Kêu gọi đầu tư vào du lịch đường sông
Tiềm năng chưa được khai thác
TP. Đà Nẵng là một trong những trung tâm du lịch lớn ở Việt Nam. Ngoài du lịch biển đã trở nên nổi tiếng, có thương hiệu thì Đà Nẵng còn được thiên nhiên ưu ái khi có con sông Hàn chảy trong lòng thành phố. Đây là điều kiện thuận lợi để địa phương phát triển du lịch đường sông. Tuy nhiên, đến nay, vấn đề này vẫn còn bỏ ngỏ.
Đà Nẵng đang kêu gọi đầu tư vào du lịch đường sông |
Theo đánh giá của đại diện nhiều hãng lữ hành, công ty du lịch trên địa bàn, thì trên dòng sông này, vừa có thể xuôi ra biển hoặc đi ngược lên các vùng quê, đây là điều kiện lý tưởng để xây dựng các sản phẩm du lịch theo tour, tuyến đường sông. Ngoài những cây cầu nổi tiếng làm điểm nhấn, hai bên bờ sông Hàn còn có nhiều điểm đến có thể thu hút du khách như chùa Quán Thế Âm, đình làng Túy Loan, làng cổ Phong Nam…
Đến nay, ở Đà Nẵng cũng chỉ mới hình thành một đội tàu chuyên phục vụ du lịch; Một số tuyến du lịch, ngắm cảnh trên sông Hàn, cũng đang được tổ chức khai thác. Trong đó, đa số các tàu du lịch chỉ tập trung khai thác tuyến cảng Sông Hàn (cũ) - cầu Trần Thị Lý. Hoặc tuyến từ cảng Sông Hàn đi ra cửa biển, về phía bãi tắm Tiên Sa... Còn lại các tuyến khác có rất ít khách hoặc thậm chí chưa được khai thác.
Nguyên nhân chính là hiện các sản phẩm về du lịch đường sông ở Đà Nẵng đến nay vẫn chưa hoàn thiện. Mới có một số ít điểm đến đã được đầu tư cầu phao, cùng các dịch vụ tiện ích đi kèm như khu vực dịch vụ nhà hàng, thể thao... Đa phần còn lại, từ cơ sở hạ tầng đến các dịch vụ đi kèm còn rất hạn chế. Bởi vậy, mới có chuyện doanh nghiệp chở khách đến địa điểm tham quan, nhưng chỉ chạy lòng vòng ở phía ngoài, bởi không có cầu cảng cho khách lên xuống, chưa kể đến việc các dịch vụ hầu như chưa có.
Có thể khẳng định, tuy sở hữu nhiều tiềm năng, song việc phát triển du lịch đường sông ở Đà Nẵng đang gặp nhiều khó khăn. Nếu nhìn sang địa phương lân cận là cố đô Huế, mới thấy sự lãng phí về tiềm năng năng du lịch đường sông của thành phố bên bờ sông Hàn. Ở Huế, du lịch trên sông Hương đã trở thành một thương hiệu, sản phẩm du lịch độc đáo. Việc khai thác du lịch trên dòng sông này đã được thực hiện khá tốt “từ dưới nước lên đến trên bờ”, trở thành một điểm nhấn cho du lịch xứ Huế.
Thực tế là thời gian qua Đà Nẵng cũng đã chú trọng phát triển du lịch đường sông. Song, do nhiều lý do cả khách quan lẫn chủ quan nên những tiềm năng về du lịch đường sông dường như vẫn chưa được đánh thức. Câu chuyện đã khó lại càng khó hơn sau sự cố chìm tàu Thảo Vân 02 trên sông Hàn vào năm 2016, khiến các hoạt động du lịch đường sông ở địa phương bị siết chặt và gần rơi vào quên lãng cả một thời gian dài.
Xã hội hóa công tác đầu tư
Được biết, hiện thị trường khách du lịch đường sông ở Đà Nẵng hiện nay chủ yếu là khách quốc tế. Trong đó, du khách Trung Quốc, Hàn Quốc chiếm đến 85%, khách nội địa khoảng 10%, còn lại 5% là khách du lịch đến từ các quốc gia khác. Nhiều du khách Hàn Quốc hay Trung Quốc vẫn đang “kết” các tour đi dạo trên sông Hàn bằng du thuyền, tận hưởng không khí mát mẻ lẫn ngắm cảnh đôi bờ...
Để đánh thức tiềm năng, không để lãng phí tài nguyên du lịch, chính quyền thành phố đã và đang có chủ trương kêu gọi, thu hút đầu tư để phát triển du lịch đường sông. Trong đó, chú trọng việc xã hội hóa công tác đầu tư, nhằm xây dựng các cơ sở hạ tầng cũng như sản phẩm, dịch vụ liên quan đến du lịch đường sông. Mới đây, UBND TP. Đà Nẵng đã phê duyệt kế hoạch phát triển điểm đến, sản phẩm dịch vụ trên tuyến du lịch đường thủy nội địa Đà Nẵng giai đoạn 2019-2021.
Theo ông Lê Trung Chinh - Phó Chủ tịch UBND Đà Nẵng, du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn nên thời gian qua thành phố cũng rất quan tâm đến lĩnh vực này. Song, địa phương vẫn chưa khai thác hết tiềm năng vốn có của du lịch đường thủy nội địa. Bởi thế, thời gian tới, thành phố sẽ kêu gọi xã hội hóa để khai thác tốt các điểm đến này...
Theo kế hoạch phát triển điểm đến, sản phẩm dịch vụ trên tuyến du lịch đường thủy nội địa Đà Nẵng giai đoạn 2019-2021, sẽ có 8 tuyến du lịch đường thủy nội địa sẽ được đưa vào khai thác gồm tuyến sông Hàn - cầu Trần Thị Lý; tuyến sông Hàn - cửa biển - Bán đảo Sơn Trà; tuyến sông Hàn đi Hòn Chảo; tuyến Bán đảo Sơn Trà; tuyến sông Hàn đi Ngũ Hành Sơn; tuyến Cẩm Lệ - Túy Loan - Thái Lai; tuyến sông Cu Đê - Trường Định và tuyến sông Hàn - Cù Lao Chàm.
Ngoài ra, kế hoạch cũng nêu rõ, Đà Nẵng sẽ tập trung khai thác tiềm năng và thế mạnh của du lịch đường sông, tạo sản phẩm du lịch hấp dẫn, thu hút và đáp ứng nhu cầu của du khách trong và ngoài nước khi đến với Đà Nẵng. Bên cạnh, đầu tư hình thành dịch vụ điểm đến, làm phong phú sản phẩm tour, tuyến, góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị về văn hóa lịch sử, phục vụ du lịch, tạo việc làm và thu nhập cho người dân địa phương.
Cụ thể hơn, ông Nguyễn Xuân Bình - Phó giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng cho biết thêm, Đà Nẵng sẽ kêu gọi doanh nghiệp đầu tư đóng mới tàu du lịch, các tàu có dịch vụ lưu trú về đêm trên vịnh Đà Nẵng để làm phong phú hơn các loại hình dịch vụ phục vụ du khách. Bên cạnh, có kế hoạch phát triển điểm đến dọc theo tuyến sông Hàn cũng như là các tuyến sông trên địa bàn thành phố. Sẽ kết hợp không chỉ phát triển cầu tàu mà còn phát triển các điểm đến gắn với cầu tàu để tạo điều kiện cho du khách có thể trải nghiệm các dịch vụ 2 bên bờ sông.
Thành phố cũng kêu gọi xã hội hóa các điểm đến thuộc về làng quê dọc sông Túy Loan, sông Cầu Đỏ, có lưu trú homestay và trải nghiệm làng quê thuộc phía tây Đà Nẵng, khơi thông sông Cổ Cò để tạo tuyến du lịch đường sông vào Hội An…
Tuy nhiên, trước mắt cũng là yêu cầu cấp thiết theo nhiều người là chính quyền thành phố cần quan tâm đầu tư hoặc kêu gọi đầu tư chính là xây dựng một cầu tàu, bến tàu du lịch. Nhiều doanh nghiệp đang khai thác du lịch đường thủy trên địa bàn, luôn mong thành phố sớm công bố một cảng dành cho du lịch đường thủy nội địa chính thức. Nếu có được một cảng du lịch theo đúng nghĩa, nhiều doanh nghiệp cũng sẽ sẵn sàng rót vốn vào để xây dựng cơ sở hạ tầng như nhà chờ, nhà vệ sinh, các dịch vụ đi kèm…