Kiểm soát thông tin ngân hàng trên không gian mạng
Đẩy mạnh thông tin ngân hàng trên sóng Truyền hình Việt Nam Tìm giải pháp thiết thực, hiệu quả bảo vệ truyền thông trên không gian mạng |
Nhiều thách thức trên không gian mạng
Thời gian qua, lợi dụng không gian mạng, nhiều đối tượng đã lập ra các trang fanpage giả mạo các TCTD để lừa đảo tuyển dụng; lừa cho vay hoặc dẫn dụ vào hoạt động dịch vụ tài chính bất hợp pháp… nhằm trục lợi, gây hoang mang cho người dân và làm ảnh hưởng uy tín thương hiệu của các TCTD. Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) Nguyễn Quốc Hùng cho biết, ngoài việc tung tin giả, mạo danh thì trên mạng xã hội còn xuất hiện các hội nhóm “bùng nợ”, kêu gọi bùng nợ các TCTD, thậm chí bày cách để bùng nợ, ảnh hưởng nghiêm trọng hoạt động của các TCTD.
Những tồn tại trên, theo đánh giá của ông Nguyễn Quốc Hùng, đã khiến các doanh nghiệp nói chung và TCTD nói riêng gặp rất nhiều khó khăn, tốn kém rất nhiều thời gian, nguồn lực để xử lý.
Phát biểu tại Hội thảo “Giải pháp bảo vệ truyền thông trên không gian mạng tại các TCTD”, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho rằng, toàn ngành Ngân hàng nói chung, các NHTM nói riêng phải nhận thức rõ hơn về trách nhiệm và vai trò của công tác truyền thông trên không gian mạng. Từ đó, thực hiện truyền thông cho chủ trương, chính sách của các ngân hàng, các TCTD một cách thường xuyên, liên tục và bền bỉ.
Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú phát biểu tại hội thảo |
Phó Thống đốc nhấn mạnh công tác truyền thông và bảo vệ thông tin trên không gian mạng hiện nay là rất quan trọng và cấp bách. Toàn Ngành phải sẵn sàng để đối phó với khủng hoảng truyền thông. Bởi một thông tin sai lệch trên mạng xã hội, khi có nhiều người cùng tham gia sẽ dễ khuếch đại lên thành cả làn sóng, tạo nên khủng hoảng truyền thông nghiêm trọng. “Thông tin trong lĩnh vực tiền tệ - ngân hàng so với các lĩnh vực khác có tính nhạy cảm cao do đặc thù hoạt động tiền tệ - ngân hàng gắn chặt với niềm tin công chúng. Các thông tin về chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng có tính lan tỏa, tác động rất lớn đến nhiều nhóm người, tổ chức trong xã hội, có ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường tài chính và nền kinh tế. Nếu không kiểm soát tốt thông tin tiêu cực có thể tác động đến niềm tin người dân đối với hệ thống ngân hàng. Do vậy, bên cạnh việc bảo vệ thông tin, các TCTD cũng phải luôn sẵn sàng, chủ động đối phó với khủng hoảng”, Phó Thống đốc lưu ý.
Bên cạnh chủ động truyền thông và sẵn sàng đối phó khủng hoảng, công tác đấu tranh chống những thông tin sai trái của các TCTD cần phải triển khai hiệu quả hơn. Muốn làm được điều đó, các TCTD phải xem truyền thông là giải pháp an toàn, quan trọng của hệ thống, đồng thời có các biện pháp truyền thông kịp thời, bài bản, chuyên nghiệp, thống nhất để có thể xử lý và ứng phó kịp thời, hiệu quả.
Tăng cường phối hợp công tác truyền thông
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm đánh giá cao việc coi trọng công tác truyền thông, nhất là công tác truyền thông chính sách của NHNN trong thời gian vừa qua. Tuy nhiên, hoạt động tội phạm ngày càng tinh vi, phức tạp. Trong khi so với các lĩnh vực khác, thông tin tiền tệ, ngân hàng có tính nhạy cảm, lan truyền, phạm vi ảnh hưởng lớn, tác động trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp và mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội.
Do vậy, ông Lâm cho rằng, trong thời gian tới, các TCTD cần tăng cường cơ chế phối hợp và làm tốt hơn công tác truyền thông tích cực, để lan tỏa truyền thông tích cực, đặc biệt là các thông tin chính thống qua báo chí để xử lý khủng hoảng. “Các TCTD phải làm tốt hơn công tác này trong một thể thống nhất dưới sự chỉ đạo của NHNN và đại diện của các TCTD là Hiệp hội Ngân hàng. Các TCTD chỉ có thể lấn át và kiểm soát không gian mạng bằng việc lan tỏa những thông tin tích cực và chính thống nhiều hơn”, ông Lâm chia sẻ quan điểm.
Phân tích thêm tác động thông tin trên mạng xã hội, đại diện UB Group cho biết, mạng xã hội có nhiều mặt tích cực nhưng cũng tiềm ẩn những tác hại khôn lường. Việc ứng xử với thông tin trên mạng xã hội sao cho hiệu quả luôn là bài toán khó đối với các tổ chức, cá nhân để phòng ngừa khủng hoảng truyền thông. Chính vì điều này, việc phòng ngừa, quản trị thông tin trên mạng xã hội là hết sức cần thiết.
Chia sẻ một số hướng giải pháp xử lý thông tin và phòng ngừa rủi ro cho các TCTD, đại diện UB Group cho rằng, điều đầu tiên là các ngân hàng phải phản ứng nhanh. Bởi thông tin trên mạng xã hội có tính lan truyền nhanh, với tốc độ chóng mặt theo cấp số nhân, nhất là các thông tin tiêu cực lại hay thu hút người quan tâm. TCTD phải cung cấp, đối chiếu thông tin và cung cấp thông tin chính xác… Điều này có thể giúp các ngân hàng giảm thiểu nguy cơ thiệt hại. Thậm chí việc đó còn chứng minh rằng ngân hàng đang phản hồi thông tin một cách chuyên nghiệp, sẵn sàng và phù hợp, và đôi khi còn mang lại các phản ứng tích cực từ cộng đồng về “một ngân hàng biết lắng nghe”…
Về vấn đề kiểm soát thông tin trên không gian mạng, đại diện The Farm khuyến nghị, cần ứng dụng công nghệ để có công cụ phân tích thông tin, đưa ra cảnh báo thông tin sai phạm, thông tin tiêu cực và cảnh báo độ chính xác của nguồn tin. Từ đó, phân tích báo cáo để đưa ra hướng xử lý với từng thông tin tiêu cực.
Để ngăn ngừa khủng hoảng truyền thông, tháo gỡ khó khăn, bên cạnh sự chủ động nhận diện sớm rủi ro để ngăn ngừa khủng hoảng truyền thông, đại diện các TCTD kiến nghị, cần có sự vào cuộc của nhiều ban ngành. Trong đó, đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông xem xét hỗ trợ các TCTD trong việc ngăn chặn thông tin giả mạo hoặc sai lệch trên không gian mạng; Có các chế tài, biện pháp rà soát, xử lý mạnh hơn nữa đối với các trường hợp cá nhân, hay trang tin, mạng xã hội đưa những thông tin không chính xác, chưa được kiểm chứng lên không gian mạng gây ảnh hưởng đến các TCTD. Ngoài ra, Bộ xem xét có hướng dẫn cụ thể hơn cho các TCTD nhận biết, nắm được quy định tôn chỉ, mục đích hoạt động và quyền khai thác thông tin của các cơ quan báo chí, tạp chí điện tử, để các TCTD có thể ứng phó khi các đơn vị trên vi phạm các quy định luật báo chí về tôn chỉ mục đích; tăng cường truyền thông các dấu hiệu nhận biết chính thức của các TCTD trên các kênh truyền thông chính thống, cùng tổ chức chiến dịch truyền thông chung của Ngành…
Đồng thời, đại diện các TCTD cũng kiến nghị, cơ quan quản lý có giải pháp ngăn chặn các ứng dụng, trang thông tin điện tử giả mạo trên không gian mạng; ngăn chặn nguồn gây hiểu nhầm về thương hiệu, những nguồn đưa thông tin sai lệch, gây hiểu nhầm cho khách hàng; tổ chức đào tạo về truyền thông cho ngành Ngân hàng…