Kinh tế Trung Quốc tiếp tục đà tăng trưởng
Kinh tế Trung Quốc cần có thời gian để phục hồi | |
Kinh tế Trung Quốc chưa hoàn toàn hồi phục | |
Kinh tế Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng |
Theo Cục thống kê Trung Quốc, tổng sản phẩm quốc nội tăng 6,5% trong quý cuối cùng so với một năm trước đó, do sản lượng công nghiệp tăng mạnh hơn dự kiến. Trước đó, các chuyên gia kinh tế đã dự đoán mức tăng trưởng 6,2% trong quý và 2,1% cho cả năm.
Kinh tế Trung Quốc vẫn tăng trưởng tốt |
Sự phục hồi sớm này đã được hỗ trợ bởi các biện pháp kích thích tài chính và tiền tệ đẩy mạnh đầu tư vào cơ sở hạ tầng và bất động sản. Khi Trung Quốc đã kiểm soát được các ca nhiễm virus và các nhà máy có thể tiếp tục sản xuất, tăng trưởng càng được thúc đẩy bởi nhu cầu tiêu dùng mạnh mẽ ở nước ngoài đối với hàng xuất khẩu của Trung Quốc, đặc biệt là thiết bị y tế và thiết bị gia đình.
Ông Cui Li, đại diện bộ phận nghiên cứu vĩ mô của CCB International Holdings Ltd. ở Hồng Kông cho biết, quý IV/2020 thực sự cho thấy nền kinh tế Trung Quốc đã kết thúc một năm với tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ, sản xuất đang hoạt động tốt trở lại. Tuy nhiên, doanh số bán lẻ thấp hơn dự kiến trong tháng 12/2020 do virus bùng phát trở lại ở một số vùng phía bắc Trung Quốc và bắt buộc một số thành phố phải thực thi các hạn chế mới để kiểm soát dịch bệnh. Dữ liệu trong tháng 12 cho thấy các đợt bùng phát virus gần đây có thể tác động mạnh đến tiêu dùng.
Đồng nhân dân tệ trong nước tăng mạnh 0,06% lên 6,4779 so với đồng đô-la sau khi công bố số liệu tăng trưởng GDP, trong khi chỉ số ChiNext của các nhóm vốn hóa nhỏ tăng 1,6%. Lợi suất của hợp đồng trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm được giao dịch sôi động nhất tăng 2 điểm cơ bản lên 3,165%, thiết lập mức cao nhất trong hai tuần.
Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng trở lại sau đại dịch một cách mạnh mẽ là nền tảng cho một năm tới đầy ấn tượng đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này.
Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới, với sản lượng toàn cầu có thể giảm 4,2% vào năm ngoái, sự phát triển của Trung Quốc đồng nghĩa với việc nước này tăng tỷ trọng của mình trong nền kinh tế thế giới lên 14,5%, so với mức 22% của Mỹ. Dựa trên dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Trung Quốc hiện sẽ vượt qua Mỹ vào năm 2028, sớm hơn hai năm so với dự đoán trước đây.
Các nhà kinh tế kỳ vọng GDP của Trung Quốc sẽ tăng 8,2% trong năm nay, tiếp tục vượt xa các nước khác trên toàn cầu, ngay cả khi các nền kinh tế lớn khác bắt đầu phục hồi nhờ sự tiến triển của vắc-xin phòng chống Covid-19.
Sự phục hồi kinh tế vào năm 2021 sẽ phụ thuộc nhiều vào việc liệu Trung Quốc có thể ngăn chặn sự lây lan trên quy mô lớn của Covid-19 hay không, cùng với đó là tình hình của các doanh nghiệp. Chi tiêu hộ gia đình và đầu tư của các công ty sản xuất đã giảm tốc độ tăng trưởng chung vào năm 2020.
Bên cạnh đó, mối quan hệ thương mại ngày càng căng thẳng với Hoa Kỳ cũng có thể ảnh hưởng đến triển vọng tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc. Trong những tuần cuối cùng của mình tại vị, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã thắt chặt các hạn chế đối với các doanh nghiệp Trung Quốc để kiềm chế sự “thống trị” của quốc gia này trong các ngành công nghệ cao và thị trường tài chính vẫn đang diễn ra rất sôi động. Vẫn chưa rõ chính quyền sắp tới dưới quyền ông Joe Biden sẽ giải quyết những vấn đề đó như thế nào?
Nhu cầu toàn cầu đối với hàng hóa do Trung Quốc sản xuất dự kiến sẽ tăng vẫn mạnh do đại dịch tiếp tục diễn biến phức tạp tại Mỹ và khu vực châu Âu, khiến phần lớn dân số các nước này vẫn bị đặt trong tình trạng hạn chế. Theo dữ liệu chính thức, Trung Quốc vốn là nước xuất khẩu hàng đầu, giá trị các lô hàng của quốc gia này đã tăng 3,6% vào năm 2020. Nhập khẩu giảm 1,1%, dẫn đến thặng dư thương mại hàng năm là 535 tỷ USD, cao nhất kể từ năm 2015.
Tuy nhiên, các biện pháp kích thích tài chính và tiền tệ để hỗ trợ nền kinh tế vượt qua đại dịch lại đi kèm với sự gia tăng nợ chính phủ, điều mà các nhà chức trách Trung Quốc hiện đang nỗ lực tìm cách giải quyết. Tại một cuộc họp vào cuối tháng 12 để đưa ra các mục tiêu phát triển kinh tế cho năm 2021, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã thống nhất rằng các biện pháp kích thích sẽ dần được rút lại để tránh một số “bước ngoặt” trong chính sách.
Một vài con số ấn tượng • Sản lượng công nghiệp tăng 7,3% trong tháng 12 so với một năm trước đó và 2,8% vào năm 2020 • Doanh số bán lẻ tăng trưởng chậm lại từ 5% trong tháng 11 xuống 4,6% trong tháng 12. Trong cả năm 2020, tỷ lệ này giảm 3,9%, dẫn đến việc dịch vụ ăn uống và nhà hàng giảm gần 17% • Đầu tư vào tài sản cố định năm 2020 lớn hơn 2,9% so với năm 2019 • Nền kinh tế tăng trưởng 2,6% theo quý trong ba tháng cuối năm, giảm so với mức 3% đã điều chỉnh trong giai đoạn tháng 7-9 • Tỷ lệ thất nghiệp là 5,2% vào cuối tháng 12 |