Không để người có nhu cầu vay thực không tiếp cận được vốn
Thời gian qua, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) quận Thanh Khê (Đà Nẵng) luôn bám sát chỉ đạo của UBND TP. Đà Nẵng, Nghị quyết của Ban đại diện HĐQT NHCSXH thành phố, các văn bản chỉ đạo của Tổng giám đốc, của chi nhánh NHCSXH TP. Đà Nẵng, Nghị quyết của Ban đại diện HĐQT quận, các chủ trương, chính sách tín dụng mới để tham mưu UBND quận, Ban đại diện HĐQT quận có chỉ đạo điều hành kịp thời, đúng quy định.
Bà Trần Tường Vân, Phó chủ tịch UBND quận Thanh Khê (Đà Nẵng) cho rằng, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người có nhu cầu để tiếp cận các chính sách cho vay. |
Theo ông Nguyễn Văn Ba, Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH quận Thánh Khê, đơn vị đã tham mưu UBND quận kịp thời kiện toàn nhân sự Ban đại diện quận; giúp việc cho các thành viên Ban đại diện HĐQT quận hoàn thành chương trình kiểm tra giám sát theo kế hoạch. Hoàn thành xây dựng kế hoạch tín dụng trên địa bàn giai đoạn 2026-2030 đúng thời gian quy định. Kịp thời tham mưu Ban đại diện phân giao, điều chỉnh các chỉ tiêu kế hoạch tín dụng cho UBND các phường phù hợp với nhu cầu vay vốn thực tế tại địa phương không để tồn đọng vốn. Nhờ đó, NHCSXH quận Thanh Khê đã đạt được những kết quả khả quan trong việc thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch năm 2024.
Ông Ba cho biết, đến nay tổng nguồn vốn thực hiện của đơn vị gần 720,7 tỷ đồng. Bao gồm, nguồn vốn cân đối từ trung ương gần 438 tỷ đồng; nguồn vốn ủy thác của TP. Đà Nẵng hơn 282,7 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 39,24% trên tổng nguồn vốn. Tổng doanh số cho vay các chương trình tín dụng trong 9 tháng năm 2024 gần 251,4 tỷ đồng, với 4.095 khách hàng.
Trong khi đó, tổng doanh số thu nợ trong trong 9 tháng năm 2024 gần 181,9 tỷ đồng. Tổng dư nợ các chương trình tín dụng thực hiện đến 30/9/2024 gần 718,9 tỷ đồng đồng, đạt 97,95% kế hoạch năm 2024; tăng hơn 68,7 tỷ đồng, tăng 10,54% so với đầu năm, với 13.360 khách hàng còn dư nợ. Các chương trình có dư nợ lớn như: cho vay giải quyết việc làm gần 521,4 tỷ đồng, với 12.051 khách hàng; cho vay Nhà ở xã hội theo Nghị định 100/NĐ-CP đạt gần 145 tỷ đồng, với 422 khách hàng; cho vay học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn hơn 34,3 tỷ đồng, với 824 khách hàng; dư nợ chương trình cho vay hộ nghèo hơn 5,9 tỷ đồng, với 195 khách hàng; hộ cận nghèo gần 3,5 tỷ đồng, với 112 khách hàng; hộ mới thoát nghèo gần 4,9 tỷ đồng đồng, với 158 khách hàng; cho vay người chấp hành xong án phạt tù 638 triệu đồng, với 12 khách hàng.
Cùng với đó, trong 9 tháng năm 2024, đơn vị đã huy động nguồn vốn tại địa phương được Trung ương cấp bù lãi suất hơn 62,2 tỷ đồng, đạt 114,42% kế hoạch năm 2024, tăng 34% so đầu năm. Bao gồm, nguồn vốn huy động của tổ chức, cá nhân gần 24,1 tỷ đồng; tiền gửi tổ viên qua Tổ TK&VV gần 38,2 tỷ đồng. Đây là nỗ lực lớn của đơn vị cũng như các Tổ TK&VV trên địa bàn.
Ông Võ Mình, Giám đốc NHNN chi nhánh TP. Đà Nẵng phát biểu tại phiên họp Quý III/2024 Ban đại diện HĐQT NHCSXH quận Thanh Khê |
Đặc biệt, tất cả các phường trên địa bàn đều có dư nợ tăng so với đầu năm 2024. Các phường có dư nợ tăng cao như: Hòa Khê tăng 16,8%, Vĩnh Trung tăng 15,7%, Thanh Khê Đông tăng 12,7%, Thanh Khê Tây 11,9%, Xuân Hà 11,3%.
Kết quả đánh giá chất lượng hoạt động tín dụng chính sách toàn quận 9 tháng năm 2024 đạt loại tốt, với 98,83 điểm và 10/10 phường đạt loại tốt. Các phường có điểm đánh giá chất lượng hoạt động tín dụng chính sách cao trên 99 điểm như: Tân Chính, Thanh Khê Tây. Kết quả xếp loại Tổ TK&VV theo kỳ 9 tháng: có 312 tổ tốt (96,7%), 11 tổ khá (3,1%), không có tổ trung bình, yếu.
Ông Ba chia sẻ thêm, để được những kết quả khả quan như trên, cùng với sự chỉ đạo quyết liệt của NHCSXH TP. Đà Nẵng, Ban đại diện HĐQT quận, sự nỗ lực của đơn vị, còn sự đóng góp không nhỏ của các tổ chức Hội đoàn thể, trong việc thực hiện tốt các nội dung ủy thác. Các Hội đoàn thể duy trì tham gia họp giao ban giữa NHCSXH quận với Hội đoàn thể quận theo định kỳ; thực hiện tốt việc tuyên truyền, phổ biến, triển khai các chương trình tín dụng, chính sách mới đến người thụ hưởng; duy trì chất lượng tín dụng; chú trọng củng cố, kiện toàn nâng cao hiệu quả hoạt động các tổ TK&VV; đôn đốc thu nợ đến hạn, quá hạn, tìm kiếm hộ đi khỏi nơi cư trú...
Tại phiên họp giao ban quý 3/2024, ông Võ Minh, Giám đốc NHNN chi nhánh TP. Đà Nẵng, Thành viên HĐQT NHCSXH chi nhánh TP. Đà Nẵng đứng điểm quận Thanh Khê cho rằng, đến thời điểm này, NHCSXH quận Thanh Khê đã đạt được những kết quả khá tốt về các chỉ tiêu kế hoạch năm 2024. Đây là điều đáng mừng.
Tuy nhiên, ông Minh cho rằng, có những vấn đề cần quan tâm trong thời gian tới là việc sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp phường. Trên địa bàn quận Thanh Khê sẽ có 8/10 phường sẽ sáp nhập. Theo đó, có hàng trăm Tổ TK&VV sẽ có thay đổi về sáp nhập, thay đổi tên gọi, thay đổi đơn vị hành chính quản lý... Điều này sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của NHCSXH.
Vậy nên, cần theo dõi, nắm bắt thông tin, thực hiện tốt các thủ tục bàn giao theo đúng quy định, không thể tình trạng xáo trộn, thất lạc hồ sơ... Đồng thời, tiếp tục phát huy vai trò làm tốt công tác kiểm tra, kiểm soát để theo dõi hoạt động sử dụng vốn của khách hàng để phát huy hiệu quả, không để phát sinh những rủi ro...
Các chương trình tín dụng chính sách cho vay trên địa bàn quận Thanh Khê phát huy hiệu quả tích cực |
Phát biểu tại buổi họp, bà Trần Tường Vân, Phó chủ tịch UBND quận Thanh Khê, Trưởng Ban đại diện HĐQT NHCSXH quận đề nghị, NHCSXH quận Thanh Khê tiếp tục nỗ lực, phấn đầu hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch năm 2024 đề ra. Nhất là các chỉ tiêu huy động vốn, giải ngân tín dụng các chương trình cho vay đã có vốn. Cùng với đó, chuẩn bị tốt các thủ tục hành chính, hồ sơ bàn giao khi có quyết định sáp nhập các đơn vị hành chính cấp phường trên địa bàn. Để làm tốt công tác này, đề nghị đơn vị hướng dẫn cho các phường nắm bắt thông tin, thủ tục để bàn giao đúng quy trình.
Đối với các chương trình cho vay, bà Vân cho rằng, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người có nhu cầu để tiếp cận các chính sách cho vay. Nhất là các chương trình cho vay công chức viên chức, chương trình cho vay người chấp hành xong án phạt tù... Qua đó, làm tốt công tác thực hiện cho vay các chương trình tìn dụng chính sách trên địa bàn, không để đối tượng có nhu cầu vay thực sự mà không tiếp cận được vốn...