Khẩn trương hoàn thiện dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi)
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng phát biểu tại cuộc họp |
Cuộc họp có sự tham dự của Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh, Phó Thống đốc Đoàn Thái Sơn và các thành viên Ban soạn thảo, các thành viên Tổ biên tập dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).
Phát biểu chỉ đạo cuộc họp, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, theo chương trình dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) sẽ được Quốc hội xem xét cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 và thông qua tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội Khóa XV. Dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) được Quốc hội, Chính phủ rất quan tâm và cũng nhận được sự quan tâm của đông đảo doanh nghiệp và người dân. Do vậy, việc xây dựng, hoàn thiện dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) là cần thiết, cấp bách, cần bảo đảm đúng tiến độ và quy định của pháp luật về xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.
Tại cuộc họp, ông Đặng Văn Tuyên - Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ đã công bố Quyết định của Thống đốc NHNN về việc thành lập Ban soạn thảo và Tổ biên tập Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Theo đó, Ban soạn thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) gồm 37 thành viên do Thống đốc Nguyễn Thị Hồng làm Trưởng ban; Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh - Phó Trưởng ban thường trực; Phó Thống đốc Đoàn Thái Sơn - Phó Trưởng ban, cùng các thành viên là lãnh đạo các Bộ, ngành liên quan, các đơn vị thuộc NHNN, ngân hàng thương mại…
Thống đốc NHNN cũng thành lập Tổ biên tập giúp việc cho Ban soạn thảo Luật Các tổ chức tín dụng gồm 56 thành viên do Phó Thống đốc Đoàn Thái Sơn là Tổ trưởng; các Tổ phó là lãnh đạo Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng và Vụ Pháp chế NHNN.
Trình bày những nội dung sửa đổi chủ yếu tại dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng và một số nội dung xin ý kiến Ban Soạn thảo, ông Tạ Quang Đôn - Vụ trưởng Vụ Pháp chế NHNN cho biết, qua hơn 12 năm thực hiện, Luật Các tổ chức tín dụng số 47/2010/QH12, Luật số 17/2017/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng số 47/2010 đã có những đóng góp quan trọng trong công tác quản lý cũng như tạo môi trường pháp lý ổn định cho hoạt động của hệ thống ngân hàng, góp phần lành mạnh hóa hoạt động của các tổ chức tín dụng, hoàn thiện cơ sở pháp lý để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội cũng như tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý cho hoạt động thanh tra, giám sát hệ thống các tổ chức tín dụng.
Các quy định của Luật Các tổ chức tín dụng đã chứng minh được sự phù hợp với thực tiễn, đáp ứng được yêu cầu quản lý và định hướng cho hoạt động, phát triển các tổ chức tín dụng trong một thời kỳ khá dài, góp phần tạo sự ổn định về môi trường pháp lý cho hoạt động ngân hàng. Tuy nhiên, qua 12 năm thực hiện, cùng với việc phát triển, thay đổi mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, hoạt động của các tổ chức tín dụng đã có nhiều phát triển nên Luật Các tổ chức tín dụng đã bộc lộ một số hạn chế, cần nghiên cứu bổ sung, chỉnh sửa cho phù hợp với thực tiễn hoạt động của tổ chức tín dụng và thực tiễn quản lý của cơ quan nhà nước.
Quang cảnh cuộc họp |
Tại Nghị quyết số 63/2022/QH15 ngày 16/6/2022, Quốc hội đã giao Chính phủ nghiên cứu, đề xuất luật hóa các quy định về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu cùng với việc rà soát, sửa đổi, bổ sung Luật Các tổ chức tín dụng, trình Quốc hội xem xét chậm nhất tại Kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023).
Thực hiện Nghị quyết số 63/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ giao NHNN chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan lập Đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung Luật Các tổ chức tín dụng theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, NHNN đã khẩn trương xây dựng hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) theo quy định. Hiện nay, NHNN đang khẩn trương thực hiện xây dựng dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) đảm bảo chất lượng, tiến độ để trình Chính phủ trước ngày 10/3/2023.
Về bố cục, dự thảo Luật gồm 200 Điều theo kết cấu các Chương được kế thừa Luật Các tổ chức tín dụng hiện hành và có bổ sung 01 Chương về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu (Chương IX).
Nội dung, dự thảo Luật kế thừa các quy định còn phù hợp tại Luật Các tổ chức tín dụng hiện hành và sửa đổi, bổ sung một số quy định trên nguyên tắc: (i) sửa đổi, bổ sung trên cơ sở triển khai các ý kiến chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 03/NQ-CP; (ii) sửa đổi, bổ sung một số nội dung lớn để giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Luật Các tổ chức tín dụng; (iii) luật hóa quy định về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu.
Tại cuộc họp, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến vào các nội dung cụ thể của dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) như vấn đề tổ chức, quản trị, điều hành của tổ chức tín dụng; xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu; thứ tự ưu tiên thanh toán; kiểm toán độc lập; quy định dự phòng rủi ro...
Kết luận cuộc họp, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho rằng các đại biểu dự họp đã có nhiều ý kiến đóng góp sâu sắc, cởi mở, thẳng thắn, đề xuất nhiều giải pháp quan trọng để các đơn vị chức năng thuộc NHNN tổng hợp, phân tích, đánh giá, tiếp thu vào dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) trên cơ sở đánh giá tác động của việc sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng.
Nhấn mạnh một số yêu cầu xây dựng Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), Thống đốc Nguyễn Thị Hồng yêu cầu Ban Soạn thảo và Tổ giúp việc phải rà soát kỹ nội dung Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) bảo đảm phù hợp với chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và quy định của pháp luật về hoạt động ngân hàng. Cùng với đó, rà soát thực tiễn triển khai Đề án Tái cơ cấu các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu và những vấn đề phát sinh trong thực tiễn hiện nay, kinh nghiệm của các nước trên thế giới để Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) hướng tới mục tiêu quản trị, kiểm soát các tổ chức tín dụng tốt hơn, tránh rủi ro trong hoạt động có thể xảy ra.
Thống đốc đề nghị các thành viên Ban soạn thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) tiếp tục đóng góp ý kiến và giao Tổ biên tập tổng hợp, tiếp thu ý kiến, hoàn chỉnh dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) gửi Bộ Tư pháp thẩm định trước khi trình Chính phủ theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.