Kiểm soát dòng vốn vào lĩnh vực rủi ro
Theo đó, các ngân hàng dự kiến giảm dòng vốn đổ vào lĩnh vực bất động sản xuống còn khoảng 23,8% trong 6 tháng đầu năm 2022 (từ mức 29,7% của 6 tháng đầu năm 2021) do đây là lĩnh vực được dự báo mức độ rủi ro tăng cao nhất.
Ảnh minh họa |
Thực tế thị trường như bất động sản, chứng khoán, trái phiếu đã rất sôi động suốt thời gian qua, thậm chí có dấu hiệu bong bóng. TS. Lê Xuân Nghĩa – nguyên Phó Chủ tịch ủy ban giám sát tài chính quốc gia đánh giá, thị trường đang có dấu hiệu hình thành bong bóng trong tương lai, cộng với cuộc đấu thầu đất Thủ Thiêm vừa qua đã kích hoạt toàn bộ thị trường bất động sản tăng lên một cách đáng ngờ. Hiện nhiều tỉnh, thành phố đã đình lại các cuộc đấu giá bất động sản, vì sợ nó xảy ra giống như Thủ Thiêm, hoặc có những biến đổi nào đó mà mình phải chịu trách nhiệm... Nếu bong bóng bất động sản nổ, sau đó xẹp xuống sẽ đóng băng toàn thị trường và giá bất động sản xuống rất thấp. Điều này sẽ dẫn đến toàn bộ tài sản thế chấp trong ngân hàng cũng sụt giảm, khiến nhiều khoản nợ không có tài sản nào bổ sung đủ để đảm bảo.
Còn thị trường chứng khoán hiện không diễn biến theo quan hệ cung - cầu, mà đang biến động theo quan hệ "lòng tham và nỗi sợ hãi". Hay nói cách khác, thị trường chứng khoán đang đứng trước vấn đề rất đáng lo ngại, là có hàng triệu nhà đầu tư nhảy vào thị trường mà không hiểu biết gì, không có thông tin và đầu tư theo số đông. Do vậy, các cơ quan quản lý cần phải có biện pháp cụ thể hơn để cảnh báo giữ ổn định cho thị trường.
Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, các thị trường này càng nóng bao nhiêu thì nền kinh tế càng hứng chịu độ mất an toàn bấy nhiêu, và bài học nhãn tiền đã có khi bong bóng bất động sản xuất hiện vào năm 2007 và 2010. Thị trường chứng khoán cũng rơi vào khủng hoảng trong giai đoạn trên khi VN-Index rớt xuống 240 điểm vào tháng 02/2009.
Trong khi đó, thị trường trái phiếu thời gian qua cũng tăng trưởng rất nóng, hiện nhiều doanh nghiệp hoạt động kinh doanh thua lỗ nhưng liên tục phát hành trái phiếu lãi suất rất cao, cáo bạch tài chính không rõ ràng, minh bạch… Chỉ tính riêng ba quý đầu năm 2021, theo FiinRatings, cơ cấu trái phiếu chiếm khoảng 46% tổng nợ vay của các doanh nghiệp bất động sản. Điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn tới chất lượng tín dụng của hệ thống ngân hàng.
Trước rủi ro tiềm ẩn từ hoạt động, NHNN đã ban hành Thông tư 16/2021/TT-NHNN quy định việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán trái phiếu doanh nghiệp. Trong đó quy định các ngân hàng chỉ được mua trái phiếu doanh nghiệp khi nợ xấu dưới 3%. NHNN cấm các NHTM không được mua trái phiếu phát hành để cơ cấu nợ, cấm mua trái phiếu phát hành để góp vốn mua cổ phần, hay tăng quy mô vốn… Quy định này sẽ khiến cho cách thức hoạt động tại một số ngân hàng phải thay đổi khá nhiều so với trước.
Có thể nói trong nhiều năm qua NHNN luôn theo dõi sát sao và cảnh báo các TCTD thực hiện các giải pháp nhằm kiểm soát quy mô tín dụng gắn với nâng cao chất lượng tín dụng, phù hợp với khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế, đồng thời kiểm soát chặt tín dụng vào những lĩnh vực rủi ro như chứng khoán, bất động sản, kênh trái phiếu...
Tại Hội nghị triển khai hoạt động ngân hàng năm 2022, một lần nữa lãnh đạo NHNN nhấn mạnh, với lĩnh vực bất động sản, chứng khoán, trái phiếu của các doanh nghiệp đang có những biểu hiện chưa lành mạnh thì các TCTD không những không tăng thêm vốn vào những lĩnh vực rủi ro đó, mà còn kiểm soát chặt chẽ. NHNN sẽ thanh tra, giám sát một số khoản tín dụng có liên quan đến trái phiếu của một số doanh nghiệp phát hành mà chưa đảm bảo ngưỡng an toàn. Song lãnh đạo NHNN cũng lưu ý, NHNN vẫn sẽ tạo điều kiện ưu tiên tín dụng cho lĩnh vực bất động sản nhà ở mà người dân thực sự có nhu cầu.
Nhóm chuyên gia SSI cũng cho rằng, cơ quan chức năng sẽ kiểm soát chặt hơn chất lượng tài sản ngân hàng, bên cạnh các biện pháp hỗ trợ nhằm đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu trong năm 2022. Để kiểm soát rủi ro phát sinh, SSI đề xuất nên nâng hệ số rủi ro với các khoản vay bất động sản thương mại và nhà ở giá trị cao để hạ nhiệt thị trường.
Điều hành chủ động, linh hoạt, chặt chẽ, đồng bộ, hiệu quả các công cụ chính sách tiền tệ, tài khóa và các chính sách khác. Ổn định thị trường tiền tệ. Điều hành các giải pháp tín dụng góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế; khuyến khích tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí để phấn đấu giảm lãi suất cho vay, tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho doanh nghiệp, người dân; hướng tín dụng vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên. Kiểm soát chặt chẽ các hoạt động: cho vay ngoại tệ, tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, huy động vốn của doanh nghiệp, nhất là phát hành trái phiếu doanh nghiệp. (Trích Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 08/01/2022 của Chính phủ) |