Kinh tế tích cực, vẫn cần nỗ lực hơn nữa
Kinh tế phục hồi tích cực, nhưng rủi ro chưa hết | |
Đôn đốc các thủ tục để giải ngân thật nhanh gói phục hồi phát triển kinh tế - xã hội |
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 8 ước tăng 15,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng tới 16,2%. Nó cho thấy điều gì, thưa bà?
Nó cho thấy sản xuất công nghiệp đã lấy lại đà phát triển và tăng trưởng. Với tốc độ tăng 16,2% trong tháng 8, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đã đóng góp tới 12,5 điểm phần trăm vào mức tăng chung của toàn ngành công nghiệp. Đây cũng là tốc độ tăng cao nhất của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 8 so với cùng kỳ trong vòng 5 năm trở lại đây.
Ngoài việc ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục duy trì đà phục hồi và tăng trưởng ổn định thì một trong những nguyên nhân làm cho sản xuất công nghiệp tháng 8 năm nay tăng cao so với cùng kỳ năm trước là do cùng thời điểm này năm trước, dịch Covid-19 bùng phát mạnh tại nhiều địa phương trên cả nước làm ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, đặc biệt tại 19 tỉnh, thành phố phía Nam, nơi có nhiều trung tâm công nghiệp lớn của cả nước. Do vậy, ở thời điểm tháng 8 năm ngoái, sản xuất công nghiệp đã bị sụt giảm nghiêm trọng (tháng 8/2021, chỉ số IIP toàn ngành công nghiệp giảm 7,0% so với cùng kỳ năm trước; trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 9,3%).
Như vậy, nhờ các chính sách kịp thời, hiệu quả của Chính phủ cùng với sự nỗ lực của các doanh nghiệp khắc phục khó khăn để phục hồi, mở rộng sản xuất kinh doanh, sản xuất công nghiệp đã lấy lại đà phát triển và tăng trưởng, với chỉ số sản xuất công nghiệp liên tục tăng trong các tháng qua, trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo luôn phát huy vai trò dẫn dắt tăng trưởng chung của toàn ngành công nghiệp.
Đầu tư được cho là yếu tố hỗ trợ tăng trưởng trong bối cảnh hậu Covid-19. Có thể thấy gì từ việc thực hiện đầu tư từ nguồn NSNN khi nhìn vào số liệu tháng 8 và 8 tháng qua, thưa bà?
Tốc độ thực hiện vốn đầu tư từ nguồn NSNN đã có sự bứt phá mạnh mẽ trong tháng 7 và đặc biệt là trong tháng 8 với giá trị ước đạt 48,3 nghìn tỷ đồng, tăng 51,4% so với cùng kỳ. Kết quả là tính chung 8 tháng năm 2022, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn NSNN ước đạt 285,4 nghìn tỷ đồng, bằng 51% kế hoạch năm và tăng 16,9% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2021 bằng 48,6% và giảm 0,7%).
Kết quả này có được là do những yếu tố sau: (1) Ngay từ đầu năm 2022, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công trong bối cảnh yêu cầu phục hồi nhanh, phát triển bền vững kinh tế - xã hội. Nhiều văn bản chỉ đạo, tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc và thành lập 6 Tổ Công tác của Thủ tướng Chính phủ để kiểm tra đôn đốc công tác thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công; (2) Bộ, ngành và địa phương đã ban hành văn bản chỉ đạo các đơn vị, chủ đầu tư thuộc thẩm quyền đẩy mạnh thực hiện vốn đầu tư công được giao năm 2022, đồng thời tập trung khơi thông các điểm nghẽn hỗ trợ các nhà đầu tư trong thực hiện dự án, công trình; (3) Tình hình dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát tốt tạo tâm lý và điều kiện thuận lợi cho các chủ đầu tư, người lao động thực hiện dự án công trình. Các chủ đầu tư, các đơn vị thi công cũng tập trung triển khai thi công nghiêm túc, khẩn trương nhằm đảm bảo tiến độ, chất lượng dự án, công trình.
Theo chúng tôi, trong thời gian tới, để không làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án, công trình, các bộ, ngành và địa phương cần quyết liệt kiểm tra, đôn đốc công tác thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, đồng thời tập trung khơi thông các điểm nghẽn hỗ trợ các nhà đầu tư trong thực hiện dự án, công trình; đảm bảo nguồn cung, ổn định giá nguyên vật liệu phục vụ cho thi công công trình, dự án đạt hiệu quả, chất lượng và tiến độ.
Vậy bà nhìn nhận thế nào về vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 8 tháng vừa qua?
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 8 tháng năm 2022 ước đạt 12,8 tỷ USD, đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất 8 tháng đầu năm trong vòng 5 năm trở lại đây. Điều này cho thấy niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài đối với môi trường sản xuất kinh doanh của Việt Nam đã tăng lên sau 2 năm ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19.
Điểm sáng trong vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 8 tháng năm 2022 là vốn thực hiện trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn tiếp tục duy trì mức cao nhất với gần 9,86 tỷ USD, chiếm tới 77% vốn thực hiện của khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài, tiếp theo là hoạt động kinh doanh bất động sản 1,1 tỷ USD, chiếm 8,6%; ngành sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước gần 1 tỷ USD, chiếm 7,8%. Điều đó cho thấy xu hướng đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài vào các ngành sản xuất vẫn chiếm ưu thế.
Với tình hình dịch Covid-19 trong nước được kiểm soát tốt trong những tháng cuối năm, với việc thích ứng linh hoạt với bối cảnh mới và hiệu quả rõ rệt trong quản lý, điều hành của Chính phủ, các bộ, ngành, các hoạt động sản xuất kinh doanh dần lấy lại đà phục hồi, hoạt động đầu tư của khu vực doanh nghiệp chắc chắn sẽ tiếp tục được đẩy mạnh, đặc biệt là khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.
Dù người dân thường có tâm lý hạn chế khởi sự kinh doanh trong tháng 7 âm lịch (mà tháng 8 vừa trùng với tháng 7 âm lịch), nhưng cả nước vẫn có 11,9 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, gần 6,5 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động. Những số liệu này cho thấy điều gì?
Bình quân mỗi tháng, số doanh nghiệp thành lập mới trong năm 2022 thường dao động từ 13-15 nghìn doanh nghiệp (ngoại trừ tháng 2/2022 và tháng 8/2022). Điều này cũng phản ánh ảnh hưởng của văn hóa khá rõ nét khi tháng 2 (là thời điểm Tết Nguyên đán) và tháng 8 (trùng với tháng 7 âm lịch) số lượng doanh nghiệp thành lập mới thường giảm khá rõ rệt.
Cụ thể, trong tháng 8, số doanh nghiệp thành lập mới là 11,9 nghìn doanh nghiệp, giảm 9,5% so với tháng trước. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm trước, số doanh nghiệp thành lập mới lại tăng rất cao 106,9%. Nguyên nhân làm cho số doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 8 tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước là do tháng 8/2021 là giai đoạn dịch Covid-19 có diễn biến phức tạp trên cả nước, nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội, hoạt động sản xuất kinh doanh, vận tải hàng hóa bị gián đoạn, đứt gãy chuỗi cung ứng, đặc biệt là ở 19 địa phương phía Nam dẫn đến số doanh nghiệp thành lập mới ở thời điểm tháng 8/2021 giảm rất mạnh, chỉ đạt 5,8 nghìn doanh nghiệp.
Tuy nhiên, có một tín hiệu rất lạc quan trong tháng 8/2022 là số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động đạt gần 6,5 nghìn doanh nghiệp, tăng tới 177,8% so với tháng 7 và tăng 67,1% so với cùng kỳ năm 2021. Điều này cho thấy niềm tin của các doanh nghiệp đối với kết quả điều hành của Chính phủ, bộ, ngành trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước còn nhiều thách thức như giá xăng dầu, nhiên, nguyên vật liệu tăng cao; dịch Covid-19 vẫn có nguy cơ bùng phát, thiếu hụt lao động thạm thời tại một số địa phương...
Sự quản lý, điều hành của Chính phủ quyết liệt, hiệu quả đã làm cho doanh nghiệp yên tâm quay trở lại sản xuất kinh doanh và theo quy luật chung của thị trường. Những tháng cuối năm, hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ diễn ra rất sôi động, các doanh nghiệp muốn bắt nhịp và đáp ứng nhu cầu thị trường cần chuẩn bị xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh cụ thể, phù hợp với diễn biến của thị trường để đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh diễn ra thuận lợi trong các tháng còn lại của năm 2022.
Với 9/11 nhóm hàng hóa, dịch vụ có chỉ số giá tăng và 2 nhóm giảm nhưng nhờ Nhóm giao thông giảm 5,51% (do giá xăng dầu trong nước liên tục điều chỉnh giảm từ tháng 7/2022) nên CPI tháng 8 gần như không tăng, bà nhận định thế nào về áp lực lạm phát những tháng tới và liệu có giữ được ở mức khoảng 4% cho cả năm nay?
Mặc dù chịu nhiều sức ép lớn và khó khăn bủa vây của bối cảnh thế giới, nhưng các hoạt động sản xuất, kinh doanh tiếp tục xu hướng phục hồi tốt. Nhiều giải pháp đồng bộ được triển khai quyết liệt để giảm giá xăng dầu, ổn định giá điện, nước, học phí, giá sách giáo khoa, duy trì mặt bằng tỷ giá, lãi suất hợp lý... nhờ đó mà lạm phát 8 tháng năm 2022 được kiểm soát ở mức 2,58%, áp lực các chi phí đầu vào được giảm đáng kể.
Cụ thể: Trong 8 tháng năm nay, giá xăng dầu được điều chỉnh 22 đợt, trong đó có 8 đợt giảm giá, làm cho giá xăng A95 tăng 1.370 đồng/lít; xăng E5 tăng 1.170 đồng/lít và dầu diezen tăng 6.180 đồng/lít. Giá xăng dầu liên tục được điều chỉnh giảm từ tháng 7/2022 theo biến động giá nhiên liệu thế giới và do tác động của việc Nhà nước giảm thuế đối với xăng dầu. Từ ngày 21/6/2022, giá xăng A95 III ở mức 32.870 đồng/lít, dầu diezel ở mức 30.010 đồng/lít đã giảm xuống với các mức giá tương ứng là 24.660 đồng/lít và 23.750 đồng/lít. Giá xăng dầu giảm là yếu tố chủ yếu kiềm chế tốc độ tăng của CPI tháng 7 và tháng 8/2022.
Bên cạnh đó, đối với những hàng hóa và dịch vụ do Nhà nước định giá như dịch vụ y tế, dịch vụ giáo dục, giá điện sinh hoạt chiếm tỷ trọng 12,87% trong tổng chi tiêu dùng của dân cư đã được Chính phủ điều hành giữ ổn định trong năm 2022. Trong đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đề xuất chưa tăng học phí năm học 2022 - 2023 như lộ trình trước đó. Với giá dịch vụ y tế, năm 2021 phải hoàn thành việc tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý, khấu hao tài sản cố định và các chi phí khác theo pháp luật về giá, tuy nhiên để chia sẻ khó khăn với người dân trong đại dịch, việc này đã được hoãn lại.
Đặc biệt, đối với nhóm hàng lương thực, thực phẩm, nhóm hàng có tác động lớn tới CPI, chiếm tỷ trọng khoảng 1/4 trong tổng chi tiêu dùng của dân cư, thường xuyên được các bộ, ngành, địa phương thực hiện các biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn giá, nhất là mặt hàng thịt lợn, thức ăn chăn nuôi. Theo đó, giá thịt lợn đã có dấu hiệu hạ nhiệt trong tháng 8/2022. Giá thịt lợn hơi cả nước trong tháng 8/2022 dao động ở mức 62.000-71.000 đồng/kg.
Tuy nhiên, hiện nay vẫn tiềm ẩn những yếu tố có khả năng tác động làm tăng CPI trong những tháng cuối năm 2022 và năm 2023 như: Giá nguyên nhiên vật liệu trên thế giới vẫn đang ở mức cao và diễn biến này tiếp tục sẽ ảnh hưởng đến chi phí, giá thành, tạo áp lực cho sản xuất của doanh nghiệp và từ đó đẩy giá hàng hóa tiêu dùng trong nước tăng lên, tạo áp lực cho lạm phát của nền kinh tế; Giá xăng dầu vừa qua giảm và có thể vẫn ở mức thấp hơn trong ngắn hạn nhưng rủi ro tăng trở lại là khá cao do xung đột tại Ukraine chưa chấm dứt; sự phục hồi kinh tế Trung Quốc có thể kéo nhu cầu năng lượng gia tăng...
Giá lương thực, thực phẩm có khả năng tăng trong các tháng cuối năm, nhất là khi dịch đã được kiểm soát và nhu cầu tiêu dùng của người dân đang trở lại như thời gian trước khi đại dịch diễn ra; Kinh tế trong nước đang trong giai đoạn phục hồi rõ nét và cùng với các gói hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế có khả năng sẽ còn phục hồi mạnh mẽ hơn trong các tháng cuối năm, khi đó cầu tiêu dùng hàng hóa trong dân sẽ tăng mạnh, các hoạt động dịch vụ cũng sẽ tăng cao như các hoạt động du lịch, vui chơi, giải trí, ăn uống ngoài gia đình, từ đó sẽ đẩy giá cả hàng hóa và dịch vụ lên cao và tạo áp lực lên lạm phát.
Tuy nhiên với quyết tâm của Chính phủ, sự chỉ đạo quyết liệt của Ban Chỉ đạo điều hành giá, sự phối hợp hiệu quả của các bộ, ngành, địa phương nhằm bình ổn giá cả thị trường trong nước, cùng với việc giá nhiên liệu thế giới liên tục giảm trong tháng 7 và tháng 8 góp phần vào kiềm chế lạm phát, theo tôi, mục tiêu CPI bình quân năm 2022 có thể đạt được theo Nghị quyết của Quốc hội.
Xin cảm ơn bà!