Kinh tế phục hồi tích cực, nhưng rủi ro chưa hết
Các hoạt động sản xuất kinh doanh phục hồi tích cực
Trong báo cáo “Điểm lại” hồi đầu tháng 8, WB đã nâng triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm nay lên 7,5% (cao hơn 1,7 điểm phần trăm so với dự báo trước đó. Thậm chí chỉ một tuần sau đó, Moody’s Analytics còn nâng dự báo tăng trưởng GDP năm nay của Việt Nam lên mức 8,5% - mức cao nhất khu vực.
“Sự mở cửa rất chậm của Việt Nam vào đầu năm nay đã chuyển thành sự cải thiện nhanh chóng trong sản xuất công nghiệp và thương mại xuất khẩu, được hỗ trợ bởi đầu tư trực tiếp nước ngoài tiếp tục chảy vào” các nhà kinh tế của Moody’s Analytics cho biết trong báo cáo công bố hôm 15/8.
Còn trong báo cáo kinh tế phát hành ngày 26/8, Ngân hàng Standard Chartered cũng dự báo tăng trưởng của Việt Nam sẽ rất mạnh trong quý III này, dự ước đạt 10,8%.
Những dự báo trên của các định chế tài chính nước ngoài đã phần nào được minh chứng qua các chỉ số kinh tế tháng 8 và 8 tháng vừa được Tổng cục Thống kê công bố. Đặc biệt, tổng cầu đang phục hồi mạnh mẽ, thể hiện qua chỉ số tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 8 tháng tăng 19,3% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2021 giảm 3,5%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 15,1% (cùng kỳ năm 2021 giảm 5,1%).
Niềm tin và các hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn đang phục hồi tích cực. |
Trong khi sản xuất công nghiệp 8 tháng cũng tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2021 tăng 5,5%); trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 10,4% (cùng kỳ năm 2021 tăng 7%). Đáng chú ý là xuất nhập khẩu cũng vẫn duy trì được đà tăng trưởng khá ấn tượng cho dù triển vọng kinh tế toàn cầu đang xấu đi rõ rệt. Theo đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 8 ước đạt 33,38 tỷ USD, tăng 22,1% so với cùng kỳ năm trước; tính chung 8 tháng đạt đạt 250,8 tỷ USD, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước. Xuất siêu tháng 8 ước đạt 2,42 tỷ USD, qua đó giúp cán cân thương mại 8 tháng thặng dư tới 3,96 tỷ USD (cùng kỳ năm trước nhập siêu 3,52 tỷ USD).
Đáng chú ý, dù tháng 8 vừa qua trùng với tháng Bảy âm lịch - tháng Ngâu, tháng “cô hồn” và người dân thường có tâm lý hạn chế khởi sự kinh doanh nhưng cả nước vẫn có 11,9 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, cùng với đó là gần 6,5 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động (tăng tới 177,8% so với tháng trước và tăng 67,1% so với cùng kỳ năm 2021), cho thấy niềm tin và các hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn đang phục hồi tích cực.
Một thành công nữa là lạm phát vẫn được kiểm soát ở mức thấp. Theo đó, CPI tháng 8 chỉ tăng nhẹ 0,005% so với tháng 7 và chỉ tăng 2,89% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 8 tháng năm 2022, CPI tăng 2,58% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt lạm phát cơ bản bình quân 8 tháng chỉ tăng 1,64%, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 2,58%), cho thấy biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực và giá xăng dầu.
Lạm phát vẫn là áp lực lớn
Rất nhiều tín hiệu tích cực như vậy từ số liệu kinh tế tháng 8 càng củng cố thêm niềm tin vào triển vọng kinh tế. Tuy nhiên nền kinh tế vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức; một số lĩnh vực dù ghi nhận mức tăng trưởng 2, thậm chí 3 con số nhưng vẫn chưa trở về được quy mô như trước đại dịch.
Tốc độ tăng/giảm CPI của tháng 8 và 8 tháng các năm giai đoạn 2018-2022 (%). |
Bên cạnh đó, theo bà Nguyễn Thị Hương - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, dù các hoạt động kinh tế nói chung, hoạt động xuất khẩu hàng hóa nói riêng nhiều khả năng tiếp tục tích cực trong những tháng tới, nhưng vẫn đang cùng lúc đối mặt với những trở ngại cả từ phía cung (chi phí sản xuất có thể tăng hoặc neo ở mức cao do giá nguyên, nhiên liệu nhập khẩu đầu vào tăng, chuỗi cung ứng có thể bị gián đoạn vì nhiều yếu tố bất định hiện nay) và phía cầu (nhiều đối tác xuất, nhập khẩu chính hàng của Việt Nam như Mỹ, châu Âu đang đối mặt với nguy cơ suy thoái, lạm phát cao, lãi suất thắt chặt… khiến nhu cầu tiêu dùng chậm lại).
“Những yếu tố như vậy nếu xảy ra đồng thời và trên diện rộng không chỉ có thể ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu hàng hóa mà còn tác động đến sản xuất và tiêu dùng trong nước thời gian tới”, bà Hương nhận định.
Trong khi đó, dù giá xăng dầu giảm là yếu tố chủ đạo giúp kiềm chế tốc độ tăng CPI trong thời gian gần đây, nhưng áp lực lạm phát vẫn còn rất lớn. Có thể thấy trong 2 tháng qua, dù giá xăng dầu giảm nhưng giá hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng thiết yếu vẫn tăng theo giá nguyên liệu đầu vào, cùng với đó là học phí giáo dục tại một số địa phương tăng trở lại là các yếu tố tác động làm tăng CPI.
Thời gian tới, nếu giá nguyên nhiên vật liệu trên vẫn neo ở mức cao, nhất là giá xăng dầu tuy giảm và chững lại trong ngắn hạn nhưng rủi ro tăng trở lại vẫn khá lớn do các bất định bên ngoài hiện nay nên áp lực vẫn không nhỏ. Cùng với đó, giá lương thực, thực phẩm cũng có khả năng tăng trong các tháng cuối năm, nhất là khi dịch đã được kiểm soát và nhu cầu tiêu dùng của người dân đang trở lại như thời gian trước khi đại dịch diễn ra.
TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV nhận định, với các diễn biến kinh tế tháng 8 và 8 tháng rất tích cực, có cơ sở để kỳ vọng tăng trưởng kinh tế năm nay sẽ đạt khoảng 7%, trong khi lạm phát sẽ được kìm chế trong khoảng 4%. Tuy nhiên, các thách thức, khó khăn, nhất là các bất định từ bên ngoài vẫn là những ẩn số lớn có thể tác động đến triển vọng tăng trưởng GDP và lạm phát trong nước, đòi hỏi quyết tâm và điều hành quyết liệt để đạt được các mục tiêu và kỳ vọng đặt ra.
Trong bối cảnh đó các chuyên gia cho rằng, việc triển khai quyết liệt các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trong những tháng cuối năm, làm động lực cho các loại hình kinh tế phát triển là rất quan trọng. Bên cạnh đó, cần phối hợp đồng bộ chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và các chính sách quản lý giá để giữ được sự ổn định và đảm bảo các cân đối lớn. Cần theo dõi sát, cân đối cung cầu các loại hàng hóa thiết yếu để có các giải pháp kịp thời chủ động nguồn cung phục vụ sản xuất và tiêu dùng. Đồng thời đa dạng hóa thị trường xuất khẩu cũng như hoạt động xúc tiến thương mại để bù đắp những đơn hàng có thể sụt giảm.
Đặc biệt, cần tiếp tục theo dõi biến động giá cả nguyên vật liệu đầu vào, giá cả xăng dầu trong nước và trên thế giới để có kế hoạch, chính sách phù hợp hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, người dân. Đây là yếu tố quan trọng giúp cho sản xuất kinh doanh cũng như đời sống của người dân giảm được phần nào áp lực của giá xăng dầu, giá hàng hóa mà dự báo có thể vẫn tăng cao trong thời gian tới.