Nâng cao năng lực tài chính, kiểm soát chặt rủi ro
Theo đó, các TCTD phải thường xuyên rà soát đánh giá tình hình hoạt động, tình hình tài chính, khả năng trả nợ của khách hàng. Đặc biệt, các khách hàng có dư nợ tín dụng lĩnh vực bất động sản lớn, khách hàng cá nhân có dư nợ cho vay phục vụ đời sống tiêu dùng lớn, khách hàng chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19... Từ đó, có biện pháp xử lý phù hợp, nhằm hạn chế tối đa rủi ro phát sinh.
Bên cạnh đó các TCTD phải kiểm soát chặt chẽ hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt đầu tư trái phiếu doanh nghiệp với mục đích liên quan đến xây dựng, kinh doanh bất động sản hoặc tăng quy mô vốn của tổ chức phát hành hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, kinh doanh bất động sản. Kiểm soát chặt chẽ tốc độ tăng dư nợ tín dụng, chất lượng tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro hoặc chịu tác động lớn của dịch Covid-19, nhất là dư nợ lĩnh vực bất động sản với mục đích tự sử dụng…
Ảnh minh họa |
NHNN cũng khuyến khích các TCTD trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ 100% số tiền dự phòng cụ thể phải trích bổ sung đối với các khoản nợ được cơ cấu lại và giữ nguyên nhóm nợ theo quy định tại Thông tư 01/2020/TT-NHNN và các văn bản sửa đổi, bổ sung trong năm 2021. Trong thời gian tới, khuyến khích các TCTD trả cổ tức bằng cổ phiếu, hạn chế không thực hiện chia cổ tức bằng tiền mặt để tăng vốn điều lệ, qua đó nâng cao năng lực tài chính và khả năng chống đỡ trước ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19. Rà soát, thực hiện dự thu lãi, thoái các khoản lãi dự thu theo đúng quy định của pháp luật và các văn bản chỉ đạo của NHNN...
Theo đánh giá của giới chuyên gia, yêu cầu này của NHNN là vô cùng cần thiết trong bối cảnh rủi ro nợ xấu đang có xu hướng giá tăng do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Kết quả cuộc điều tra xu hướng kinh doanh quý IV của các TCTD do Vụ Dự báo Thống kê (NHNN) thực hiện mới đây cũng cho thấy, theo nhận định của các TCTD, mặt bằng rủi ro (MBRR) tổng thể của các nhóm khách hàng tiếp tục chiều hướng tăng rõ rệt do ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19 đến mọi mặt của nền kinh tế và hoạt động sản xuất, kinh doanh. Theo đó có 50,5% TCTD nhận định MBRR “tăng” trong quý III/2021, 33,7% TCTD dự báo MBRR “tăng” trong quý IV/2021 và 50,5% TCTD dự báo MBRR “tăng” trong cả năm 2021, cao hơn nhiều so với tỷ lệ các TCTD nhận định MBRR “tăng” ở kỳ điều tra trước (tương ứng 27,2%, 23,3% và 39,8%). Tỷ lệ TCTD nhận định rủi ro tổng thể của khách hàng hiện tại ở mức “cao và khá cao” tiếp tục tăng từ mức 32,1% tại kỳ điều tra trước lên 46,5% ở kỳ điều tra này, ghi nhận mức cao nhất kể từ khi NHNN tiến hành điều tra xu hướng kinh doanh theo quý (quý I/2014).
Do nhận thức rất rõ rủi ro này nên thời gian qua các TCTD cũng rất hạn chế chia cổ tức bằng tiền mặt mà chủ yếu chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn từ nguồn lợi nhuận để lại. Tăng vốn sẽ củng cố bộ đệm để giúp các ngân hàng chống đỡ tốt hơn với các cú sốc; đồng thời nó cũng giúp các TCTD tăng quy mô hoạt động, tăng khả năng cung ứng vốn cho nền kinh tế.
Đơn cử trong tuần đầu tháng 10/2021 sẽ có một số ngân hàng chốt danh sách cổ đông chi trả cổ tức bằng cổ phiếu và chia cổ phiếu thưởng. Đáng chú ý, VPBank (mã chứng khoán - VPB), trong kế hoạch sẽ phát hành cổ phiếu trả cổ tức và cổ phiếu thưởng tổng tỷ lệ xấp xỉ 80%. Theo kế hoạch ngày 7/10, VPBank sẽ phát hành trên 1,97 tỷ cổ phiếu, trong đó hơn 1,5 tỷ cổ phiếu trả cổ tức (tỷ lệ 62,15%) và phát hành 440.800.688 cổ phiếu thưởng do thực hiện tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu (tỷ lệ 17,848%). Giá trị phát hành theo mệnh giá là 19.757 tỷ đồng lấy từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối (15.349 tỷ đồng), quỹ đầu tư phát triển (3.600 tỷ đồng) và quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ (808 tỷ đồng).
Tương tự, Ngân hàng Hàng Hải (mã chứng khoán MSB) cũng có kế hoạch giao dịch không hưởng quyền trong ngày 7/10, chốt danh sách cổ đông phát hành 353,5 triệu cổ phiếu trả cổ tức tỷ lệ 30%%, tức là cổ đông nắm giữ 10 đơn vị MSB sẽ được nhận thêm ba cổ phiếu. Giá trị phát hành theo mệnh giá 3.525 tỷ đồng. Nguồn vốn phát hành lấy từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối có thể sử dụng tính đến 31/12/2020 căn cứ theo báo cáo tài chính kiểm toán hợp nhất năm 2020.
MSB hiện có vốn điều lệ 11.750 tỷ đồng nên sẽ cần phát hành thêm 352,5 triệu cổ phiếu, nâng quy mô vốn lên 15.275 tỷ đồng. Cơ cấu cổ đông bao gồm: nhóm cổ đông liên quan tới Công ty cổ phần May – Diêm Sài Gòn, Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Bất động sản TNR Holdings Việt Nam đang sở hữu gần 101 triệu đơn vị MSB, tương đương 8,59% vốn điều lệ ngân hàng. Trong đợt cổ tức tới, nhóm nhà đầu tư này sẽ được nhận hơn 30 triệu cổ phiếu. Ông Trần Anh Tuấn - Chủ tịch MSB hiện đang nắm giữ gần 2,1 triệu cổ phiếu MSB nên sẽ nhận thêm khoảng 624.000 đơn vị.
(Thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/05/2020 của Chính phủ)