Nâng cao tính hiệu quả và khả thi hơn trong đấu thầu
Tham gia ý kiến tại Hội thảo góp ý về Luật đấu thầu (sửa đổi) do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Cục Quản lý đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Việt Nam và Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) phối hợp tổ chức, các chuyên gia nhìn nhận Bản dự thảo sau chỉnh sửa đã có nhiều thay đổi nhưng vẫn cần bổ sung thêm các quy định làm cơ sở giải quyết những vướng mắc thực tiễn phát sinh trong hoạt động đấu thầu.
Tăng năng lực nhà thầu
Ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam đề xuất, cần hoàn thiện tiêu chí tư cách hợp lệ của nhà thầu. Bởi thực tiễn thời gian qua nhiều các gói thầu mặc dù tổ chức đấu thầu rất đúng quy trình theo luật định, đáp ứng cả 8 tiêu chí về tư cách hợp lệ của nhà thầu theo Luật Đấu thầu 2013 và Nghị định 63/2014/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật, song đến khi triển khai mới xảy ra tình trạng nhà thầu không đủ năng lực thi công thực hiện gói thầu. Vì vậy, Hiệp hội kiến nghị Điểm d khoản 1 Điều 5 Dự thảo Luật Đấu thầu sửa đổi (Dự thảo) bổ sung hoặc thay thế quy định “Có tên trong Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia trước khi phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư” thành: “d. Nhà thầu phải đáp ứng năng lực hoạt động phù hợp với từng lĩnh vực của gói thầu”.
Cần bổ sung thêm các quy định làm cơ sở giải quyết những vướng mắc thực tiễn phát sinh trong hoạt động đấu thầu |
Chỉ ra điểm mới chưa có tiền lệ quy định tại Luật đấu thầu là Điều 36 của Dự thảo về Kế hoạch tổng thể lựa chọn nhà thầu cho dự án, song Hiệp hội cũng đề nghị cần có các quy định cụ thể về phạm vi dự án có quy mô, tính chất như thế nào thì phải lập kế hoạch tổng thể, trường hợp nào thì không phải lập để tránh bị lợi dụng trong việc phân chia gói thầu, hình thức, phương thức lựa chọn nhà thầu.
Hiệp hội chỉ ra, tại Điều 23 Dự thảo mới nhất (ngày 05 tháng 4 năm 2023) dường như đang đi ngược lại với xu hướng phải tăng cường tổ chức đấu thầu để đảm bảo tính cạnh tranh, chống lãng phí tiêu cực khi đưa ra 12 trường hợp chỉ định thầu so với 10 trường hợp ở bản cũ (ngày 13/3/2023) và 6 trường hợp tại Luật Đấu thầu 2013. Hiệp hội đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu hạn chế bớt các trường hợp chỉ định thầu. Với các trường hợp khác có thể nghiên cứu chuyển sang hình thức như đàm phán giá, chào hàng cạnh tranh hay có thể đấu thầu rút gọn để tránh tình trạng chạy chọt, tiêu cực tràn lan như hiện nay.
Giảm rủi ro cho các nhà thầu
Điểm b khoản 1 Điều 64 quy định “Giá dự thầu phải bao gồm tất cả các chi phí cho các yếu tố rủi ro về khối lượng công việc và trượt giá có thể phát sinh trong quá trình thực hiện hợp đồng tương ứng với trách nhiệm của nhà thầu trong việc thực hiện gói thầu”. Theo Hiệp hội, đây là quy định tính toán giá gói thầu để xét thầu, tuy nhiên chưa phải quy định các yếu tố đưa vào giá gói thầu trong hợp đồng để A-B ký kết thực hiện theo nguyên tắc “lời ăn lỗ chịu”. Bởi thực tế xuất hiện nhiều yếu tố rủi ro được xem là bất khả kháng, ví dụ như giá vật liệu tăng đột biến 30-40%, dịch bệnh COVID 19, lũ lụt như thời gian vừa qua … Vì vậy, Hiệp hội kiến nghị những đột biến như trên phải được coi là bất khả kháng và cần phải được điều chỉnh hợp đồng cho nhà thầu.
Hiệp hội cũng đề nghị xây dựng cơ chế bảo lãnh bất bình đẳng với các chủ thể tham gia hợp đồng. Đề nghị này xuất phát từ thực trạng nợ đọng trong xây dựng vẫn đang gây khó khăn, nhức nhối cho nhà thầu. Thực tế có gói thầu nợ đọng tới gần 20%, sau 7 năm công trình đưa vào khai thác sử dụng vẫn chưa được thanh toán. Nhưng theo Luật đấu thầu và Dự thảo sửa đổi không có một chế tài nào với chủ đầu tư phải đảm bảo thanh toán cho nhà thầu. Vì vậy, Hiệp hội kiến nghị: “Khi thực hiện xong 60% - 65% giá trị khối lượng gói thầu thì chủ đầu tư phải cam kết thực hiện bảo lãnh để đảm bảo đủ vốn thanh toán cho gói thầu”. Mức bảo lãnh là số tiền còn phải thanh toán giá trị khối lượng còn lại của gói thầu.
Tổng CTCP Vinaconex cho rằng, quy định về các hành vi bị cấm trong đấu thầu tại Dự thảo, trong đó quy định rất chặt về các hành vi chuyển nhượng thầu, khiến ngay từ bước dự thầu nhà thầu đã phải xác định rõ giá trị tối đa, phạm vi công việc dự kiến sử dụng nhà thầu phụ là quá cứng nhắc, không tạo được sự linh hoạt cho các chủ thể trong quá trình thực hiện. Bởi thực tiễn đối với các dự án đầu tư xây dựng trong ngành GTVT, các gói thầu xây lắp thường có thời gian thi công dài, quá trình thực hiện bị ảnh hưởng bởi rất nhiều yếu tố như điều kiện thời tiết, giá cả thị trường, tình hình hoạt động của các nhà thầu thực hiện gói thầu. Tại thời điểm tham dự thầu, nhà thầu chưa thể dự kiến hết phần công việc sẽ sử dụng nhà thầu phụ, để đưa ra danh sách các nhà thầu phụ; hoặc trong quá trình triển khai thực hiện hợp đồng, chủ đầu tư yêu cầu đẩy nhanh tiến độ, sớm đưa công trình vào khai thác, khi đó có thể cần phải bổ sung nhà thầu phụ ngoài danh sách hoặc bổ sung phần công việc cho nhà thầu phụ ngoài phạm vi công việc, vượt giá trị tối đa công việc dành cho nhà thầu phụ nêu trong hợp đồng.
Do vậy, Vinaconex đề nghị, Dự thảo bổ sung quy định loại trừ đối với trường hợp nhà thầu thay thế, bổ sung nhà thầu phụ ngoài danh sách các nhà thầu phụ đã nêu trong hồ sơ dự thầu; Và được sử dụng nhà thầu phụ vượt mức tối đa giá trị công việc dành cho nhà thầu phụ nêu trong hợp đồng khi có lý do xác đáng, hợp lý và được chủ đầu tư chấp thuận không được coi là hành vi chuyển nhượng thầu. Trong trường hợp vẫn khống chế tỷ lệ giao thầu phụ (hồ sơ mời thầu thường từ 30-50% như hiện nay) thì đề nghị phạm vi giao khoán nhân công, thiết bị, hoặc công việc đặc thù… như trên không tính vào phạm vi giao thầu phụ.