Năm 2020, phấn đầu tăng trưởng GDP đạt 6,8%
Phó Thủ tướng cho biết, tinh thần chỉ đạo ngắn gọn, cô đọng, có trọng tâm, trọng điểm, tạo điểm nhấn cho công tác chỉ đạo, điều hành cả năm đã tiếp tục được thể hiện xuyên suốt trong xây dựng Nghị quyết 01 năm 2020. Trong đó, một số chỉ tiêu chủ yếu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 được đặt ra; trong đó đáng chú ý là tăng trưởng GDP đạt 6,8% (tương đương năm 2017 nhưng thấp hơn năm 2018 và 2019); tốc độ tăng CPI tiếp tục phấn đấu dưới 4%...
Một số chỉ tiêu chủ yếu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 - Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) kế hoạch năm 2020 Quốc hội giao 6,8%, mục tiêu phấn đấu năm 2020 của Chính phủ 6,8%; - Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân Quốc hội giao và Chính phủ phấn đấu thực hiện dưới 4%; - Tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu Quốc hội giao khoảng 7%, Chính phủ phấn đấu thực hiện ở mức khoảng 8%; - Tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu Quốc hội giao dưới 3%, Chính phủ phấn đấu thực hiện dưới 2%; - Tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội so GDP Kế hoạch năm 2020 Quốc hội giao và mục tiêu phấn đấu năm 2020 của Chính phủ là 33-34%. |
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh, năm 2020 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, năm cuối của nhiệm kỳ, của kế hoạch 5 năm 2016-2020, chuẩn bị, tạo đà cho kế hoạch 5 năm 2021-2025, Chiến lược 10 năm 2021-2030. Đây cũng là năm tổ chức nhiều sự kiện, kỷ niệm những ngày lễ lớn, 90 năm thành lập Đảng, 75 năm thành lập Nước, 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, 90 năm ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tổ chức đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp và Quốc hội khóa XV.
Tuy nhiên cũng trong năm nay, tình hình khu vực, thế giới dự báo tiếp tục có những biến động khó lường; tăng trưởng kinh tế, thương mại, đầu tư quốc tế tiếp tục xu hướng giảm; cạnh tranh chiến lược, căng thẳng địa chính trị, xung đột thương mại giữa một số quốc gia, nền kinh tế lớn diễn biến phức tạp và chủ nghĩa bảo hộ gia tăng.
Ở trong nước, kế thừa thành tựu của hơn 30 năm đổi mới, thế và lực của ta ngày càng lớn mạnh, tình hình chính trị, xã hội ổn định, niềm tin của nhân dân được củng cố; tuy nhiên nền kinh tế vẫn còn những hạn chế, bất cập và tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức. Độ mở của nền kinh tế lớn trong khi năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh chưa cao. Tình hình Biển Đông tiếp tục phức tạp, căng thẳng, khó lường. Biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh ngày càng ảnh hưởng lớn đến sản xuất kinh doanh và đời sống. Tinh thần trách nhiệm, ý thức nêu gương của một bộ phận cán bộ công chức còn hạn chế; còn tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm. Tinh thần khẩn trương, quyết liệt, trách nhiệm, hành động từ Chính phủ đến các cấp, các ngành, các địa phương cần phải được phát huy mạnh mẽ, lan tỏa rộng khắp cả nước.
Vì vậy, Nghị quyết 01 đã đặt ra 10 nhóm nhiệm vụ giải pháp chủ yếu năm 2020, trong đó chỉ rõ nhiệm vụ và các chỉ tiêu cho từng ngành, lĩnh vực. Trong đó có các nhiệm vụ cụ thể được giao cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Đối với nhóm giải pháp Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật theo hướng đồng bộ, hiện đại, hội nhập, bảo đảm tính khả thi, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu đổi mới sáng tạo và phát triển; tổ chức thi hành pháp luật nghiêm minh, Nghị quyết giao tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về lĩnh vực thanh toán, đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, đặc biệt là thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công.
Đối với nhóm giải pháp Củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, tạo nền tảng cho phát triển nhanh và bền vững, Nghị quyết 01 chỉ rõ cần điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp đồng bộ, hiệu quả với chính sách tài khóa và các chính sách khác để duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, hỗ trợ cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Điều hành lãi suất, tỷ giá linh hoạt, phù hợp với cân đối vĩ mô, diễn biến thị trường và yêu cầu quản lý; tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước khi điều kiện thị trường thuận lợi.
Bảo đảm tăng trưởng tín dụng hợp lý gắn với nâng cao chất lượng tín dụng, tập trung các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, đáp ứng nhu cầu hợp pháp của người dân, góp phần ngăn chặn tín dụng đen. Phê duyệt và triển khai Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Đối với nhóm giải pháp Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh một cách thực chất, hiệu quả hơn, Nghị quyết 01 nêu rõ cần thực hiện hiệu quả Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng, Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, Đề án cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu đến năm 2020. Quyết liệt xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, hoàn thiện và phê duyệt phương án xử lý ngân hàng mua bắt buộc. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, đặc biệt là các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao.
Bên cạnh đó, ban hành khuôn khổ thể chế quản lý thử nghiệm (sandbox) đối với hoạt động công nghệ tài chính (fintech) trong hoạt động ngân hàng, thanh toán không dùng tiền mặt. Phấn đấu đến cuối năm 2020 các ngân hàng thương mại cơ bản có mức vốn tự có theo chuẩn mực của Basel II; kịp thời tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng thương mại Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam.