Doanh nghiệp bất động sản tiếp tục M&A
Báo cáo của Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) cho thấy, trong những tháng cuối năm 2023, tổng giá trị những trái phiếu sẽ đến hạn là 158.500 tỷ đồng. Phần lớn giá trị trái phiếu sắp đáo hạn thuộc nhóm bất động sản với 80.952 tỷ đồng (chiếm 51%), theo sau là nhóm ngân hàng với 27.261 tỷ đồng (chiếm 17,2%)…
Vấn đề thanh khoản vẫn là điều đáng lo ngại khi nhiều doanh nghiệp bất động sản chậm trả lãi và gốc trái phiếu do những khó khăn về vốn cùng với việc doanh số ký bán giảm mạnh bởi điều kiện khó khăn của thị trường, áp lực về dòng tiền, nguồn tiền trả nợ đang hiện hữu.
Hiện nay nhiều thương vụ M&A đã hoàn tất bước thăm dò và sẽ tiếp tục chuyển sang đàm phán, thương lượng |
Thực tế, rất nhiều doanh nghiệp bất động sản có quy mô lớn trên thị trường dù đang sở hữu rất nhiều đất đai, dự án… nhưng không còn nguồn tiền để duy trì hoạt động, triển khai công trình đúng tiến độ, phải cắt giảm tối đa chi phí, nhân công, thanh khoản sụt giảm. Trong bối cảnh đó, để có thể có nguồn lực mới để tồn tại, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, việc thu hút nguồn vốn thông qua mua bán, sáp nhập (M&A) trở thành “phao cứu sinh” cho không ít doanh nghiệp.
Bà Trang Bùi, Tổng giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam cho biết, các chủ dự án trong nước đang lựa chọn M&A như là một cơ hội để họ tiếp cận với nguồn vốn trong và ngoài nước một cách nhanh chóng, nhằm điều chỉnh cơ cấu nguồn lực để tiếp tục duy trì hoạt động kinh doanh. Trong đó, những công ty bất động sản niêm yết có lợi thế là tình hình tài chính, kinh doanh minh bạch, quỹ đất lớn, thông tin về dự án rõ ràng. Đây cũng là loại hình được doanh nghiệp nước ngoài ưu tiên hàng đầu. Ngoài ra, nhà đầu tư cũng thường chú trọng các dự án có đầy đủ tính pháp lý ở những vị trí tốt và có tiềm năng.
“Suy thoái kinh tế đã tạo ra một số giao dịch chịu áp lực bán khi các chủ sở hữu trong nước gặp khó khăn về dòng tiền – dẫn đến cơ hội giao dịch ở mức cao hơn. Thời điểm hiện nay đang mở ra cơ hội cho những nhà đầu tư nước ngoài có tiềm lực tài chính mạnh, am hiểu pháp luật và thị trường Việt Nam”, bà Trang cho biết thêm.
Số liệu báo cáo của Cushman & Wakefield ghi nhận từ đầu năm đến nay đã có khá nhiều thương vụ đầu tư và M&A bất động sản, dù ít các thương vụ lớn nhưng rõ ràng thị trường bất động sản Việt Nam vẫn luôn hấp dẫn và thu hút được sự quan tâm từ các nhà đầu tư nước ngoài. Trong đó, tổng giá trị giao dịch đầu tư và M&A bất động sản trong 6 tháng đầu năm đạt khoảng 711 triệu USD, giảm 45% so với cùng kỳ do thiếu thương vụ có giá trị lớn. Phân khúc bất động sản công nghiệp đang dẫn đầu về giá trị vốn đầu tư trong 6 tháng đầu năm 2023, với tỷ trọng 46%. Ngoài ra có thể kể đến một số thương vụ ở các phân khúc bất động sản khác như Keppel Land mua 49% cổ phần tại 2 dự án của Khang Điền với giá trị 3.100 tỷ đồng… Các giao dịch chủ yếu là nhà đầu tư đến từ Châu Á như Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Malaysia với lợi thế gần về vị trí địa lý và sự tương đồng về văn hóa. Đồng thời, thị trường Việt Nam cũng đang dần thuận lợi hơn trong việc thương lượng, đàm phán và đây sẽ là yếu tố đẩy mạnh sự tiếp cận đến các nguồn vốn đầu tư nước ngoài.
Theo ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội môi giới Bất động sản Việt Nam, hiện nay nhiều thương vụ M&A đã hoàn tất bước thăm dò và sẽ tiếp tục chuyển sang đàm phán, thương lượng trong quý III và rất có thể thị trường sẽ chứng kiến một vài thương vụ thành công đầu tiên trong quý IV/2023. Tuy nhiên, số lượng sẽ không nhiều và giới hạn ở các dự án quy mô nhỏ với tính pháp lý cơ bản hoàn thiện. Các thương vụ quy mô vừa và lớn sẽ tiếp tục duy trì quá trình đàm phán đến hết quý IV/2023, thậm chí kéo dài sang quý II/2024. Khi M&A thành công sẽ góp phần cải thiện đáng kể nguồn cung sản phẩm. Các doanh nghiệp thông qua hoạt động M&A sẽ có cơ hội tái cơ cấu lại nguồn tài chính, vực dậy hoạt động kinh doanh trên thị trường.