Khi hộ kinh doanh không muốn “lớn”
Theo thống kê của Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, cả nước hiện có trên 5,5 triệu hộ kinh doanh, ước tính tổng tài sản khoảng trên 655 nghìn tỷ đồng, tạo ra khoảng trên 2,2 triệu tỷ đồng doanh thu, nộp 12.362 tỷ đồng tiền thuế, giải quyết 7,945 triệu lao động.
Song, điều đáng nói là hầu hết các hộ kinh doanh đều không muốn chuyển đổi thành doanh nghiệp. Mặc dù, Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa có nhiều chính sách hỗ trợ hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp, nhưng sau 4 năm đi vào cuộc sống, hiện mới có khoảng 2.000 hộ chuyển đổi thành doanh nghiệp tại một số địa phương, tỉnh thành nhỏ lẻ, còn những trung tâm kinh tế lớn của cả nước như Hà Nội, Hải Phòng, TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu… các hộ kinh doanh lại không “thiết tha”, “mặn mà” nâng tầm thành doanh nghiệp.
Chị Mai An, chủ một sạp vải trong chợ An Đông (Quận 5) cho biết, gia đình chị kinh doanh buôn bán mặt hàng vải vóc, quần áo, phụ kiện hơn 10 năm nay với chỉ khoảng 3 - 5 nhân lực, tự quản lý sổ sách, nhập xuất hàng từ đầu mối để phân phối đến các đại lý, cũng như phục vụ bán sỉ, lẻ… nên khối lượng công việc tương đối bận rộn. Tuy nhiên, gia đình chị chưa bao giờ có ý định chuyển đổi từ mô hình hộ kinh doanh lên thành doanh nghiệp để mở rộng quy mô. Hay nói cách khác chị Mai An chỉ muốn là bà chủ tiệm vải thay vì trở thành một giám đốc doanh nghiệp.
Các hộ kinh doanh không muốn trở thành doanh nghiệp vì ngại phiền hà |
“Nghe nói khi chuyển đổi lên thành doanh nghiệp sẽ phải làm khá nhiều thủ tục giấy tờ xin thành lập doanh nghiệp, kê khai sổ sách kế toán, đáp ứng một số điều kiện theo quy định của Luật Doanh nghiệp, nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, đảm bảo các chế độ chính sách xã hội, bảo hiểm cho người lao động… khá rắc rối mà lợi ích thì chưa thấy đâu. Chính vì vậy, qua nhiều năm gia đình vẫn chỉ tồn tại và duy trì hoạt động theo mô hình hộ kinh doanh thay vì chuyển đổi lên thành doanh nghiệp”, chị An nói.
Đây cũng là câu chuyện chung của không ít hộ kinh doanh nhỏ lẻ tại TP. HCM nói riêng và nhiều tỉnh thành trên cả nước nói chung.
Trước thực trạng này, một chuyên gia Cục Thuế TP.HCM nhận định, sở dĩ phần lớn hộ kinh doanh không muốn chuyển đổi, “lớn lên” thành doanh nghiệp nhỏ là nhằm "né" nghĩa vụ nộp thuế, không ký hợp đồng với các lao động, dù biết nếu chuyển đổi lên doanh nghiệp, sẽ được nhận một số ưu đãi, hỗ trợ nhất định. Ngoài ra, chắc chắn sau khi chuyển đổi, nghĩa vụ pháp lý liên quan đến các quy định của Nhà nước sẽ nhiều hơn. Đơn cử như các loại giấy phép về kinh doanh, môi trường, thủ tục kê khai, quyết toán thuế, hợp đồng lao động, BHXH… sẽ làm gia tăng các loại chi phí lên rất nhiều.
Đó là chưa kể, khi thành lập doanh nghiệp thì hộ kinh doanh phải chịu rất nhiều ràng buộc theo quy định của pháp luật, phải nâng tầm bộ máy quản trị, điều hành chuyên nghiệp; thành lập phòng ban kế toán, kinh doanh, sản xuất… quy củ, rõ ràng theo quy chuẩn. Tuy nhiên bên cạnh đó, cũng có một số hộ kinh doanh thực sự có nhu cầu, nguyện vọng mở rộng quy mô, kinh doanh chuyên nghiệp hơn, nhưng lại e ngại vì chưa được trang bị đầy đủ kiến thức và kỹ năng quản trị phù hợp, khiến cho chủ hộ kinh doanh cảm thấy thiếu tự tin, chấp nhận “an phận” để tránh phiền toái.
LS. Nguyễn Quốc Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM cho biết, theo Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa, khi chuyển thành mô hình doanh nghiệp, hộ kinh doanh sẽ được tư vấn, hướng dẫn miễn phí về hồ sơ, thủ tục thành lập doanh nghiệp; miễn lệ phí đăng ký doanh nghiệp và phí cung cấp thông tin doanh nghiệp lần đầu; miễn phí thẩm định, phí, lệ phí cấp phép kinh doanh lần đầu đối với ngành, nghề kinh doanh có điều kiện; miễn lệ phí môn bài 3 năm. Ngoài ra, doanh nghiệp còn được tư vấn, hướng dẫn miễn phí về các thủ tục hành chính thuế và chế độ kế toán trong thời hạn 3 năm, miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và tiền sử dụng đất có thời hạn.
“Tuy nhiên, vì phần lớn các hộ kinh doanh hiện nay thì đại đa số không phải đóng thuế hoặc chỉ nộp thuế khoán với số thuế “tượng trưng” nên chính sách miễn, giảm thuế không thực sự hấp dẫn. Cũng như vậy, hiếm có hộ kinh doanh nào được thuê đất của Nhà nước, nên các hộ cũng không mặn mà với chuyện miễn, giảm tiền thuê đất”, ông Hưng phân tích thêm.
Theo Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), việc chuyển đổi từ hộ kinh doanh thành doanh nghiệp sẽ nâng cao vị thế, điều kiện, thu nhập, an toàn, phúc lợi và hướng đến sự phát triển bền vững. Đồng thời, đảm bảo tính chính xác, công bằng trong thực hiện nghĩa vụ thuế giữa các loại hình kinh doanh và tận dụng được các ưu đãi, hỗ trợ từ cơ chế, chính sách của Nhà nước. Tuy nhiên, để hộ kinh doanh “mạnh dạn” chuyển sang doanh nghiệp, cần có các chính sách hỗ trợ đồng bộ trong tất cả các “khâu” cho đến triển khai thực tiễn.
Hiện nay, các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đã có nhưng dường như mới chỉ tập trung vào khuyến khích thành lập doanh nghiệp, động viên khởi nghiệp. Nhất là về khung pháp lý, cần phải đảm bảo tính xuyên suốt, nhất quán, thống nhất giữa các bộ luật, các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến người lao động, sử dụng lao động… không bị “chồng chéo”, đi vào các vấn đề thực tiễn, chứ không chỉ dừng lại ở việc hô hào, động viên.
“Trong kinh doanh ai cũng muốn lớn mạnh, mở rộng quy mô, có tư cách pháp nhân nên khát vọng trở thành doanh nghiệp rất lớn trong mỗi cá nhân, hộ kinh doanh, vì vậy cần phải có cơ chế, chính sách hữu hiệu hơn mới khuyến khích được hộ kinh doanh “lớn lên” thành doanh nghiệp” - chuyên gia VEPR nhấn mạnh.
Theo Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa, khi chuyển thành mô hình doanh nghiệp, hộ kinh doanh sẽ được tư vấn, hướng dẫn miễn phí về hồ sơ, thủ tục thành lập doanh nghiệp; miễn lệ phí đăng ký doanh nghiệp và phí cung cấp thông tin doanh nghiệp lần đầu; miễn phí thẩm định, phí, lệ phí cấp phép kinh doanh lần đầu đối với ngành, nghề kinh doanh có điều kiện; miễn lệ phí môn bài 3 năm. Ngoài ra, doanh nghiệp còn được tư vấn, hướng dẫn miễn phí về các thủ tục hành chính thuế và chế độ kế toán trong thời hạn 3 năm, miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và tiền sử dụng đất có thời hạn. |