Năm 2020 ưu tiên cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng
Ảnh minh họa |
Đảm bảo an toàn Tết Canh Tý
Nghị quyết nêu rõ, năm 2020 là năm cuối của nhiệm kỳ và kế hoạch 5 năm 2016 – 2020, năm có nhiều sự kiện trọng đại và kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, năm tiến hành đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Chính phủ yêu cầu từng Thành viên Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố, trực thuộc Trung ương tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước tại Hội nghị; khẩn trương triển khai nghiêm túc, kịp thời, quyết liệt các Nghị quyết của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2020; về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020 bằng chương trình, kế hoạch, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, phù hợp điều kiện thực tế.
Các bộ, cơ quan ngang bộ chủ động xử lý kiến nghị của địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao; trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Giao Văn phòng Chính phủ tổng hợp, theo dõi, đôn đốc các bộ, cơ quan ngang bộ trong việc xử lý kiến nghị của các địa phương.
Cũng theo Nghị quyết, các bộ, cơ quan trung ương, địa phương tập trung triển khai nghiêm túc Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 10/12/2019 của Ban Bí thư Trung ương Đảng; Chỉ thị số 33/CT-TTg ngày 19/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường biện pháp đảm bảo đón Tết Nguyên đán Canh Tý vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm; Công điện số 1658/CĐ-TTg ngày 9/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý và Lễ hội Xuân 2020.
Đưa đất nước lên nấc thang phát triển mới
Về kết quả thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, để tạo chuyển biến rõ nét hơn mô hình tăng trưởng, đưa đất nước lên nấc thang phát triển mới, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục xác định nhiệm vụ cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng là trọng tâm ưu tiên hàng đầu trong công tác điều hành năm 2020. Từng bộ, ngành, địa phương chủ động ban hành các giải pháp, đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 – 2020, hoàn thành các mục tiêu đề ra; trong đó tập trung thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhóm nhiệm vụ quan tọng về: hoàn thiện thể chế kinh tế; phát triển thị trưởng và các yếu tố sản xuất; cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước; cơ cấu lại đầu tư công; cơ cấu lại các tổ chức tín dụng; cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực; phát triển kinh tế vùng, kinh tế biển; đổi mới phương thức quản lý, nâng cao hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước. Đối với các mục tiêu không có khả năng hoàn thành, chủ động báo cáo, xác định nguyên nhân, đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giải pháp xử lý kịp thời.
Đối với lĩnh vực cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, Nghị quyết yêu cầu các bộ, ngành xây dựng Kế hoạch cắt giảm các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp giai đoạn 2020 – 2025, bảo đảm nguyên tắc khi ban hành một văn bản mới phải bãi bỏ ít nhất một văn bản cũ và phải giảm chi phí tuân thủ cho người dân và doanh nghiệp. Cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành theo hướng điện tử hóa, hướng tới hải quan điện tử, phù hợp chuẩn mực quốc tế; tập trung đầu mối kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu là cơ quan hải quan; bộ quản lý chuyên ngành thực hiện hậu kiểm.
Phát huy vai trò của Tổ công tác, Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ trong việc đối thoại, nghiên cứu, đề xuất giải pháp tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính. Duy trì đổi thoại giữa cơ quan nhà nước với cộng đồng doanh nghiệp, kịp thời tháo gỡ vướng mắc khó khăn và cải thiện môi trường kinh doanh.
Đồng hành cùng doanh nghiệp
Về tình hình thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 và Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 6/6/2019, với tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện hiệu quả Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, tập trung triển khai các chính sách hỗ trợ về thuế, vốn, công nghệ…, thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo, nhất là các ngành có lợi thế và tiềm năng gắn với chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu; khuyến khích hộ kinh doanh đăng ký thành doanh nghiệp. Triển khai Kế hoạch phát triển bền vững doanh nghiệp khu vực tư nhân đến năm 2025, tầm nhìn 2030 bằng chương trình, kế hoạch cụ thể.
Các tổ chức, hiệp hội doanh nghiệp phối hợp tích cực với các cơ quan quản lý nhà nước để khuyến nghị chính sách khuyến khích phát triển doanh nghiệp. Xây dựng các chương trình, giải pháp cụ thể, khả thi để tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động, thực hiện tốt vai trò hỗ trợ các doanh nghiệp hội viên, là cầu nối hiệu quả giữa doanh nghiệp và Chính phủ.
Các doanh nghiệp chủ động đổi mới tư duy sản xuất, kinh doanh; chú trọng đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, tăng cường liên kết, hợp tác, nâng cao năng lực quản trị trong bối cảnh hội nhập, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
Bên cạnh đó, Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan xây dựng dự thảo Chỉ thị về việc tiếp tục thực hiện các giải pháp theo Nghị quyết số 139/NQ-CP ngày 9/11/2018, phấn đấu đạt được các mục tiêu đề ra vào năm 2020 và đề xuất việc tổ chức Hội nghị toàn quốc về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp theo các Nghị quyết số 02/NQ-CP và Nghị quyết số 139/NQ-CP của Chính phủ, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý I/2020.
Chính phủ giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các bộ, cơ quan liên quan tiếp thu ý kiến Thành viên Chính phủ, chỉnh lý, hoàn thiện dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật xử lý vi phạm hành chính. Bộ trưởng Bộ Tư pháp thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ ký tờ trình và báo cáo Quốc hội về dự án Luật này.