Không lùi bước trước khó khăn, quyết tâm thực hiện mục tiêu kép
Thủ tướng chủ trì phiên họp Chính phủ đầu năm 2021 | |
Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần từ 18-22/1/2021 |
Bộ trưởng cho biết, Thủ tướng chỉ đạo kiên quyết không lùi bước trước khó khăn thách thức, quyết tâm sớm dập đợt dịch Covid-19 bùng phát hiện nay; đồng thời duy trì ổn định vĩ mô, nỗ lực phấn đấu tăng trưởng GDP đạt 6,5% trong năm nay.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1 là phiên họp thường kỳ cuối cùng trong năm Âm lịch Canh Tý và phiên họp đầu tiên của năm 2021, cũng là phiên họp đầu tiên của Chính phủ để triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.
Phiên họp đã nghe, thảo luận về một số nội dung chính: Tình hình kinh tế - xã hội tháng 1/2021; kịch bản, giải pháp thúc đẩy tăng trưởng 6 tháng đầu năm 2021; Bộ Y tế báo cáo và thảo luận về tình hình, giải pháp phòng chống Covid-19; công tác chuẩn bị phục vụ Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021…
Nhiều vấn đề quan trọng đã được Chính phủ quyết định tại phiên họp, như quyết tâm đưa vắc-xin ngừa Covid-19 đến người dân từ quý I này; nghiên cứu xây dựng đề án về gói hỗ trợ thứ 2 cho người dân và doanh nghiệp; thúc đẩy 3 không gian kinh tế mới; thành lập tổ công tác đặc biệt để tháo gỡ vướng mắc cho đầu tư…
Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cũng thông tin, tại phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đưa ra 4 nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung chỉ đạo trong thời gian tới, gồm: Ban hành và thực hiện các chương trình hành động triển khai Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng; Quyết liệt phòng chống Covid-19 và thực hiện mục tiêu kép; Tập trung các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng 6 tháng đầu năm để thực hiện mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5% năm 2021; Chăm lo Tết cho người dân.
Trong đó, về triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư căn cứ vào Nghị quyết của Đại hội để xây dựng, sớm trình ban hành chương trình hành động của Chính phủ triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng XIII, đồng thời hoàn thiện, trình Quốc hội phê duyệt kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 và các vấn đề liên quan.
Về nhiệm vụ phòng chống, dập dịch Covid-19, Chính phủ yêu câu không được chủ quan, có các biện pháp mạnh mẽ, kịp thời, đi trước thời gian nhưng không được để hoảng loạn với tinh thần tiếp tục thực hiện mục tiêu kép. Lãnh đạo các địa phương phải tập trung chỉ đạo, chủ động quyết định các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp và chịu trách nhiệm về công tác này trên địa bàn; thực hiện quyết liệt "Thông điệp 5K" của Bộ Y tế.
Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp chịu trách nhiệm về việc chấp hành các quy định phòng chống dịch bệnh, không để dịch bệnh lây lan trong cơ quan, đơn vị mình. Ngành Y tế đẩy nhanh quá trình nghiên cứu phát triển và thử nghiệm vắc-xin, cũng như có kế hoạch nhập khẩu vắc-xin để phục vụ tiêm chủng trên diện rộng. Chính phủ đồng ý sớm đưa vắc-xin ngừa đến người dân trong quý I này.
Về thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nhất quán mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, đồng thời góp phần thúc đẩy tăng trưởng. Cần thúc đẩy 3 không gian kinh tế: Kinh tế trong nước, Kinh tế quốc tế và kinh tế số. Giao Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiêm túc tiếp thu các ý kiến, hoàn thiện kịch bản, các giải pháp và thường xuyên kiểm điểm, đánh giá thực hiện.
Cùng với đó, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, thực hiện quyết liệt ngay từ những tháng đầu năm, thường xuyên đôn đốc triển khai các dự án, công trình quan trọng. Đồng thời, tiếp tục cải cách mạnh mẽ, tạo chuyển biến thực chất hơn nữa về môi trường đầu tư kinh doanh, tạo động lực thu hút đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng. Thủ tướng đồng ý thành lập tổ công tác đặc biệt để tháo gỡ vướng mắc cho đầu tư.
Đặc biệt chú trọng phát triển kinh tế tư nhân, chương trình hành động cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp. Cùng với đó, phấn đấu đưa Việt Nam trở thành một trong những trung tâm sản xuất, ứng dụng công nghệ cao của khu vực và thế giới.
Ở nhóm nhiệm vụ chăm lo Tết cho người dân, Chính phủ yêu cầu phải tập trung lo Tết cho dân, không để ai thiếu Tết, đặc biệt đối tượng chính sách, người nghèo, vùng thiên tai, vùng sâu, vùng bị phong tỏa do có dịch, “bảo đảm mọi gia đình đều có Tết”.
Để thực hiện được điều này, cần bảo đảm hàng hóa phục vụ Tết đầy đủ, chất lượng và giá cả. Đồng thời, bảo đảm an ninh trật tự, nhất là đấu tranh, phòng chống buôn bán pháo nổ, gian lận thương mại, ngăn chặn những đường dây đưa hàng hóa trái phép vào Việt Nam...
Thủ tướng cũng yêu cầu không tổ chức đi thăm, chúc Tết cấp trên và lãnh đạo các cấp; nghiêm cấm biếu, tặng quà Tết cho lãnh đạo dưới mọi hình thức… Sau Tết phải bắt tay vào công việc, không để xảy ra tình trạng “tháng Giêng là tháng ăn chơi”.
“Quan điểm chỉ đạo của Chính phủ là kiên định với những nhiệm vụ, giải pháp đề ra; kiên quyết không lùi bước trước dịch bệnh, khó khăn, thách thức, càng khó khăn càng phải nỗ lực, quyết tâm; tiếp tục phát huy sáng tạo, chung sức, đồng lòng nỗ lực khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức, duy trì đà phát triển của năm 2020, quyết tâm phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch 2021 của cả nước và của từng bộ, ngành, địa phương”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.
Dẫn một số thông tin về việc có tình trạng các tỉnh ngăn không cho xe chở hàng hóa nông sản từ các vùng dịch như Chí Linh, Hải Dương đi tiêu thụ để nêu ví dụ cụ thể về tinh thần thực hiện mục tiêu kép, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói: “Kiên quyết không để xảy ra tình trạng ngăn sông, cấm chợ như vậy”. Việc các tỉnh ngăn không cho xe chở hàng hóa nông sản từ các vùng dịch như Chí Linh, Hải Dương đi tiêu thụ là không đúng. Tuy nhiên, công tác phòng chống dịch (kiểm tra, khử trùng…) phải được tiến hành chặt chẽ để đảm bảo dịch không lây lan.