Nâng cao hiệu quả xử lý tài sản bảo đảm của tổ chức tín dụng qua thi hành án
Xử lý tài sản bảo đảm qua thi hành án ngày càng tăng
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Thống đốc NHNN Việt Nam Phạm Tiến Dũng ghi nhận, trong những năm qua, hoạt động thi hành án dân sự (THADS) nói chung, thi hành án kinh doanh thương mại nói riêng đã có những chuyển biến tích cực, góp phần quan trọng bảo đảm an ninh, an toàn xã hội, thúc đẩy sự phát triển kinh tế của đất nước.
Đối với hoạt động ngân hàng, công tác THADS đối với các bản án, quyết định của Tòa án về tranh chấp tín dụng, ngân hàng có vai trò, ý nghĩa hết sức quan trọng, là khâu quyết định hiệu lực trên thực tế của các bản án, quyết định của Tòa án, góp phần thực thi kỷ luật Hợp đồng, khơi thông dòng vốn tín dụng ngân hàng, luân chuyển đến địa chỉ sử dụng hiệu quả hơn, giúp các TCTD đẩy nhanh việc xử lý nợ xấu theo chỉ đạo của Đảng và Nhà nước.
Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng phát biểu tại Hội thảo |
Thời gian qua, công tác này đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ của lãnh đạo Bộ Tư pháp, lãnh đạo Tổng cục THADS. Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp đã phối hợp chặt chẽ với NHNN triển khai Quy chế số 01/QCPH/NHNNVN-BTP ngày 18/3/2015 về việc phối hợp trong công tác THADS liên quan đến hoạt động tín dụng ngân hàng như hàng năm tổ chức các Hội nghị rà soát công tác thi hành án; tại một số địa phương, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh và Cơ quan thi hành án đã ký kết quy chế phối hợp, tổ chức họp liên ngành để lắng nghe các vướng mắc…
Tổng Cục THADS đã ban hành kế hoạch công tác của Tổ xử lý nợ xấu; đồng thời thường xuyên có văn bản chỉ đạo Cơ quan THADS địa phương đẩy nhanh tiến độ. Qua đó, đã giúp nhiều vụ việc THADS về tín dụng ngân hàng có giá trị lớn, tồn đọng nhiều năm được xử lý kịp thời, dứt điểm, góp phần hỗ trợ các TCTD từng bước được xử lý, đưa tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống trở về mức an toàn.
Ông Đặng Văn Huy, Vụ trưởng Vụ Nghiệp vụ 1, Tổng cục THADS, Bộ Tư pháp cho biết, theo số liệu thống kê năm 2022, các cơ quan THADS đang tiến hành tổ chức thi hành án cho 76 TCTD, công ty tài chính và công ty cho thuê tài chính. Kết quả thi hành án tín dụng ngân hàng năm 2022 cụ thể như sau: số phải thi hành là 37.058 việc, tương ứng với số tiền là trên 137.311 tỷ đồng (chiếm 4,31% về việc và 41,14% về tiền so với tổng số việc và tiền phải thi hành của toàn hệ thống).
Trong đó, số có điều kiện là 22.473 việc (chiếm 60,64%), tương ứng hơn 74.250 tỷ đồng (chiếm 54,07%). Đã thi hành xong số việc là 6.215 việc (đạt 27,66% trên số có điều kiện), tăng 1.712 việc so với cùng kỳ năm 20218, số tiền thu được trên 22.544 tỷ đồng (đạt 29,41% trên số có điều kiện), tăng gần 4.300 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2021. Tỷ lệ thi hành xong năm 2022 so với cùng kỳ năm 2021 tăng 7,39% về việc, tăng 4,1% về tiền. Số việc chuyển kỳ sau là 30.843 việc tương ứng với số tiền là xấp xỉ 114.767 tỷ đồng (bao gồm cả số việc chưa có điều kiện thi hành án).
Tại VietinBank, tính đến thời điểm hiện nay, số vụ việc trong hệ thống đang được các cơ quan THADS địa phương thụ lý tổ chức thi hành còn tồn đọng nhiều trên 1.300 vụ việc, với tổng số tiền phải thu là trên 5.400 tỷ đồng. Trong đó, số vụ việc có điều kiện thi hành là 855 vụ; chiếm tỷ lệ 65%...
Còn nhiều vướng mắc khi xử lý tài sản bảo đảm qua thi hành án
Đánh giá việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 và Quy chế phối hợp giữa Bộ Tư pháp và NHNN mặc dù đã thu được những kết quả tích cực, tuy nhiên theo Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng, việc tổ chức thi hành án tín dụng ngân hàng trên thực tế còn tồn tại, bất cập, chưa đảm bảo quyền của chủ nợ có bảo đảm, gây rủi ro cho bên nhận bảo đảm; lượng án tín dụng ngân hàng tồn đọng khối lượng lớn, trong khi khối lượng án phát sinh thêm hàng năm vẫn tiếp tục tăng, dẫn đến quá tải trong thi hành các bản án tín dụng ngân hàng tại các cơ quan thi hành án.
Nguyên nhân chủ yếu của những bất cập hiện nay do quy định pháp luật thi hành án và pháp luật liên quan chưa đồng bộ, thống nhất, thiếu cụ thể, rõ ràng và do việc hiểu, áp dụng pháp luật của cơ quan thi hành án, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, và cả từ phía bản thân các TCTD.
Toàn cảnh Hội thảo |
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Quang Thái – Tổng cục trưởng Tổng cục THADS cũng thừa nhận thực tế việc xử lý TSBĐ của các TCTD thông qua THADS về cơ bản rất phức tạp do các vụ việc phải đưa ra tòa xét xử, thi hành án là những vụ việc mà các bên không thể tự giải quyết, nhiều vụ việc nguồn gốc tài sản phức tạp, không đầy đủ rõ ràng; nhiều vụ việc có sự tranh chấp quyết liệt, gay gắt giữa các bên.
Bên cạnh kết quả đạt được thì công tác xử lý TSBĐ, thu hồi tiền tài sản cho các TCTD, ngân hàng còn hạn chế. Nhiều việc chưa giải quyết dứt điểm. Số vụ việc phải tiến hành cưỡng chế vẫn còn nhiều. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên như một số quy định của pháp luật còn chưa hoàn thiện dẫn đến khó khăn trong xử lý tài sản; hiệu quả công tác phối hợp của một số cơ quan hữu quan có nơi, có lúc còn chưa cao, nhất là trong việc xác minh, đo vẽ, xác định ranh giới, hiện trạng để xử lý quyền sử dụng đất, khấu trừ tiền trong tài khoản...
Báo cáo cụ thể về vướng mắc xử lý TSBĐ, ông Nguyễn Thành Long – Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế Ngân hàng VNBA cho biết, theo quy định tại Điểm đ Khoản 2 Điều 31 Luật THADS, đơn yêu cầu phải có nội dung thông tin về tài sản hoặc điều kiện thi hành án của người phải thi hành án. Quy định này bắt buộc người yêu cầu thi hành án phải có thông tin về tài sản hoặc điều kiện thi hành án của người phải thi hành án. Trên thực tế, những người được thi hành án khó có thể tự bản thân họ xác minh được điều kiện của người phải thi hành án. Do bản thân họ không có chuyên môn nghiệp vụ để thu thập xác minh tài sản của người phải thi hành án, đây là một trong những khó khăn trong thực tiễn, cơ quan chức năng cần xem xét, có biện pháp tháo gỡ phù hợp.
Cũng liên quan đến điều kiện thi hành án, theo quy định tại Điều 44 Luật THADS (được sửa đổi, bổ sung) thì việc quy định trường hợp người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành án thì Chấp hành viên phải xác minh từ 6 tháng một lần hoặc ít nhất 1 năm một lần. Thời gian quy định như vậy là quá lâu, việc chậm xác minh điều kiện thi hành án dẫn đến bên phải thi hành án kịp thời tẩu tán tài sản, gây thiệt hại cho người được thi hành án. Do vậy, ông Long đề nghị xem xét rút ngắn thời gian tiến hành xác minh điều kiện thi hành án đối với trường hợp chưa có điều kiện thi hành án tránh việc bên phải thi hành án kịp thời tẩu tán tài sản trong thời gian này, gây kéo dài thời gian thi hành án.
Trao đổi thêm về khó khăn, đại diện BIDV cho biết, về thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý TSBĐ, tại Điều 12 Nghị quyết 42 quy định: “Số tiền thu được từ xử lý TSBĐ của khoản nợ xấu, sau khi trừ chi phí bảo quản, thu giữ và chi phí xử lý TSBĐ được ưu tiên thanh toán cho nghĩa vụ nợ được bảo đảm cho tổ chức tín dụng… trước khi thực hiện nghĩa vụ thuế, nghĩa vụ khác không có bảo đảm của bên bảo đảm”.
Như vậy, Nghị quyết 42 đã thể hiện rất rõ tinh thần ưu tiên cho công tác xử lý nợ xấu trong việc xử lý TSBĐ. Tuy nhiên, trên thực tế thì Cơ quan thi hành án vẫn ưu tiên thu tiền án phí của người phải thi hành án trước khi thanh toán tiền thi hành án cho ngân hàng; cơ quan thuế không chuyển thông báo nộp thuế cho Văn phòng Đăng ký đất đai nếu chưa nộp đủ các loại thuế (thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp, nợ thuế khác của người phải thi hành án…). Do đó, không thực hiện được thủ tục sang tên cho người mua tài sản thi hành án.
Trước những bất cập này, đại diện BIDV kiến nghị, Tổng cục THADS có văn bản hướng dẫn, chỉ đạo các Cơ quan THADS tại địa phương không thực hiện việc thu án phí của người phải thi hành án từ số tiền xử lý tài sản khi TCTD chưa thu hồi đủ khoản nợ xấu. Đồng thời đề nghị NHNN Việt Nam phối hợp với Bộ Tư pháp kiến nghị Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường có văn bản chỉ đạo thực hiện đúng quy định của Nghị quyết 42 trong phạm vi ngành, lĩnh vực quản lý theo đúng quy định của Chỉ thị số 32/CT-TTg ngày 19/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai thực hiện Nghị quyết 42...
Để công tác xử lý TSBĐ, thu hồi nợ xấu của ngành ngân hàng đạt hiệu quả cao hơn, nhất là công tác xử lý TSBĐ thông qua thi hành án, ngoài việc hoàn thiện thể chế, Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng cho rằng, rất cần sự phối hợp đồng bộ của các bộ ngành và các cơ quan liên quan.