản xuất gạo bền vững nhằm hiện thực hóa mục tiêu cung cấp tới năm triệu tấn gạo sạch, xanh và chất lượng cao trong vòng mười năm tới. “Là một nhà sản xuất, phân phối và xuất khẩu gạo hàng đầu Việt Nam, chúng tôi sẽ tập trung áp dụng các biện pháp sản xuất phát thải thấp theo tiêu chuẩn quốc tế để góp phần giảm lượng khí thải của ngành lúa gạo và nâng cao khả năng chống chịu trước các tác động kinh tế và khí hậu của nền kinh tế Việt Nam”, ông Trương Sỹ Bá, Chủ tịch Tập đoàn Tân Long cho biết.
Thỏa thuận hợp tác mới với Tập đoàn Tân Long được ký kết trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam kéo dài hai ngày của Phó Chủ tịch IFC Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, ông Riccardo Puliti với trọng tâm là thảo luận các nội dung hỗ trợ quá trình chuyển đổi của Việt Nam sang mô hình tăng trưởng giá trị cao, phát thải các-bon thấp và có năng suất cao.
Tại cuộc gặp với các quan chức chính phủ cấp cao, ông Puliti nhấn mạnh cam kết của IFC trong việc hỗ trợ mục tiêu kép về phát triển và chống biến đổi khí hậu của Việt Nam thông qua tăng năng suất lao động và tính bền vững, thúc đẩy môi trường thuận lợi cho các dự án đầu tư liên quan đến khí hậu và huy động nguồn tài chính quốc tế cho tăng trưởng xanh và thích ứng.
Trong chuyến thăm của mình, ông Puliti cũng sẽ gặp gỡ các đại diện doanh nghiệp để hiểu rõ hơn những thách thức và cơ hội mà khu vực tư nhân trong nước đang phải đối mặt và thảo luận về giải pháp để IFC có thể thúc đẩy đầu tư của khu vực tư nhân nhằm hỗ trợ quá trình chuyển đổi kinh tế của Việt Nam, đặc biệt là trong các ngành, lĩnh vực mà sự tham gia của khu vực tư nhân sẽ giảm đáng kể gánh nặng cho ngân sách nhà nước như, kinh doanh nông nghiệp, du lịch và hậu cần.
Theo ông Puliti, để trở thành nền kinh tế có thu nhập cao vào năm 2045, việc nâng cao giá trị và khả năng cạnh tranh của ngành nông nghiệp Việt Nam thông qua cải thiện sản xuất, giảm thất thoát và nâng cao tính an toàn, chất lượng và bền vững sẽ là yếu tố quan trọng để giúp ngành nông nghiệp tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm.
“Bằng việc hỗ trợ các doanh nghiệp nông nghiệp trong nước như Tập đoàn Tân Long phát triển các hệ thống lương thực thực phẩm xanh hơn, năng suất cao hơn và thích ứng với biến đổi khí hậu, chúng tôi không chỉ giúp củng cố chuỗi cung ứng lương thực của Việt Nam mà còn góp phần giảm phát thải từ nông nghiệp, giúp Việt Nam đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050”, ông Puliti nói.
Trong hơn 20 năm qua, IFC là đối tác quan trọng trong hành trình phát triển của Việt Nam nói chung và của khu vực tư nhân nói riêng, cung cấp cho các doanh nghiệp trong nước hàng tỷ USD để phát triển và tạo việc làm, kể từ dự án đầu tư đầu tiên tại đây vào năm 1994. Phát triển bền vững và thích ứng với khí hậu hiện là ưu tiên hàng đầu của IFC tại Việt Nam, với tổng cam kết tài trợ dài hạn cho các dự án liên quan đến khí hậu trong nước đạt hơn 900 triệu USD.
Mới đây, IFC đã đầu tư 3.500 tỷ đồng (khoảng 150 triệu USD) vào trái phiếu liên kết bền vững bằng đồng nội tệ đầu tiên của Việt Nam do Công ty Cổ phần Bất động sản BIM Land và công ty con là Công ty Cổ phần Thanh Xuân phát hành để giúp chủ đầu tư triển khai các giải pháp tiết kiệm nước và năng lượng tại ba dự án khách sạn nghỉ dưỡng của công ty.