Khi vốn ưu đãi là “chìa khóa” mở cửa thoát nghèo
Cuộc hành trình của tín dụng chính sách vì giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững ở thị xã Phú Thọ thuộc vùng trung du và miền núi phía bắc đến nay đã tròn 20 năm, kể từ khi Chính phủ ban hành Nghị định 78/2002/NĐ-CP về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Cùng thời điểm đó, một phòng giao dịch của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) cũng đã được mở tại nơi từng là trung tâm tỉnh lỵ của tỉnh Phú Thọ từ ngay đầu thế kỷ XX để thực hiện Nghị định 78, nhằm tập trung các nguồn vốn ngân sách vào một đầu mối để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách được tiện ích, phù hợp hơn.
NHCSXH thị xã Phú Thọ luôn đồng hành cùng hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn |
Ngay từ những ngày đầu thành lập đến nay, được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của ngân hàng cấp trên, của Đảng bộ, chính quyền địa phương, sự phối hợp chặt chẽ của các tổ chức chính trị - xã hội cùng với tinh thần nỗ lực vượt khó của tập thể cán bộ NHCSXH thị xã Phú Thọ nên dòng vốn tín dụng ưu đãi được khơi thông, chảy đều về khắp 9 xã, phường với 62 khu dân cư trên miền đất trung du; hỗ trợ kịp thời cho đông đảo hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống.
Với quyết tâm huy động các nguồn lực tài chính như tích cực tiếp nhận, khai thác nhiều nguồn vốn từ trung ương và tỉnh, nhất là chủ động khai thác nguồn vốn ngân sách địa phương; thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, UBND thị xã đã ủy thác qua NHCSXH hơn 3 tỷ đồng để bổ sung nguồn vốn cho vay đáp ứng nhu cầu của người nghèo và các đối tượng chính sách, góp lực nâng tổng dư nợ trên địa bàn lên gần 215 tỷ đồng, tăng 203 tỷ đồng so với ngày đầu thành lập với tỷ lệ tăng trưởng dư nợ bình quân năm đạt hơn 10%.
20 năm qua, nguồn vốn tín dụng chính sách đã được đầu tư đến 100% xã, phường của thị xã, giúp trên 11 nghìn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được vay vốn mua sắm vật tư, cây con giống tốt, thâm canh ruộng vườn, khôi phục mở mang ngành nghề thủ công, thu hút tạo việc làm cho 1.483 lao động, hỗ trợ kinh phí học tập cho 5.150 học sinh - sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi, kịp thời cho nhiều hộ dân nghèo sửa chữa làm mới nhà ở kiên cố và cải tạo xây mới các công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn.
Cùng với việc tập trung huy động nguồn vốn hoạt động, NHCSXH thị xã Phú Thọ đã xây dựng được mô hình và phương thức quản lý tín dụng đặc thù, phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương. Đó là hệ thống 9 Điểm giao dịch của NHCSXH tại trụ sở UBND xã, phường và 189 Tổ tiết kiệm và vay vốn tại thôn xóm, khu dân cư đã tạo điều kiện thuận tiện giúp người nghèo tiếp cận nhanh chóng, đầy đủ, dễ dàng với nguồn vốn ưu đãi.
Với bộ máy tinh gọn, đảm bảo hoạt động hiệu quả, NHCSXH thị xã đã thường xuyên đào tạo, tập huấn cho đội ngũ cán bộ đảm bảo chất lượng, giỏi một việc, biết nhiều việc, nỗ lực vượt khó với tinh thần trách nhiệm cao, đáp ứng nhiệm vụ được giao, tốt về đạo đức nghề nghiệp, có ý thức tổ chức kỷ luật và phong cách giao tiếp văn minh, lịch sự, luôn gần dân, sát với dân, luôn tận tụy phục vụ người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Các phiên giao dịch tại xã, phường được tổ chức vào ngày cố định hàng tháng ít nhất 01 lần/tháng (kể cả thứ 7, chủ nhật), giúp người nghèo và các đối tượng chính sách khác tiếp cận tín dụng ưu đãi của Chính phủ thuận lợi, tiết giảm chi phí, thực hiện quy chế dân chủ, công khai và tăng cường sự giám sát của chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội trong việc thực thi tín dụng chính sách.
Bà Vi Thị Phương Dung, Giám đốc NHCSXH thị xã Phú Thọ cho biết, khi mới thành lập, phòng giao dịch nhận bàn giao chỉ có 4 chương trình cho vay đơn lẻ, đến nay qua 20 năm hoạt động đã nâng lên 12 chương trình cho vay. Tổng doanh số cho vay đạt 765 tỷ đồng với 35.489 lượt hộ nghèo và các đối tượng được vay vốn. Trong đó hộ nghèo, hộ cận nghèo gần 46 tỷ đồng, hộ mới thoát nghèo là 33,6 tỷ đồng với 497 hộ vay, cho vay ưu đãi để mua, thuê nhà ở xã hội đến hơn 20 tỷ đồng với 60 khách hàng; người sử dụng lao động vay để trả lương ngừng việc phục hồi sản xuất do Covid-19 là 2,5 tỷ đồng với tổng số 246 lao động.
Theo đánh giá của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, nguồn vốn ưu đãi được coi như “chìa khóa” mở cửa thoát nghèo và bảo đảm an sinh xã hội, nhất là cho người nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn thị xã Phú Thọ. Với sự đồng hành của NHCSXH thị xã Phú Thọ đã giúp người dân vượt qua khó khăn về thiên tai, dịch bệnh, tiếp cận kịp thời tới chính sách tín dụng của Đảng và Nhà nước, đầu tư hiệu quả vào các dự án phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống, thu hẹp khoảng cách về thu nhập, cuộc sống giữa các xã, phường, địa bàn.