Khơi thông kênh trái phiếu doanh nghiệp là vấn đề cấp bách
Nâng hạng tín nhiệm cho thị trường
Nói về vài trò quan trọng của thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), TS. Lê Xuân Nghĩa - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cho biết, với sự tăng trưởng của thị trường trái phiếu khoảng 30%/năm thì chỉ khoảng 6 năm sau dư nợ của thị trường sẽ khoảng 11,6 triệu tỷ đồng - con số rất lớn và gần như thay thế được vốn trung dài hạn của hệ thống ngân hàng. “Thế mà chúng ta không dồn toàn bộ công sức vào đây, kể cả nền tảng pháp lý, phát triển các định chế trung gian để xây dựng thì chúng ta còn trông cậy vào gì để phát triển vốn trung dài hạn cho nền kinh tế”, TS. Lê Xuân Nghĩa nhấn mạnh.
Trong tất cả những điểm sửa đổi của Nghị định 65, vị chuyên gia này đánh giá cao nhất là quy định về xếp hạng tín nhiệm, tạo tiền đề để đảm bảo cho một thị trường trái phiếu phát triển bền vững trong tương lai.
Khi thị trường TPDN phát triển, DN sẽ giảm phụ thuộc vốn tín dụng ngân hàng |
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Quang Thuân - Tổng giám đốc Fiin Ratings cho rằng, quy định về xếp hạng tín nhiệm góp phần minh bạch thông tin cho thị trường. Theo thống kê của Fiin Ratings, 3 năm qua với khoảng 700 doanh nghiệp đang có trái phiếu lưu hành, dư nợ khoảng 1,5 triệu tỷ đồng thì có hơn 43% doanh nghiệp sẽ thuộc đối tượng phải xếp hạng tín nhiệm. “Cơ quan quản lý đưa quy định trên góp phần nâng chuẩn của đơn vị phát hành, tránh việc các công ty mới thành lập, công ty chỉ có một dự án bất động sản, hoặc chưa có hồ sơ năng lực... đã phát hành trái phiếu huy động tiền của nhà đầu tư”, ông Thuân nhìn nhận.
Nhận xét thêm về tình trạng các nhà đầu tư cá nhân trên thị trường TPDN, ông Lê Xuân Nghĩa cho hay, rất nhiều người, kể cả nhà đầu tư cá nhân, bỏ ra vài chục tỷ để mua trái phiếu riêng lẻ là chuyện bình thường. Thế nhưng doanh nghiệp cần nhớ rằng họ phải chịu áp lực và trách nhiệm về chuyện đó. Không thể cứ kéo nhà đầu tư nhỏ lẻ vào các hội đầu tư, nhóm đầu tư… tạo ra một sự hỗn loạn như hiện nay. Nên các yêu cầu đối với nhà đầu tư cá nhân trong khu vực phát hành TPDN riêng lẻ càng chặt chẽ càng tốt. Thậm chí phải nêu cao tinh thần tự chịu trách nhiệm.
“Tôi mong muốn rằng khu vực phát hành TPDN riêng lẻ sẽ ngày càng thu hẹp lại, chuyển sang khu vực phát hành công chúng. Bởi vì đó là khu vực mà doanh nghiệp có thể huy động vốn dễ dàng hơn và được giám sát chặt chẽ hơn. Đó cũng là nơi mà xếp hạng tín nhiệm phát huy được hiệu lực. Khi xếp hạng tín nhiệm phát huy được vai trò của nó thì mới có tiền đề để xây dựng thị trường thứ cấp. Nếu trái phiếu chỉ phát triển phía phát hành mà chưa phát triển thị trường thứ cấp thì nó không phải là công cụ vốn dài hạn tốt”, TS. Nghĩa bày tỏ quan điểm và hy vọng sau này, các nhà đầu tư sẽ đọc báo cáo xếp hạng tín nhiệm để ra quyết định đầu tư thay vì đầu tư theo đám đông như hiện tại.
Gỡ vướng phát hành ra công chúng
Những năm gần đây, thị trường TPDN phát triển rất nhanh, trở thành kênh huy động vốn trung, dài hạn quan trọng, đáp ứng nhu cầu huy động vốn của các doanh nghiệp và giảm dần sự phụ thuộc vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng. Từ năm 2019 đến nay, khối lượng phát hành TPDN tăng nhanh, bình quân khoảng 467 nghìn tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, thị trường cũng tồn tại nhiều hiện tượng thiếu lành mạnh, thậm chí vi phạm pháp luật. Do đó, ngày 16/9, Chính phủ chính thức ban hành Nghị định 65/2022/NĐ-CP sửa đổi bổ sung Nghị định 153/2020/NĐ-CP về chào bán, giao dịch trái phiếu riêng lẻ với những quy định mới hướng tới tăng tính minh bạch, lành mạnh cho thị trường này. |
Theo các chuyên gia Chính phủ ban hành Nghị định 65 về phát hành trái phiếu riêng lẻ là rất tốt nhưng nếu chỉ dừng lại ở đây mà không đẩy nhanh quá trình xử lý thủ tục bên phát hành ra công chúng sẽ làm ách tắc toàn bộ thị trường.
Ông Đỗ Ngọc Quỳnh - Tổng thư ký Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam cho biết, trong thời gian qua có hiện tượng, nhiều doanh nghiệp trong đó có cả các doanh nghiệp lớn, rất uy tín, đủ điều kiện phát hành ra công chúng nhưng họ lại chọn phát hành riêng lẻ mà không chọn phát hành ra công chúng. Bởi lẽ, phát hành ra công chúng phải có phê duyệt của đại hội đồng cổ đông, nộp hồ sơ lên cho Ủy ban Chứng khoán duyệt, sau đó phải nộp hồ sơ niêm yết và giao dịch như cổ phiếu niêm yết trên thị trường. Nhưng bất cập ở đây là hồ sơ nộp lên Ủy ban Chứng khoán thông thường thời gian xử lý lâu nên doanh nghiệp không chủ động được thời gian phát hành. Dẫn đến việc doanh nghiệp không chủ động trong huy động vốn cho hoạt động kinh doanh. Trong khi phát hành riêng lẻ doanh nghiệp chủ động được và họ chỉ có mỗi trách nhiệm báo cáo. Chính vì vậy, lượng phát hành trái phiếu riêng lẻ tăng vọt, trong khi phát hành ra công chúng năm 2021 chỉ chiếm khoảng 5% tổng TPDN trên toàn thị trường.
“Phát hành ra công chúng có lợi hơn phát hành riêng lẻ rất nhiều do huy động vốn được mọi đối tượng nhà đầu tư. Ngoài ra, tính minh bạch, hạ tầng giao dịch thuận lợi, thuận tiện hơn rất nhiều, làm cho chi phí huy động vốn của doanh nghiệp giảm hẳn xuống và làm uy tín doanh nghiệp tăng lên. Vậy thì không ai dại gì không phát hành ra công chúng nếu không có một số vướng mắc”, ông Quỳnh bày tỏ băn khoăn.
Để giải quyết vấn đề ách tắc trong phê duyệt hồ sơ phát hành trái phiếu ra công chúng, ông Nguyễn Quang Thuân - Tổng giám đốc Fiin Ratings, khuyến nghị Việt Nam học hỏi một số mô hình trong khu vực. Ví dụ ở Malaysia, nếu doanh nghiệp được xếp hạng tín nhiệm AAA thì được phát hành ra công chúng và duyệt hồ sơ sau. “Đương nhiên, trách nhiệm của cơ quan xếp hạng tín nhiệm rất quan trọng. Sau đó, cơ quan nhà nước vẫn hậu kiểm”, ông Nguyễn Quang Thuân nói.
Liên quan đến thủ tục để duyệt hồ sơ phát hành ra công chúng, theo gợi ý của ông Quỳnh nên tập trung vào các tiêu chuẩn, các chỉ số tài chính, chỉ số quản trị, hơn là đi vào chi tiết việc doanh nghiệp sử dụng vốn để làm gì, dùng như thế nào. “Chính sách nên tiếp cận làm sao để cơ quan quản lý dễ xử lý hơn, đồng thời để doanh nghiệp chủ động cho công ty hoạt động theo thị trường theo hướng khống chế các khung từ vấn đề tài chính, quản trị theo quy định, minh bạch hóa thông tin, xếp hạng tín nhiệm”, ông Quỳnh chia sẻ quan điểm.
Bên cạnh giải pháp thúc đẩy phát hành trái phiếu ra công chúng, một giải pháp nữa, theo ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó vụ trưởng, Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính, Bộ Tài chính là phát triển các nhà đầu tư chuyên nghiệp như các quỹ đầu tư, nhằm tăng nguồn lực đầu tư vào thị trường trái phiếu. Chúng ta đã đưa ra được chuẩn về định mức tín nhiệm thì có thể tận dụng để sửa đổi các quy định hiện hành. Ví dụ như thay vì quy định các quỹ đầu tư chỉ được đầu tư một tỷ lệ nhất định vào trái phiếu thì bây giờ có thể căn cứ theo xếp hạng tín nhiệm. Kể cả với doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, cũng có thể cho phép các công ty này có thể được đầu tư một tỷ lệ nào đó vào trái phiếu được định hạng ở mức AAA hoặc ở mức cao. Các quy định này vừa tháo gỡ khó khăn trong hoạt động của các quỹ đầu tư, vừa tạo ra một lực cầu mới trên thị trường trái phiếu. Với các giải pháp tổng thể này, đại diện Bộ Tài chính hy vọng trong trung, dài hạn sẽ giải quyết được vấn đề giảm phụ thuộc vốn tín dụng ngân hàng của doanh nghiệp.
TS. Lê Xuân Nghĩa - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia: Điều kiện tiên quyết để phát triển thị trường Việc chúng ta cần làm đối với thị trường trái phiếu đó là kỳ hạn trái phiếu phải dài và lãi suất phải thấp. Muốn như vậy cần có ba điều kiện tiên quyết. Một là, phát hành ra công chúng phải mạnh. Chỉ có ra công chúng mạnh mới làm tăng niềm tin thị trường. Niềm tin lớn mới hạ được lãi suất xuống và kéo dài được kỳ hạn trái phiếu. Hai là phải có hệ thống xếp hạng tín nhiệm khách quan và chuẩn xác, cũng để tạo niềm tin cho nhà đầu tư. Khi nhà đầu tư tin người ta mới mua dài hạn và chấp nhận lãi suất thấp. Ba là phát triển thị trường thứ cấp. Không có thị trường thứ cấp thì không kéo dài kỳ hạn trái phiếu được. Đây là những tư duy chính sách dài hạn chúng ta cần hướng tới; cũng là điều kiện tiên quyết để có thị trường trái phiếu cho doanh nghiệp sản xuất vừa và nhỏ chứ không chỉ ngân hàng và bất động sản. Ông Đỗ Ngọc Quỳnh - Tổng thư ký Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam: Quan trọng nhất là tính minh bạch, chuyên nghiệp Cấu trúc thị trường vốn nói chung thiết kế nhiều kênh để doanh nghiệp huy động vốn, không chỉ mỗi kênh phát hành trái phiếu riêng lẻ. Mỗi một sản phẩm đều có một vai trò. Với sản phẩm này, công cụ này, vũ khí này… chỉ phù hợp với một số đối tượng nhất định, phù hợp với doanh nghiệp nhất định. Chẳng hạn phát hành ra công chúng có thể tiếp cận mọi nhà đầu tư, không giới hạn, chuẩn mực phát hành theo đó phải cao hơn. Đối với phát hành trái phiếu riêng lẻ, khẩu vị rủi ro của nhà đầu tư chuyên nghiệp phải cao hơn so với nhà đầu tư thông thường. Phải xác định rõ kiến trúc tổng thể thị trường tài chính của chúng ta, sản phẩm nào, công cụ nào đi với đối tượng đầu tư nào, để không ngăn cản sự phát triển của thị trường. Chúng ta luôn mở cho doanh nghiệp con đường để tìm đúng đối tượng nhà đầu tư phù hợp, giúp nguồn vốn trong nền kinh tế luân chuyển một cách hiệu quả, đúng với khẩu vị rủi ro của các bên tham gia. Quan trọng nhất là tính minh bạch, chuyên nghiệp, tính tự chịu trách nhiệm của tất cả các thành phần tham gia. |