Nam Định "vươn mình" phát triển kinh tế - xã hội
Trong năm 2023, Nam Định đạt mức tăng trưởng GRDP 10,19%, mức cao nhất từ trước đến nay. |
Nam Định là một tỉnh thuộc khu vực Đồng bằng sông Hồng. Tỉnh có diện tích đất tự nhiên 1.668 km2, tiếp giáp với tỉnh Thái Bình, Ninh Bình, Hà Nam và giáp biển (vịnh Bắc Bộ). Tỉnh này cũng nằm trong vùng ảnh hưởng của Tam giác tăng trưởng Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh và Vành đai kinh tế vịnh Bắc Bộ.
Trong năm 2023, tỉnh đạt mức tăng trưởng GRDP 10,19%, cao nhất từ trước đến nay. Tỉnh đứng thứ 3 vùng Đồng bằng sông Hồng và đứng thứ 6 cả nước về tăng trưởng. GRDP bình quân đầu người đạt 54,9 triệu đồng/người, tăng 12,0%. Nam Định cũng là điểm sáng của cả nước trong xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt, giáo dục và đào tạo của tỉnh liên tục ở top dẫn đầu toàn quốc về chất lượng trong gần 3 thập kỷ qua.
Để có được kết quả trên, hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được tỉnh Nam Định quan tâm đầu tư đồng bộ, hiện đại, nhất là hạ tầng giao thông, môi trường đầu tư ngày càng được cải thiện...
Tính riêng trong 2 tháng đầu năm, nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh Nam Định đạt được thành tựu tích cực. Theo đó, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 11,23%; tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tăng 15,6%; tổng giá trị hàng xuất khẩu tăng 28,2%; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tăng 35% so với cùng kỳ...
Toàn tỉnh có 197/204 xã, thị trấn đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (đạt 96,6%) và 32/188 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu (đạt 17%).
Đặc biệt, theo Quy hoạch tỉnh Nam Định thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đến năm 2030, Nam Định được quy hoạch là tỉnh phát triển khá của cả nước, một trung tâm phát triển quan trọng của vùng Nam Đồng bằng sông Hồng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2021 - 2030 khoảng 9,5%/năm.
Không gian kinh tế - xã hội của tỉnh được tổ chức phát triển theo mô hình "3 vùng động lực, 4 cực tăng trưởng và 5 hành lang kinh tế" với định hướng phát triển kinh tế đa ngành, đa lĩnh vực, trọng tâm là phát triển công nghiệp, dịch vụ, kinh tế biển, ven biển…
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, đến năm 2030, tỉ trọng ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản chiếm khoảng 12%; công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 50%; dịch vụ chiếm khoảng 38%.
GRDP bình quân đầu người đến năm 2030 đạt khoảng 160-180 triệu đồng. Kim ngạch xuất khẩu năm 2030 đạt trên 7 tỷ USD. Thu ngân sách từ kinh tế trên địa bàn năm 2030 đạt trên 18.000 tỷ đồng.
Tầm nhìn đến năm 2050, Nam Định trở thành trung tâm kinh tế hiện đại, động lực phát triển quan trọng của vùng Đồng bằng sông Hồng, có hệ thống kết cấu hạ tầng phát triển đồng bộ, hiện đại, kết nối giao thương hàng hóa, dịch vụ và văn hóa của vùng.
Để thực hiện được tầm nhìn và khát vọng trên, tại Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Nam Định thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Xúc tiến đầu tư tỉnh Nam Định năm 2024, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà yêu cầu Nam Định cần tập trung vào 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp quan trọng.
Đầu tiên, với nguồn nhân lực chất lượng cao và tiềm năng lớn về năng lượng sạch, Nam Định cần lựa chọn các ngành, lĩnh vực kinh tế xanh, kinh tế tri thức có giá trị gia tăng cao. Điều đó phải được cụ thể hoá bằng các bộ tiêu chí xanh về hạ tầng, công nghệ, suất vốn đầu tư và mức độ sẵn sàng trong chuyển đổi xanh, chuyển đổi số. Song song với đó, tỉnh cần chú trọng tạo các nguồn lực từ chính quy hoạch thông qua đầu tư phát triển hệ sinh thái kinh tế đô thị - công nghiệp - dịch vụ để phát triển hạ tầng.
Tiếp đến, tỉnh cần chú trọng quy hoạch và xây dựng kế hoạch phù hợp để phát triển hệ thống đô thị xanh, đô thị thông minh, cần tổ chức không gian lãnh thổ hợp lý, hài hòa giữa đô thị và nông thôn. Đây là xu thế tất yếu trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Ba là, Nam Định cần phát triển các sản phẩm du lịch đặc sắc, mới thông qua du lịch nghỉ dưỡng, văn hóa với tổ chức sự kiện văn hóa, khoa học, lịch sử, ẩm thực.
Ngoài ra, Nam Định cũng cần chuyển đổi sản xuất nông nghiệp theo hướng phát triển kinh tế nông nghiệp quy mô lớn; chú trọng quản lý tổng hợp, thống nhất các nguồn tài nguyên và bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, các hệ sinh thái biển tự nhiên; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng;... khai thác có hiệu quả và bền vững tài nguyên biển; đặc biệt cần quan tâm, bảo vệ tốt Vườn Quốc gia Xuân Thủy - vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển thế giới khu vực Đồng bằng Sông Hồng, gắn với phát triển du lịch sinh thái.
Cuối cùng là tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục - đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh; cần có chính sách thu hút lao động trẻ được đào tạo trở lại làm việc tại Nam Định.