Kết nối để thúc đẩy thương mại
“Điểm nghẽn” cản trở xuất nhập khẩu
Trên thực tế, Tây Nguyên đã trở thành vùng sản xuất một số sản phẩm nông sản chủ lực quy mô lớn, chiếm tỷ trọng cao, nhất là cây công nghiệp, cây ăn quả. Trong đó, nổi trội là các sản phẩm cà phê, hồ tiêu, chanh dây, điều và mắc ca, cao su… Bên cạnh đó, thời gian gần đây diện tích trồng các loại dược liệu quý như: Sâm Ngọc Linh, sâm dây, nấm linh chi đỏ, đinh lăng, hà thủ ô, đương quy, hoa hòe… cũng đang phát triển nhanh để hình thành các vùng dược liệu tập trung ở Tây Nguyên. Đến nay, các địa phương trong khu vực đã xuất khẩu sản phẩm nông sản sang các thị trường lớn như: Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Úc, Hàn Quốc, EU…
Tuy hội đủ những điều kiện thuận lợi, song việc thúc đẩy thương mại ở Tây Nguyên vẫn đang gặp nhiều “điểm nghẽn”. Cụ thể, hiện kim ngạch xuất khẩu của Tây Nguyên còn rất thấp, khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng. Trong 2 năm 2022 - 2023, trải qua quá trình phục hồi sau đại dịch Covid-19, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu toàn vùng mới đạt khoảng 4,6 tỷ USD, chiếm chưa đầy 1% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước. Đây là con số hết sức khiêm tốn so với tiềm năng, lợi thế của Tây Nguyên…
Các địa phương ở Tây Nguyên cần tăng cường liên kết để thúc đẩy thương mại |
Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên, theo nhiều chuyên gia, là do quy mô sản xuất, chế biến nông sản của vùng còn nhỏ lẻ. Các trung tâm chế biến sâu còn thiếu và yếu dẫn đến sản phẩm xuất khẩu hoặc nguyên liệu phục vụ xuất khẩu còn thô, đem lại giá trị không cao. Sản phẩm nông sản chủ lực chất lượng không đồng đều. Bên cạnh đó, các hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển xuất nhập khẩu của vùng còn trong tình trạng phân tán, nhỏ lẻ. Việc tìm hiểu, nắm bắt thông tin thị trường, yêu cầu, điều kiện trong quá trình sản xuất, xuất khẩu sản phẩm còn hạn chế…
Ông Nguyễn Tuấn Hà, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk nhìn nhận, thị trường xuất khẩu các mặt hàng nông sản vùng Tây Nguyên vẫn còn nhỏ lẻ, phụ thuộc vào một số thị trường truyền thống, không ổn định, thiếu các bạn hàng lớn. Khi những thị trường này có biến động sẽ ảnh hưởng rất lớn và tiêu cực đến hoạt động sản xuất và tiêu thụ các mặt hàng nông sản vùng Tây Nguyên. Đặc biệt, việc liên kết nội vùng đang là điểm yếu, lỏng lẻo, thiếu đầu tư đồng bộ, dẫn tới thiếu các chuỗi cung ứng nội vùng. Những hạn chế này đã tạo nên nhiều rào cản cho các hoạt động xúc tiến thương mại thị trường, phát triển xuất nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ của vùng ra thế giới.
Tăng cường kết nối giữa các địa phương
Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại, Bộ Công Thương đánh giá, dù hội đủ những điều kiện để phát triển, nhưng hiện tại việc phát triển xuất nhập khẩu của Tây Nguyên lại gặp nhiều khó khăn về cơ chế, chính sách, khoa học công nghệ, quy mô sản xuất, chế biến nông sản, nhân lực chất lượng cao, cơ sở vật chất còn yếu và thiếu liên kết nội vùng… Bởi vậy, để thúc đẩy thương mại các địa phương trong khu vực cần tăng cường sự kết nối với nhau.
Đồng quan điểm, theo nhiều chuyên gia kinh tế, để Tây Nguyên thực sự trở thành vùng chuyên canh lớn cây công nghiệp, cây ăn quả, góp phần quan trọng trong tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của cả nước, đồng thời từng bước hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Tây Nguyên trở thành vùng kinh tế trọng điểm... thì bài toán liên kết giữa các địa phương cần được coi trọng.
Cụ thể, trong thời gian tới, các địa phương trong khu vực cần tăng cường liên kết với nhau để cùng thống nhất đồng hành phát triển các sản phẩm thế mạnh chủ lực cho từng nhóm sản phẩm của vùng. Từ đó, xác định các mô hình chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị phù hợp để khai thác các giá trị sản phẩm. Bên cạnh đó, các địa phương cần quan tâm tới kết cấu hạ tầng thương mại, kết cấu hạ tầng cho xúc tiến thương mại chung của cả vùng, cần có cơ chế để xây dựng và hình thành những công ty, tập đoàn chuyên doanh về thương mại đặc biệt để đảm bảo tiêu thụ được các sản phẩm đặc trưng của vùng.
Cũng theo ông Nguyễn Tuấn Hà, để thu hẹp dần khoảng cách về thu nhập và trình độ phát triển thương mại của vùng so với trung bình cả nước trong thời gian tới, Đắk Lắk và các tỉnh trong khu vực cần đẩy mạnh tăng cường liên kết vùng; tích cực tháo gỡ khó khăn và tạo thuận lợi phát triển hạ tầng công nghiệp, sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản. Đồng thời, cần tận dụng tối đa giá trị lợi thế, chính sách ưu đãi của Nhà nước để đẩy nhanh tiến độ thu hút đầu tư các dự án vào các cụm công nghiệp. Từ đó, làm đòn bẩy phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ có giá trị gia tăng và lợi thế cạnh tranh cao trên thị trường…
Song hành với chính quyền, về phía các doanh nghiệp cũng cần kịp thời cập nhật thông tin về thị trường trong và ngoài để nắm bắt được thị hiếu tiêu dùng tại từng thị trường. Các doanh nghiệp cần tích cực tìm hiểu các ưu đãi đem lại từ các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã tham gia để xác định các thị trường xuất khẩu tiềm năng cho sản phẩm của mình, hoặc các thị trường xuất khẩu tiềm năng để đa dạng hóa thị trường, tránh rủi ro trong trường hợp một thị trường xuất khẩu nào đó gặp bất ổn. Doanh nghiệp cũng cần tập trung đầu tư cho việc bồi dưỡng kiến thức, năng lực của nhân sự tham gia thương mại quốc tế, cập nhật các xu hướng công nghệ, thương mại điện tử từ đó có thể mở ra nhiều cơ hội tiếp cận khách hàng, cắt giảm chi phí trung gian, nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm.