Mô hình làm việc kết hợp - giải pháp tất yếu trong trạng thái bình thường mới
Đã hơn một tháng kể từ khi Việt Nam nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt kéo dài 4 tháng. Các doanh nghiệp đang từng bước đưa nhân viên trở lại nơi làm việc. Trong bối cảnh “sống chung” an toàn với đại dịch COVID-19, doanh nghiệp không chỉ đứng trước cơ hội chuyển đổi mô hình làm việc sao cho phù hợp với thực trạng mà đây còn là cơ sở để phát triển bền vững cho tương lai.
Làm việc trực tuyến đã không còn xa lạ khi nhiều doanh nghiệp đã và đang áp dụng mô hình này ở một mức độ nào đó. Tuy nhiên, COVID-19 đã tạo ra cú huých, đẩy nhanh quá trình áp dụng mô hình hybrid, dẫn tới xu hướng chuyển dịch sang mô hình này trên toàn thế giới.
Ông Aik Sern (Christopher) Lee, Trưởng phòng cao cấp, Tư vấn Chuyển đổi Nguồn nhân lực, Công ty Tư vấn PwC Việt Nam cho biết: “Trước đại dịch, các chế độ làm việc linh hoạt như làm việc từ xa được coi là quyền lợi riêng ở một số tổ chức. Sau khi nới lỏng giãn cách xã hội, một số doanh nghiệp sẽ muốn quay trở lại mô hình hành chính văn phòng truyền thống, nhưng họ đang lãng phí một cơ hội chuyển đổi. Đây chính là thời điểm thích hợp để doanh nghiệp định hình lại môi trường làm việc, xác định lại bộ nguyên tắc ứng xử với nhân viên và khám phá các phương pháp làm việc mới mà có thể mang lại giá trị cho nhân viên và doanh nghiệp của họ.”
Trong khi nhân viên đang dần quen với phong cách làm việc mới, các nhà lãnh đạo lại lo lắng về năng suất lao động và khả năng duy trì sự đổi mới cũng như văn hóa doanh nghiệp khi nhân viên của họ làm việc rải rác ở nhiều địa điểm.
Nguồn: PwC Việt Nam |
Báo cáo mới nhất của PwC Việt Nam ‘Chuyển đổi mô hình làm việc tương lai: Triển khai mô hình làm việc kết hợp (hybrid) theo quy chuẩn mới’ đã đưa ra các chiến lược nhằm áp dụng mô hình hybrid thành công với bốn lĩnh vực trọng tâm.
Nơi làm việc
Nhiều nhân viên Việt Nam phản ứng tích cực về việc quay lại công sở sau thời gian giãn cách. Tuy nhiên, họ cũng mong muốn được làm việc tại nhà vài ngày trong tuần. Mặt khác, nhiều bên sử dụng lao động vẫn coi trọng phương án làm việc tại chỗ. Để đáp ứng các phương pháp làm việc khác nhau, doanh nghiệp cần phải thiết kế lại không gian làm việc. Hạn chế sử dụng các phòng làm việc nhỏ và xây dựng nhiều không gian hỗ trợ quá trình làm việc nhóm, vừa đủ tính đa dạng để đáp ứng các nhu cầu và kỳ vọng khác nhau. Không gian làm việc phù hợp với tương lai là nơi kết hợp một cách chiến lược các yếu tố vật chất và phi vật chất, góp phần kết nối con người, công nghệ và quy trình nhằm cho phép nhân viên làm việc hiệu quả.
Sức khỏe tinh thần của nhân viên
Làm việc từ xa mang lại nhiều thách thức cho doanh nghiệp khi nhân viên vừa phải đảm bảo năng suất lao động, vừa phải đối mặt với cảm giác cô đơn, tách biệt và kiệt sức. Doanh nghiệp cần chủ động giải quyết các vấn đề sức khỏe tinh thần và thể trạng của nhân viên thông qua các hoạt động thực tế như khuyến khích nghỉ ngơi và hồi phục. Doanh nghiệp cũng cần chú trọng giải quyết vấn đề này ở mọi cấp bậc. Yếu tố quan trọng nhất tác động đến sức khỏe tinh thần và thể trạng của nhân viên là các lãnh đạo của doanh nghiệp vốn là những người thiết lập và xây dựng văn hóa công ty, đưa ra chính sách và khuyến khích nhân viên kết nối.
Phương pháp thực hiện
Để có thể nắm bắt được cơ hội mà mô hình hybrid mang lại, doanh nghiệp cần có nhận thức rõ ràng về quyền và nghĩa vụ của nhân viên trong các lĩnh vực như sức khỏe và an toàn tại nơi làm việc, lương thưởng và quản lý hiệu suất. Việc triển khai các thay đổi trong thế giới mới sẽ đòi hỏi doanh nghiệp thực hiện thí điểm và thử nghiệm trong khi thu thập dữ liệu nhằm đánh giá tính hiệu quả của các hoạt động trên.
Trải nghiệm nơi làm việc
Phương pháp quản lý truyền thống đang ngày càng trở nên lỗi thời. Việc áp dụng một mô hình quản lý ưu tiên sự kết nối và trao quyền cho các nhóm thay vì kiểm soát và đưa ra quyết định tập trung là rất quan trọng đối với sự thành công của tổ chức. Cân bằng giữa nhu cầu của người lao động và khả năng đáp ứng của người sử dụng lao động là một vấn đề tế nhị. Để tạo ra những trải nghiệm hấp dẫn cho lực lượng lao động bất kể nơi họ đang làm việc, doanh nghiệp nên khuyến khích nhân viên cùng thiết kế ra giải pháp.
“Việt Nam đã thử nghiệm ‘làm việc tại nhà’ trên toàn quốc trong suốt 4 tháng cách ly toàn xã hội. Thế giới việc làm đã thay đổi vĩnh viễn. Hướng tới giai đoạn phục hồi tiếp theo, các nhà lãnh đạo đang dần chuyển mối quan tâm từ ‘nên hay không cho phép làm việc từ xa’ thành ‘nên triển khai mô hình này như thế nào’. Cụ thể, doanh nghiệp cần chú trọng triển khai các phương pháp nâng cao hiệu suất, đo lường hiệu quả công việc và quản lý nhân viên,” Ông Christopher chia sẻ thêm.