Kiên định mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: NHNN đã điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, khéo léo | |
Điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng 2020: Khẳng định bản lĩnh giữa khó khăn |
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng: Đối với các TCTD, đề nghị chủ tịch HĐQT, HĐTV và tổng giám đốc, giám đốc các TCTD nâng cao tinh thần, ý thức trách nhiệm trong chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ kinh doanh của tổ chức mình. Trong đó lưu ý một số nhiệm vụ: Thứ nhất, khẩn trương tổng kết, đánh giá kết quả cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020, đúc rút các bài học kinh nghiệm và chủ động xây dựng phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025 của tổ chức mình, gửi NHNN xem xét phê duyệt và tổ chức triển khai thực hiện, trong đó chú trọng tập trung nguồn lực và triển khai có hiệu quả các giải pháp xử lý nợ xấu trong năm 2021 và các năm tiếp theo theo chỉ đạo của NHNN. Thứ hai, xây dựng kế hoạch kinh doanh năm 2021 phù hợp với định hướng, mục tiêu điều hành CSTT, tín dụng, hoạt động ngân hàng nêu tại Nghị quyết của Chính phủ và Chỉ thị của NHNN; Tiếp tục tiết giảm chi phí hoạt động, giảm chỉ tiêu lợi nhuận để có điều kiện giảm lãi suất cho vay, nhất là đối với các khoản cho vay cũ, cho vay trung dài hạn cho DN và người dân. Thứ ba, mở rộng tín dụng an toàn, hiệu quả đi đôi với nâng cao chất lượng tín dụng, hạn chế nợ xấu phát sinh và đảm bảo tốc độ tăng trưởng theo đúng chỉ tiêu NHNN giao. Tập trung tín dụng cho hoạt động sản xuất - kinh doanh, phục hồi kinh tế, đặc biệt là các lĩnh vực ưu tiên; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Thứ tư, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ và xử lý nghiêm các sai phạm trong hệ thống TCTD của mình nhằm nâng cao kỷ luật, kỷ cương, ý thức chấp hành pháp luật và đạo đức nghề nghiệp của nhân viên ngân hàng, góp phần phòng, chống, ngăn ngừa, hạn chế vi phạm trong ngành Ngân hàng. Đề nghị các đơn vị trong Ngành quán triệt và thực hiện nghiêm yêu cầu của NHNN về việc tập trung đáp ứng tốt nhu cầu tiền mặt, tín dụng, dịch vụ ngân hàng của DN, người dân trong dịp Tết dương lịch và Tết Nguyên đán; Đảm bảo cho mọi hoạt động thông suốt an toàn, phục vụ nhân dân đón tết. Không tổ chức chúc tết, tặng quà các đơn vị, lãnh đạo NHNN. Ngay sau khi nghỉ tết, các đơn vị tập trung triển khai thực hiện ngay các kế hoạch, nhiệm vụ được giao, đảm bảo đáp ứng tốt nhu cầu tăng trưởng tín dụng, dịch vụ ngân hàng ngay từ những tháng đầu năm. |
Ông Phạm Đức Ấn |
Ông Phạm Đức Ấn, Chủ tịch HĐTV Agribank: Cần cơ chế đặc thù để Agribank sớm cổ phần hóa
Agribank luôn phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu triển khai kịp thời các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và thiên tai tại miền Trung, Tây Nguyên theo đúng chỉ đạo của NHNN với 5 lần giảm lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên, 7 lần giảm phí dịch vụ...
Để thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao, Agribank đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, NHNN, Bộ Tài chính xem xét tăng vốn điều lệ cho Agribank và các NHTMCP của Nhà nước. Việc tăng vốn điều lệ này cần được xây dựng thành đề án cho ít nhất 5 năm để tránh bị động như thời gian vừa qua. Riêng đối với Agribank, tới đây được cấp 3.500 tỷ đồng, nhưng sau khi phân phối lợi nhuận 8.900 tỷ đồng của năm 2019 theo phương án đã được NHNN phê duyệt thì hệ số an toàn vốn chỉ còn 8,6%. Nếu tính đúng theo Thông tư 41 thì chỉ còn 6%, thấp hơn nhiều so với mức quy định 9%.
Vì vậy, trước mắt, Agribank đề nghị NHNN xem xét áp dụng biện pháp khẩn cấp là áp dụng hệ số rủi ro 50% đối với các khoản cho vay cá nhân, hộ gia đình không thế chấp tài sản đến 200 triệu đồng theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn. Đây là biện pháp cấp bách đảm bảo Agribank có thể giải ngân vốn, tăng trưởng tín dụng trong năm 2021.
Vấn đề thứ hai là Agribank đề nghị được cấp bù lãi suất trên 2.560 tỷ đồng các chương trình trình cho vay ưu đãi lãi suất của Chính phủ, như theo Nghị quyết 30a của Chính phủ, Nghị định 67. Vì vậy, Agribank tiếp tục đề nghị Bộ Tài chính cân đối vốn hoàn lại cho ngân hàng. Thứ ba, NHNN cho phép các TCTD tiếp tục triển khai Thông tư 01. Vì đại dịch Covid chưa có điểm dừng trên thế giới, và DN sẽ còn gặp nhiều khó khăn nên đề nghị NHNN có thêm hướng dẫn để ngân hàng triển khai tiếp trong năm 2021.
Vấn đề cuối cùng là cổ phần hóa, Agribank rất mong muốn để trở thành NHTMCP hoạt động tương tự như các ngân hàng BIDV, VietinBank, Vietcombank. Tuy nhiên với quy trình thủ tục hiện nay phải mất vài năm nữa Agribank mới thực hiện xong cổ phần hóa. Vì vậy, Agribank đề nghị Chính phủ cho phép thí điểm cổ phần hóa theo hai giai đoạn.
Giai đoạn 1, cổ phần hóa với sự tham gia của cán bộ, nhân viên Agribank với tỷ lệ khoảng 0,5% và sớm niêm yết trên TTCK. Giai đoạn 2, sau khi niêm yết trên TTCK, giá cổ phiếu đã được thị trường kiểm định sẽ hấp dẫn hơn, được nhìn nhận tích cực hơn, dễ thu hút nhà đầu tư chiến lược và việc định giá lúc đó sẽ thuận lợi hơn.
Agribank cam kết với Thủ tướng, Thống đốc NHNN hoạt động Agribank hiệu quả hơn, đảm bảo không bị thất thoát vốn nếu được cho phép cơ chế triển khai 2 bước như trên...
Ông Phan Đức Tú |
Ông Phan Đức Tú, Chủ tịch HĐQT BIDV: Cần “luật hóa” xử lý nợ xấu
Sau ba năm thực hiện Nghị quyết 42, Đề án 1058 đã có tác động thực sự đến nhận thức, trách nhiệm của người vay, người cho vay; giải tỏa nhiều nút thắt trong xử lý nợ. Tuy nhiên, vẫn có một số khó khăn cho ngân hàng như thực hiện quyền thu giữ tài sản, giải quyết theo thủ tục rút gọn của tòa án, thứ tự ưu tiên thanh toán tiền thu được và tính quyết liệt của một số bộ ngành, địa phương.
Do vậy, BIDV đề nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành vào cuộc quyết liệt hơn đồng thời nghiên cứu “luật hóa” Nghị quyết 42 thành Luật xử lý nợ xấu của các TCTD hoặc là một bộ phận cấu thành của Luật Các TCTD sửa đổi, tạo niềm tin vững chắc cho các chủ thể hoạt động trên thị trường tiền tệ - ngân hàng. Mặt khác, BIDV cũng đề nghị Chính phủ, NHNN sớm xây dựng và vận hành Sàn giao dịch mua bán nợ xấu để công khai, minh bạch, thu hút nhiều chủ thể tham gia, sớm hoàn thiện thị trường mua bán nợ theo thông lệ và cam kết quốc tế.
Một vấn đề nữa, với vốn điều lệ các NHTM Nhà nước như hiện nay, hệ số an toàn vốn khá nhỏ so với các NHTMCP, các ngân hàng trong khu vực. Như BIDV, hiện nay vốn điều lệ 40.200 tỷ đồng - lớn nhất hệ thống, nhưng hệ số CAR mới chỉ đạt chuẩn an toàn theo Basel II. Vì vậy, BIDV đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành, NHNN cho phép BIDV được tăng vốn điều lệ bằng việc chi trả cổ tức 2020 bằng cổ phiếu. BIDV cũng kiến nghị Chính phủ, các bộ ngành đẩy nhanh các dự án, đề án tạo khuôn khổ pháp lý và điều kiện hoạt động cho việc chuyển đổi mô hình hoạt động của các TCTD trong thời đại cách mạng 4.0. Đặc biệt là các quy định về bảo mật, chia sẻ thông tin, sớm đưa vào vận hành Dự án cơ sở dữ liệu công dân quốc gia… Đây là những điều kiện tiền đề để các TCTD triển khai các hoạt động ngân hàng số.
Ngoài ra, BIDV đề xuất Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành, địa phương tôn trọng và thực hiện nghiêm các cam kết đã ký với các TCTD, nhà đầu tư, tạo niềm tin cho nhà đầu tư, TCTD, các định chế tài chính trong và ngoài nước tham gia các dự án PPP… Đặc biệt khi nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng đô thị, giao thông, viễn thông, năng lượng của nước ta trong giai đoạn tới là rất lớn, và Luật PPP sẽ có hiệu lực từ 1/1/2021.
Ông Nguyễn Quốc Cường |
Ông Nguyễn Quốc Cường, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Hợp tác xã: Tăng vốn điều lệ, nâng tầm vai trò cho Ngân hàng Hợp tác xã
Ngân hàng Hợp tác xã (NHHTX) và hệ thống QTDND đang tích cực triển khai công tác tái cơ cấu theo chỉ đạo của Thống đốc NHNN giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn đến năm 2030. Chúng tôi đề nghị NHNN tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý về hoạt động NHHTX, QTDND và củng cố tính liên kết để điều chỉnh căn bản hoạt động của QTDND theo đúng mục đích tôn chỉ và bản chất HTX, tự chủ tự chịu trách nhiệm, vai trò trách nhiệm thành viên, quy mô hoạt động, nhất là trong công tác kiểm tra QTDND, cho vay điều hòa vốn, hỗ trợ thanh khoản, xử lý QTDND yếu kém, hỗ trợ tổn thất cho NHHTX. Đề nghị NHNN xem xét, báo cáo Chính phủ nghiên cứu có thể trình Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị mới thay cho Chỉ thị 57-CT/TW với các vấn đề căn bản điều chỉnh mô hình, tổ chức hoạt động hệ thống QTDND trong giai đoạn tái cơ cấu hiện nay.
Hiện nay, tổng nguồn vốn hoạt động của NHHTX hơn 43.000 tỷ đồng, chỉ bằng 1/4 tổng nguồn vốn của các QTDND, trong đó vốn điều lệ là 3.029 tỷ đồng. Do đó, các chỉ tiêu an toàn trong hoạt động của NHHTX tiến tới giới hạn. Để NHHTX trở thành công cụ hữu hiệu của NHNN, đủ mạnh để làm tốt vai trò ngân hàng đầu mối hỗ trợ hệ thống QTDND, NHHTX đề xuất NHNN và các cơ quan liên quan nghiên cứu, xem xét trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cấp bổ sung vốn điều lệ cho NHHTX lên 5.000 tỷ đồng; đồng thời, phát huy vai trò của Bảo hiểm tiền gửi trong hỗ trợ hoạt động của NHHTX và hệ thống QTDND, đặc biệt là cơ chế hỗ trợ cho vay thanh khoản.
Tại Hội nghị 12 tập thể xuất sắc dẫn đầu phong trào thi đua năm 2019 thuộc NHNN cũng đã vinh dự được trao tặng Cờ Thi đua của Chính phủ bao gồm: Vụ Tài chính Kế toán; Vụ Chính sách tiền tệ; Vụ Kiểm toán nội bộ; NHNN chi nhánh tỉnh Bình Dương; NHNN chi nhánh tỉnh Hà Tĩnh; NHNN chi nhánh tỉnh Khánh Hoà; NHNN chi nhánh TP. Hồ Chí Minh; NHNN chi nhánh tỉnh Quảng Ninh; NHNN chi nhánh tỉnh Tiền Giang; NHTMCP Đông Nam Á (SeABank); NHTMCP Tiên Phong (TPBank); NHTMCP Quân đội (MB). |
Ông Đỗ Minh Phú |
Ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch HĐQT TPBank: Xây dựng và phát triển hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia
Với tốc độ phát triển vũ bão của cách mạng công nghệ lần thứ tư, mô hình và sản phẩm của ngân hàng số ra đời rất đa dạng và mới mẻ trong khi đó các văn bản pháp luật hiện hành không phù hợp và tương thích.
Do đó, TPBank kiến nghị Chính phủ sớm ban hành quy định cơ chế thử nghiệm Sandbox. Cơ chế này đã được triển khai thành công tại nhiều nước trên thế giới. Việc đẩy nhanh quá trình xây dựng và phát triển hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về định danh cá nhân và Cơ chế chia sẻ thông tin; cho phép chia sẻ, kết nối mở với các ngành dịch vụ như ngân hàng, viễn thông, bảo hiểm… có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển ngân hàng số.
Đối với NHNN, TPBank đề nghị đẩy nhanh tốc độ xây dựng quy định về bảo vệ dữ liệu người dùng, định danh số, xây dựng một liên minh eKYC; Hoàn thiện quy định bảo mật giao dịch, an ninh thông tin, quy định chi tiết về chữ ký điện tử, chứng thư điện tử, giao dịch điện tử cho phù hợp với thông lệ quốc tế.
Để góp phần đẩy mạnh kế hoạch triển khai tài chính toàn diện của các ngân hàng cần có quy định về mô hình ngân hàng đại lý và cho vay trên kênh số. Riêng về cơ chế cấp định mức tăng trưởng tín dụng, TPBank kiến nghị NHNN xem xét cơ chế cấp tỷ lệ tăng trưởng tín dụng hàng năm cho các TCTD đáp ứng tiêu chí: hoàn thành cả 3 trụ cột Basel II; đạt chuẩn xếp hạng đánh giá hạng A theo tiêu chí của NHNN...
Ông Huỳnh Ngọc Huy |
Ông Huỳnh Ngọc Huy, Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank: Mở rộng mạng lưới để cho vay tam nông tốt hơn
Kể từ khi thành lập, cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn luôn được xác định là một trong những lĩnh vực ưu tiên của LienVietPostBank. Dư nợ cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn tại thời điểm 30/11/2020 của ngân hàng đạt xấp xỉ 46.000 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 27% tổng dư nợ...
Một số sản phẩm chủ lực đang được LienVietPostBank triển khai như nhóm sản phẩm cho vay tiêu dùng không tài sản bảo đảm có nguồn trả nợ từ hưởng lương ngân sách nhà nước với hai đối tượng khách hàng là cán bộ hưu trí, cán bộ công chức viên chức, lực lượng vũ trang.
Đây là nhóm sản phẩm được triển khai mạnh tại tất cả các chi nhánh, phòng giao dịch của LienVietPostBank trên cả nước với tổng số khách hàng vay đến nay đạt trên 300.000 khách hàng. Sản phẩm cho vay nông nghiệp nông thôn là một trong những sản phẩm mũi nhọn đã và đang triển khai rất tốt của LienVietPostBank trong những năm vừa qua với các ngành nghề đa dạng: cà phê, hồ tiêu, mắc ca, nuôi trồng thủy hải sản, trồng lúa, chăn nuôi…
Thực hiện chủ trương của Chính phủ, NHNN về đẩy mạnh cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, LienVietPostBank đã tập trung xây dựng các sản phẩm cho vay trong lĩnh vực trên và đặc biệt đã xây dựng chuỗi sản phẩm tín dụng mắc ca đáp ứng các nhu cầu vay vốn của khách hàng khép kín từ khâu sản xuất giống, trồng cây cho đến khâu thu hoạch, chế biến hạt mắc ca…
Để đẩy mạnh hơn nữa việc cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn và cho vay tiêu dùng phục vụ đời sống góp phần hạn chế tín dụng đen, LienVietPostBank đề xuất Chính phủ, NHNN cho phép ngân hàng tiếp tục nâng cấp các phòng giao dịch bưu điện thành phòng giao dịch ngân hàng để triển khai công nghệ, nhân sự. Qua đó, cung cấp đầy đủ các dịch vụ ngân hàng nhằm phục vụ được bà con tại tất cả các vùng, miền trên toàn quốc. Đồng thời, tạo điều kiện để LienVietPostBank tiếp cận nguồn vốn giá rẻ trong nước và quốc tế để cấp tín dụng đối với khách hàng.