Kinh tế Việt Nam: Cần thời gian để sự phục hồi lan tỏa
Quý I chưa như kỳ vọng, nhưng nhiều chỉ báo tích cực
Mặc dù Việt Nam sẽ chứng kiến triển vọng tăng trưởng tốt hơn trong năm Giáp Thìn, GDP Quý I/2024 tăng trưởng với tốc độ chậm hơn kỳ vọng, ở mức 5,7% so với cùng kỳ năm trước. Mức tăng này thấp hơn dự báo của HSBC và thị trường (dự báo 6,4%).
Điều này không có nghĩa là sự phục hồi bị ảnh hưởng, nhưng câu chuyện phục hồi đang diễn ra không đồng đều. “Kết quả này không có nghĩa câu chuyện phục hồi bị "lạc nhịp". Thực tế, Việt Nam vẫn duy trì vững vàng lộ trình phục hồi với mũi nhọn dẫn đầu là triển vọng thương mại tươi sáng hơn”, bà Yun Liu, chuyên gia kinh tế phụ trách thị trường ASEAN, Bộ phận Nghiên cứu Toàn cầu HSBC nhận định.
Chuyên gia kinh tế Yun Liu, Bộ phận Nghiên cứu Toàn cầu HSBC |
Các chỉ số cao tần (high frequency indicators) tiếp tục cho thấy triển vọng thương mại lạc quan, chủ yếu nhờ chu kỳ hàng điện tử. Cụ thể, xuất khẩu trong tháng 3 tăng trưởng hơn 14% so với cùng kỳ năm trước, đưa tăng trưởng cả Quý lên 17% so với cùng kỳ năm trước.
Theo chuyên gia HSBC, nguyên nhân chủ yếu là do một đợt đi lên của chu kỳ điện tử, được hưởng lợi nhờ đóng vai trò trung tâm sản xuất quan trọng cho điện thoại thông minh của Samsung. Bên cạnh điện tử, sự phục hồi của xuất khẩu tiếp tục mở rộng sang những ngành hàng khác như dệt may và da giày, mặc dù đóng góp vào tăng trưởng kinh tế vẫn còn thấp.
Thêm nữa, mặc dù tăng trưởng nhập khẩu cũng phục hồi lên mức hai con số trong Quý I/2024, thặng dư thương mại tăng lên hơn 8 tỷ USD, vượt mức bình quân tháng của năm 2023 trên 10%. Không chỉ chu kỳ thương mại ngắn hạn xoay chiều mà triển vọng FDI dài hạn tích cực cũng tiếp tục kéo dài.
Vốn FDI đầu tư mới trong Quý I/2024 tăng gần 60% so với cùng kỳ năm trước, và có tới 65% trong số đó tập trung vào lĩnh vực trụ cột là sản xuất, phần còn lại là vào bất động sản. Khi xem xét nơi xuất phát của vốn đầu tư, điểm thú vị là Singapore đã giành ngôi vương là nước cung cấp FDI lớn nhất vào Việt Nam, với tỷ lệ ấn tượng là 50%.
Sự phục hồi không đồng đều
Lĩnh vực sản xuất phục vụ xuất khẩu đang trên đà lấy lại “phong độ” trước đây. Và đó chính là một trong những điểm sáng từ khu vực dịch vụ. Bên cạnh đó, các dịch vụ liên quan đến du lịch cũng tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tích cực. Lần đầu tiên kể từ COVID-19, số lượng du khách đến Việt Nam hàng tháng gần chạm mốc 1,6 triệu trong tháng 3, vượt 13% so với mức trước đại dịch. Mặc dù hiệu ứng cơ sở cũng là một phần nguyên do, việc du khách Trung Quốc đại lục quay trở lại mạnh cũng mang đến sự hỗ trợ cần thiết.
Nguyên nhân một phần là nhờ nỗ lực không ngừng của Việt Nam nhằm khôi phục lại các chuyến bay với Trung Quốc đại lục, hiện đã đạt gần 80% của mức trước đại dịch. Mặc dù lượng du khách Trung Quốc sang ASEAN gần đây đã tăng lên tích cực nhưng vẫn còn dư địa để cải thiện hơn nữa. Điều đáng khích lệ là các cơ quan quản lý đang xem xét mở rộng danh sách miễn thị thực.
Tuy nhiên trở lại câu chuyện phục hồi diễn ra không đồng đều đề cập ở trên, thì sự “không đồng đều” có thể thấy rõ nét nhất trong khu vực dịch vụ. “Sự sụt giảm gây ngạc nhiên nhất đến từ khu vực dịch vụ, khi lĩnh vực này chỉ tăng trưởng 6,1% trong Quý I/2024 so với cùng kỳ năm trước”, báo cáo của HSBC nhận định.
Theo đó, quá trình phục hồi trong khu vực dịch vụ tiếp tục diễn ra theo nhiều chiều hướng khác nhau. Trong đó, các lĩnh vực trong nước bị tụt lại phía sau so với các lĩnh vực bên ngoài. Cụ thể, dịch vụ "thông tin và truyền thông", tài chính và dịch vụ chuyên nghiệp đã chậm lại từ Quý IV/2023, còn ngành bất động sản vẫn đóng góp ít ỏi cho tăng trưởng kinh tế, phản ánh sự suy yếu kéo dài trong chu kỳ bất động sản.
Trong khi đó, tăng trưởng kinh doanh bán lẻ cũng chưa trở lại mức xu hướng trước đại dịch, và vẫn còn hụt đáng kể khoảng 10%. Mặc dù chu kỳ xuất khẩu của Việt Nam đã bắt đầu nhìn thấy tín hiệu phục hồi nhưng vẫn chưa đủ để chuyển hóa thành một cú hích đáng kể cho các lĩnh vực trong nước. “Để lấy lại mức tăng trưởng như trước đại dịch, Việt Nam cần lan tỏa tăng trưởng từ lĩnh vực thương mại ra các dịch vụ trong nước”, chuyên gia kinh tế Yun Liu nêu quan điểm.
Giữ nguyên dự báo tăng trưởng, cẩn trọng với áp lực giá
Lạm phát toàn phần tháng 3 chứng kiến mức sụt giảm 0,2% so với tháng trước do điều chỉnh giá giai đoạn Tết, dẫn đến lạm phát tăng 4% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù thấp so với dự báo của HSBC và thị trường (dự báo tăng 4,2%), tỷ lệ này vẫn duy trì tăng. Chi tiết cho thấy tất cả các nhóm đều giảm, trừ nhóm "nhà ở và vật liệu xây dựng" và nhóm "hàng hóa và dịch vụ khác".
Lạm phát của Việt Nam chủ yếu vẫn ổn, nằm dưới trần lạm phát 4,5% đặt ra. Mặc dù vậy, các rủi ro tăng lạm phát vẫn còn đó. Một phần là do lạm phát giá gạo vẫn dao động ở mức hai con số. Điều đó cho thấy tác động của giá gạo thế giới lên giá gạo trong nước ngay cả đối với một nước xuất khẩu gạo như Việt Nam. Trong khi đó, mặc dù lạm phát năng lượng đã thuyên giảm nhưng vẫn cần theo dõi chặt chẽ.
“Chúng tôi kỳ vọng lạm phát bình quân sẽ neo quanh mức 3,9%, mặc dù có tăng nhưng vẫn dưới trần lạm phát đặt ra. Do vậy, chúng tôi không kỳ vọng NHNN sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ trong tương lai gần. Chúng tôi dự báo NHNN sẽ giữ lãi suất chính sách ổn định ở 4,5% trong giai đoạn này và tới năm 2025”, báo cáo nêu.