Kiên định mục tiêu kép
Nỗ lực thực hiện mục tiêu kép “vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế” | |
Chưa bao giờ các dự báo về kinh tế lại khó như hiện nay | |
Thủ tướng: Dồn mọi nguồn lực xử lý kịp thời các ổ dịch |
Xử lý ổ dịch, tạo thuận lợi trong lưu thông hàng hóa
Theo Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, mặc dù đại dịch tác động tiêu cực đến mọi mặt của đời sống đất nước, nhưng nhờ sự nỗ lực vượt bậc, tình hình phát triển kinh tế - xã hội 7 tháng đầu năm 2020 tiếp tục tháng sau khá hơn tháng trước.
Theo đó, mặc dù sản xuất nông nghiệp tuy bị tác động của thiên tai, dịch bệnh nhưng vẫn phát triển ổn định, cơ cấu chuyển dịch tích cực, là bệ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm an ninh lương thực. Sản xuất công nghiệp tiếp tục phục hồi 3 tháng liên tiếp, mặc dù vẫn còn ở mức khiêm tốn 3,6%. Cầu nội địa cũng tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực, thể hiện qua tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 7 tăng 3,3% so với tháng trước và tăng 4,3% so với cùng kỳ năm trước nhờ các chính sách kích thích tiêu dùng và du lịch nội địa.
Sản xuất tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực trong tháng 7 |
Xuất khẩu cũng duy trì được đà tăng trưởng trong bối cảnh cầu toàn cầu suy giảm mạnh vì dịch bệnh. Tính chung 7 tháng, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt gần 145,8 tỷ USD, tăng nhẹ 0,2% so với cùng kỳ, trong đó điểm sáng là khu vực kinh tế trong nước tăng cao 13,5%; xuất siêu 6,5 tỷ USD đạt mức cao so với cùng kỳ mọi năm.
Đặc biệt, khối lượng giải ngân vốn đầu tư công tăng kỷ lục trong tháng 7. Giải ngân kế hoạch vốn đầu tư nguồn NSNN 7 tháng đạt gần 194,2 nghìn tỷ đồng, bằng 41,26% kế hoạch giao đầu năm (cùng kỳ đạt 32,27%). Tốc độ giải ngân tháng sau cao hơn tháng trước. Đầu tư FDI và đầu tư tư nhân khá tích cực, trong đó, đăng ký vốn FDI mới 7 tháng tăng 14,4%, giải ngân trên 10,1 tỷ USD. Số DN quay trở lại hoạt động trong tháng tăng 79,9% so với cùng kỳ năm 2019.
Trong khi nền tảng kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định; lạm phát có xu hướng giảm dần; mặt bằng lãi suất giảm, tỷ giá, thị trường ngoại hối ổn định.
Tuy nhiên, do dịch Covid-19 trở lại từ cuối tháng 7, Chính phủ nhận định, ở trong nước khó khăn, thách thức còn rất lớn. Mặc dù kinh tế vĩ mô ổn định nhưng còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, giá dầu thô biến động mạnh, giá thịt lợn còn cao; giải ngân vốn đầu tư công chưa đáp ứng yêu cầu đề ra, nhất là giải ngân vốn ODA rất thấp. Sản xuất kinh doanh nhiều ngành, lĩnh vực rất khó khăn; khu vực dịch vụ chịu tác động rất lớn, nhất là hàng không, du lịch; số DN giải thể, ngừng hoạt động và số lao động mất việc làm tăng...
Chính phủ cũng xác định đầu tháng 8 là thời gian mang tính quyết định có bùng phát dịch quy mô lớn hay không. Vì vậy cần dồn mọi nguồn lực xử lý kịp thời các ổ dịch. Cùng với đó kiên định hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra. Để thực hiện được nhiệm vụ đó, Chính phủ lưu ý, cần tập trung triển khai quyết liệt các biện pháp đồng bộ phòng chống dịch, nhưng đồng thời tạo mọi thuận lợi trong lưu thông hàng hóa trong thời gian dịch bệnh bùng phát, không được có bất cứ hạn chế nào.
“Cần tính toán rất chặt chẽ trước khi quyết định giãn cách xã hội với phạm vi và quy mô hợp lý. Không được tuyên bố giãn cách xã hội mà chưa tính toán phương án phù hợp, đặc biệt là khi chưa có ổ dịch, dẫn đến bế tắc các hoạt động kinh tế, xã hội”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.
Công tác dự báo nhiều khó khăn
Đánh giá về tác động của đợt bùng phát dịch lần thứ 2 đến nền kinh tế, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương nêu quan điểm, chưa bao giờ các dự báo về kinh tế lại khó như bây giờ, bởi có quá nhiều yếu tố tác động, nhất là các yếu tố liên quan đến dịch Covid-19. Do tình hình biến đổi liên tục, nên kết quả dự báo của các tổ chức quốc tế cũng đều khác nhau. Trước đây Bộ KH&ĐT đã có cảnh báo, nếu chúng ta bị làn sóng Covid-19 lần thứ 2 thì tác động đến nền kinh tế là rất lớn. “Đợt dịch đầu năm chúng ta đã giãn cách xã hội toàn quốc hơn 20 ngày, khiến kết quả tăng trưởng của quý II rất thấp, chỉ lớn hơn 0,3% một chút, cho thấy tác động rất ghê gớm”, ông Phương nhấn mạnh.
Về sơ bộ đánh giá tác động, có thể thấy ngành du lịch và ngành vận tải hành khách chính là đối tượng bị tác động đầu tiên. Mặc dù ngành du lịch trong tháng 7 vừa qua đã có mức tăng trưởng bứt phá so với tháng 6 nhưng mới chỉ được 1 tháng đã gặp sự cố trở lại, khiến khả năng phục hồi càng thêm khó khăn.
TS. Võ Trí Thành - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia phân tích, trước khi dịch Covid-19 bất ngờ diễn biến phức tạp trở lại, nền kinh tế đã phục hồi nhẹ, một phần là nhờ Việt Nam có tầng lớp trung lưu mà thời gian qua đã tích luỹ rất tốt. Vì vậy, sức chịu đựng của nền kinh tế khá hơn so với nhiều nước, ít nhất là trong ngắn hạn. Tuy nhiên trước sự quay lại của dịch Covid-19, nếu không kiểm soát tốt sẽ làm ảnh hưởng đến động lực tăng trưởng quan trọng là tiêu dùng nội địa, khiến người dân ưu tiên tiết kiệm, thay đổi mạnh hành vi tiêu dùng trong bối cảnh kinh tế có thể còn nhiều khó khăn đến hết năm 2020.