Lãi suất huy động tăng nhưng không nhiều
Nguồn vốn cho vay là tiền tiết kiệm của dân | |
Bàn giải pháp đẩy nhanh gói hỗ trợ lãi suất | |
Kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2% |
Áp lực lạm phát vẫn đang rất lớn dưới sức kéo của giá xăng dầu và sự đứt gãy chuỗi cung ứng do đại dịch Covid-19. Đặc biệt mới đây OPEC+ vừa cắt giảm sản lượng dầu, mặc dù con số cắt giảm là khá nhỏ, chỉ mang tính tượng trưng, song cũng đủ nói lên ý định hỗ trợ giá dầu của các nước xuất khẩu dầu mỏ.
Theo HSBC, mặc dù lạm phát của Việt Nam tương đối thấp trong những tháng qua, nhưng vẫn cần theo dõi khi áp lực lạm phát sẽ mạnh hơn trong những tháng cuối năm 2022, đẩy lạm phát toàn phần tạm thời vượt mức 4%. Vì lẽ đó, tổ chức này kỳ vọng, “quý III này sẽ là thời điểm bắt đầu chu kỳ thắt chặt của NHNN, có thể là 50 điểm, trước khi tăng lãi suất ba lần mỗi lần 25 điểm cơ bản trong năm 2023”.
Trong báo cáo Điểm lại vừa được công bố mới đây, WB cũng nhận định, hiện lạm phát cơ bản vẫn được kiểm soát và nền kinh tế vẫn nằm dưới mức tiềm năng, nên chính sách tiền tệ nới lỏng dường như vẫn phù hợp ở thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, nếu rủi ro lạm phát gia tăng trở thành hiện thực - khi lạm phát cơ bản tăng tốc và lạm phát toàn phần vượt chỉ tiêu 4% - NHNN cần sẵn sàng chuyển sang thắt chặt tiền tệ để kìm áp lực lạm phát bằng cách tăng lãi suất và thắt lại cung tiền.
Lãi suất tiết kiệm tăng nhẹ |
Trên thực tế, mặt bằng lãi suất huy động đã tăng nhẹ trong thời gian qua. Chẳng hạn MB vừa tăng lãi suất huy động kỳ hạn 24 tháng thêm 0,95 điểm phần trăm lên mức 6,7%/năm; kỳ hạn 12 tháng tăng 0,53 điểm phần trăm lên 6,1%/năm; lãi suất huy động cũng có điều chỉnh nhẹ từ 0,2-0,43 điểm phần trăm ở một số kỳ hạn từ 6 tháng trở xuống. Sacombank cũng tăng lãi suất các kỳ hạn 12, 24 tháng thêm 0,2 điểm phần trăm lên mức 6%/năm và 6,4%/năm. BacA Bank tăng lãi suất kỳ hạn từ 12 tháng trở lên thêm 0,1 điểm phần trăm, đưa lãi suất trung dài hạn bình quân ở mức 6,9-7%/năm…
Lãnh đạo một số NHTM tại TP.HCM cho biết, lãi suất huy động tăng ở một số kỳ hạn, đặc biệt là các kỳ hạn dài do hai yếu tố: Thứ nhất, ngân hàng tăng lãi suất huy động nhằm chuẩn bị vốn cho mùa kinh doanh cuối năm; Thứ hai các ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất ở các kỳ hạn dài nhằm cơ cấu lại kỳ hạn để đáp ứng các yêu cầu từ ngày 1/10/2022, tỷ lệ sử dụng nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn giảm xuống mức 34% so với mức 37% theo quy định hiện hành.
Tuy nhiên quan sát trên thị trường lãi suất tiền gửi nhận thấy, hầu hết các ngân hàng có lãi suất tiền cao trên 7%/năm hiện nay đều kèm điều kiện người gửi tiền phải gửi trên 12 tháng với số lượng khá lớn; hoặc một số ngân hàng duy trì mức lãi suất cao ở một số kỳ hạn để làm tham chiếu cho lãi suất cho vay đối với một số sản phẩm tín dụng cụ thể. Lãnh đạo một ngân hàng ở TP.HCM cho biết những mức lãi suất cao chủ yếu áp dụng cho sản phẩm chứng chỉ tiền gửi. Sản phẩm này do kỳ hạn dài, không linh hoạt nên không thu hút được số đông người gửi tiền, mà chủ yếu nhắm đến nhóm khách hàng cụ thể.
Theo kết quả cuộc điều tra xu hướng kinh doanh của các TCTD của Vụ Dự báo Thống kê (NHNN), mặt bằng lãi suất cho vay – huy động tăng nhẹ trong quý III và năm 2022 trong bối cảnh áp lực lạm phát gia tăng và xu hướng tăng lãi suất phổ biến trên thế giới.
Tuy nhiên điều đáng mừng là thanh khoản của hệ thống ngân hàng trong quý II/2022 tiếp tục duy trì ở trạng thái “tốt” và được các TCTD đánh giá cải thiện so với thời điểm cuối quý I/2022 đối với cả VND và ngoại tệ. Trên cơ sở đó, các TCTD dự kiến tình hình thanh khoản trong quý III/2022 “cải thiện” ở mức độ cao hơn quý II/2022. Dự báo cả năm 2022, tình hình thanh khoản được kỳ vọng tiếp tục “cải thiện” so với năm 2021 đối với cả VND và ngoại tệ. Thanh khoản cải thiện là cơ sở để các nhà băng không tăng mạnh lãi suất dù chịu nhiều sức ép.
Bên cạnh đó theo TS. Cấn Văn Lực – Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, mặc dù lãi suất huy động những tháng cuối năm tiếp tục xu hướng tăng ở một số ngân hàng, nhưng ngành Ngân hàng vẫn đang phải hỗ trợ nền kinh tế phục hồi nên lãi suất huy động, đặc biệt là lãi suất cho vay sẽ tăng không nhiều.
Ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM cho biết, diễn biến lãi suất huy động các tháng cuối năm, đặt trong bối cảnh hiện nay (lạm phát cơ bản được kiểm soát, cùng sự điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ của NHNN Việt Nam và kiên định định hướng tăng trưởng tín dụng cả năm là 14%…) sẽ vẫn tương đối ổn định; mặc dù các tháng cuối năm nhu cầu vốn thường có xu hướng tăng cao. Bên cạnh đó, ông Nguyễn Đức Lệnh đánh giá, hoạt động của các NHTM tiếp tục ổn định và hiệu quả, nợ xấu được kiểm soát…. Tất cả các điều đó cho thấy ít có yếu tố bất thường tác động đến mặt bằng lãi suất nói chung và lãi suất tiền gửi nói riêng. Sự điều chỉnh lãi suất tiền gửi loại kỳ hạn dài tại một số TCTD cũng không làm biến động nhiều mặt bằng lãi suất chung.