Kiểm soát tập trung kinh tế trong giao dịch M&A
Doanh nghiệp nội vẫn chiếm ưu thế trong M&A Doanh nghiệp bất động sản tiếp tục M&A |
Tuy nhiên, trong triển khai vẫn còn những lúng túng. Đây là ghi nhận tại Hội thảo “Thông báo TTKT trong giao dịch M&A tại Việt Nam: Góc nhìn từ người trong cuộc” do FiinGroup tổ chức. Ông Lê Xuân Đồng - Giám đốc Điều hành, Khối Nghiên cứu thị trường và Tư vấn của FiinGroup cho biết, hoạt động M&A có sự suy giảm cả về số lượng và giá trị trong năm 2022 và nửa đầu năm 2023 do những khó khăn của thị trường thế giới và doanh nghiệp. Từ đỉnh năm 2021 với 385 giao dịch M&A với giá trị 12,4 tỷ USD, năm 2022 còn 322 thương vụ với giá trị 7,5 tỷ USD và 6 tháng đầu năm đạt 109 thương vụ với giá trị 2,7 tỷ USD.
Doanh nghiệp cần am hiểu luật quốc tế và luật quốc gia, đặc biệt là cân nhắc về mặt thời gian để chuẩn bị và nộp hồ sơ TTKT một cách hợp lý |
Tuy nhiên, hiện tượng TTKT đang có xu hướng tăng. Ông Lê Thanh Sơn, đại diện của Ban Giám sát cạnh tranh, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia (VCC) cho biết, số lượng hồ sơ thông báo TTKT theo quy định của Luật Cạnh tranh biến động từ 57 hồ sơ thẩm định sơ bộ, 5 hồ sơ thẩm định chính thức trong năm 2020, lên tương ứng 128 và 2 vào năm 2021, 153 và 1 vào năm 2022, riêng quý 1/2023 đã ghi nhận 74 hồ sơ thẩm định sơ bộ và 2 hồ sơ thẩm định chính thức. Đáng nói, số lượng hồ sơ thông báo TTKT từ khu vực đầu tư nước ngoài đã tăng từ 29,92% vào năm 2020 lên 37,1% vào năm 2021 và đạt 55,27% trong năm 2023.
Thực tế cho thấy, gần 70% các hồ sơ thông báo TTKT thuộc hình thức mua lại. Số lượng hồ sơ thông báo TTKT nhiều nhất từ năm 2020 đến nay thuộc lĩnh vực bất động sản. Tuy nhiên, thống kê cũng cho thấy có sự “đổi ngôi” trong năm 2022 khi ngành dịch vụ và năng lượng đã chiếm 60% các vụ việc TTKT theo chiều ngang và 63% các giao dịch TTKT thực hiện tại Việt Nam.
Để rút ngắn thời gian thẩm định hồ sơ TTKT, ông Sơn khuyến nghị doanh nghiệp cần lưu ý 4 vấn đề trong TTKT: Một là chuẩn bị kỹ hồ sơ theo quy định tại điều 34 Luật Canh tranh 2018 trước khi nộp thông báo TTKT; Hai là cần tham khảo ý kiến chuyên gia pháp lý và chuyên gia ngành để hoàn thiện hồ sơ theo quy định; Ba là thông tin về thị phần kết hợp của các doanh nghiệp tham gia TTKT cần dựa trên phương pháp tính và nguồn số liệu đáng tin cậy; Bốn là cần rà soát kỹ khi xác định mối quan hệ kiểm soát chi phối để đảm bảo tuân thủ nghĩa vụ thông báo TTKT. Về thời điểm thích hợp thông báo TTKT, ông Sơn cho rằng, còn tùy thuộc vào từng loại giao dịch.
Cùng chung những khuyến nghị như trên, Luật sư thành viên Công ty Luật Indochine Counsel Trương Hữu Ngữ bổ sung thêm, doanh nghiệp cần am hiểu luật quốc tế và luật quốc gia, đặc biệt là cân nhắc về mặt thời gian để chuẩn bị và nộp hồ sơ TTKT một cách hợp lý. Việc chuẩn bị hồ sơ không đầy đủ, đáp ứng yêu cầu của cơ quan quản lý cũng như thời gian nộp quá muộn có thể khiến kế hoạch TTKT bị trì hạn.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp nên nhất quán trong việc thực hiện thông báo TTKT, cụ thể là thống nhất cách tiếp cận, định hướng đánh giá trong hồ sơ thông báo nộp cho cơ quan quản lý cạnh trạnh ở các nước khác nhau. Đồng thời xem xét lại các vụ việc trong quá khứ để tiên liệu tình hình.
Luật sư Ngữ cũng lưu ý, không ít trường hợp doanh nghiệp quên các thủ tục, dẫn tới hành vi vi phạm TTKT như khi mua trái phiếu chuyển đổi chưa phải thông báo, nhưng khi chuyển đổi thì phải thông báo; hay như giao dịch mua bán, hoán đổi cổ phần của công ty này lấy cổ phần công ty kia, mặc dù nhìn như một nhưng thực ra có hai giao dịch tách bạch nếu cả phía bên mua và bên bán đều chạm ngưỡng TTKT thì phải thông báo, nhưng thường thì chỉ phía bên mua nhớ điều này. Một số các giao dịch khác cũng thường bị bỏ sót khi thông báo TTKT như mua bán bất động sản.
Ông cũng lưu ý một số tình huống đặc biệt khi thực hiện thông báo TTKT tại Việt Nam mà các nhà quản lý cần xem xét lại quy trình phê duyệt hồ sơ thông báo TTKT cho hợp lý, như chào mua công khai cần phải nhanh, diễn ra trong thời gian ngắn, song với quy trình tiếp nhận và xử lý hồ sơ hiện nay có thể kéo dài từ 30 - 60 ngày thì đến khi được VCC thông qua, giá mà doanh nghiệp dự kiến chào mua trên thị trường đã có thể thay đổi. Hay như với việc mua lại doanh nghiệp Nhà nước phải đấu giá, nếu doanh nghiệp chưa hoàn thành thủ tục thì việc thông báo TTKT là không hợp lý. Song nếu đợi đến khi đấu giá được, rồi mới thông báo thì lại vi phạm quy định, vì vậy ông Sơn đề nghị cần có hướng xử lý cho các trường hợp này.