Nếu sớm kiểm soát được dịch bệnh, tăng trưởng sẽ phục hồi từ quý III
Số người nhiễm COVID-19 vẫn tăng lên từng ngày. Cho đến thời điểm này vẫn chưa xác định được đỉnh dịch, càng không rõ lúc nào kiểm soát được dịch bệnh. Sản xuất kinh doanh ngày một khó khăn nhưng tình hình sẽ đi đến đâu, chính sách ban hành cần như thế nào để kinh tế không suy kiệt, giảm thiểu nguy cơ suy thoái?
Trả lời câu hỏi này, PGS.TS.Tô Trung Thành (Đại học Kinh tế Quốc dân ) và GS.TS.Trần Thọ Đạt (nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân) cho biết, để đánh giá được tác động dịch bệnh đến nền kinh tế, các chuyên gia của trường Đại học Kinh tế Quốc dân (NEU) đã sử dụng 3 mô hình định lượng để xây dựng các kịch bản về dịch COVID-19, từ đó đánh giá tác động và đưa ra kịch bản kinh tế dự báo.
Kịch bản xấu: dịch kéo dài đến tháng 6
Dựa trên cơ sở các kịch bản về số ca nhiễm và cách ly tại Việt Nam, nhóm nghiên cứu đã xây dựng một số mô hình định lượng và đưa ra dự báo sơ bộ về đại dịch với 3 các kịch bản từ thấp đến cao (các kịch bản 1, 2 và 3 trong Hình 3) tương ứng với thời gian đại dịch COVID-19 kéo dài đến hết cuối tháng 4; cuối tháng 5 và cuối tháng 6 năm 2020.
Dự báo các kịch bản dịch tại Việt Nam |
Từ kịch bản dịch bệnh và từ khảo sát trực tiếp tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, phân tích số liệu của các bộ ngành, nhóm nghiên cứu của Đại học Kinh tế Quốc dân nhận định tác động của COVID-19 đến khu vực doanh nghiệp đã bắt đầu bộc lộ một cách rõ ràng trong tất cả các ngành và có đến 93,9% các doanh nghiệp được hỏi cho biết hoạt động sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng.
NEU dự báo tăng trưởng GDP quý 2 của Việt Nam khoảng 2,0 % so với cùng kỳ và thậm chí suy thoái nếu xảy ra kịch bản xấu. Dự kiến phục hồi từ quý 3 năm 2020.
VN-Index giảm khoảng 28% phục hồi ngay sau khi dịch được khống chế với mức xấp xỉ 20%. Và xuất khẩu giảm khoảng 25% trong quý 2 và phục hồi về mức giảm 15% trong các quý sau của năm 2020.
NEU cũng dự báo tác động của dịch COVID-19 đến một số lĩnh vực của nền kinh tế với kịch bản thuận lợi nhất là dịch kéo dài đến hết tháng 4/2020 và kịch bản xấu nhất là dịch kéo dài đến hết tháng 6/2020 như sau:
Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ, tránh sự đổ vỡ của doanh nghiệp lớn
PGS.TS Tô Trung Thành cho biết, tính chất của đại dịch COVID-19 lần này cho thấy việc dự báo tác động của nó đến nền kinh tế Việt Nam diễn ra trong thời gian bao lâu là rất khó.
Hơn nữa, mức độ kết nối rất lớn của Việt Nam với chuỗi giá trị toàn cầu và các biện pháp cách ly xã hội do các nước áp dụng dẫn đến việc đại dịch nếu được kiểm soát ở Việt Nam cũng không thể làm cho nền kinh tế phục hồi ngay nếu dịch vẫn tiếp diễn ở các quốc gia khác.
“Điều này đòi hỏi phải xây dựng nhiều kịch bản chính sách kinh tế khác nhau từ ngắn đến dài hạn nhằm ứng phó với tình hình dịch ở cả Việt Nam và ở các quốc gia khác trên thế giới”, PGS.TS.Tô Trung Thành phát biểu.
Đóng góp cho việc xây dựng kịch bản chính sách, nhóm nghiên cứu gợi ý 4 định hướng chính sách. Trước hết là ưu tiên chính sách nên hướng vào việc đảm bảo an ninh lương thực và phòng chống sự lây lan của bệnh dịch.
Thứ hai, các chính sách nhằm vào việc cải thiện khả năng thanh khoản, kéo dài khả năng chống đỡ của doanh nghiệp và đảm bảo an sinh xã hội. Đặc biệt quan tâm đến những khu vực dễ bị tổn thương như người lao động, các DNNVV trong ngắn hạn (đặc biệt tại những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất) nhưng đồng thời cũng cần tránh sự đổ vỡ của các doanh nghiệp lớn, những doanh nghiệp đầu tầu để từ đó lan sang các khu vực khác.
Thức ba, các chính sách kích thích tổng cầu chủ yếu thông qua tăng đầu tư của nhà nước vào cơ sở hạ tầng. Tránh việc lạm dụng chính sách tiền tệ gây ra các bất ổn kinh tế vĩ mô trong dài hạn.
Thứ tư, cần hình thành rõ các gói chính sách hỗ trợ trong ngắn hạn và các gói chính sách giải cứu nền kinh tế trong dài hạn.