Ngân hàng khó tăng trích lập dự phòng
“Cú bồi” từ cơn bão Yagi
Theo số liệu mới nhất, tính đến cuối tháng 6/2024, tỷ lệ nợ xấu của hệ thống các TCTD ở mức 4,56%, cao hơn mức 4,55% tại thời điểm cuối năm 2023. Tổng nợ xấu nội bảng, nợ tại VAMC chưa xử lý và nợ tiềm ẩn của hệ thống các TCTD tính đến cuối tháng 6/2024 chiếm 6,44% tổng dư nợ. Kết quả khảo sát tại 29 NHTM thời điểm cuối quý II/2024, chỉ có 5 ngân hàng cải thiện được tỷ lệ nợ xấu. Ngược lại, 24 ngân hàng ghi nhận mức tăng nợ xấu đáng kể, nhiều ngân hàng có số dư nợ xấu tăng tới 30-50% so với cuối năm trước.
Chia sẻ về vấn đề này, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, nợ xấu ghi nhận tăng như một hệ quả của quá trình từ dịch COVID-19 cho đến hậu dịch và khó khăn chung của nền kinh tế, không phải là quá trình mới phát sinh hay do khả năng kiểm soát chất lượng tín dụng kém của hệ thống ngân hàng. Trên thực tế, dù nợ xấu vẫn trong xu hướng tăng nhưng theo các chuyên gia, hiện chưa được thể hiện hoàn toàn trên báo cáo tài chính của các ngân hàng khi các khoản nợ “có nguy cơ” vẫn đang được cho phép cơ cấu lại nợ theo Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, hiện đang được kéo dài hết năm theo Thông tư số 06/2024/TT-NHNN.
Theo các chuyên gia, nền kinh tế tuy đang trong quá trình phục hồi nhưng tốc độ vẫn chậm. Trong khi đó, “sức khoẻ” của các doanh nghiệp chưa có sự cải thiện đáng kể, mỗi tháng vẫn ghi nhận hàng chục nghìn doanh nghiệp rút khỏi thị trường.
Cơn bão Yagi đã gây ra ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế |
Mặt khác, các chuyên gia cũng bày tỏ lo lắng khi cơn bão Yagi xảy ra đã gây ảnh hưởng và thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế, điều này gián tiếp sẽ khiến nợ xấu trở thành một nỗi lo của các nhà băng khi nhiều khách hàng cá nhân, doanh nghiệp chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão.
Bà Hà Thu Giang - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cho biết, theo thống kê của NHNN chi nhánh các tỉnh, đến ngày 17/9/2024, khoảng 73.000 khách hàng bị ảnh hưởng với dư nợ ước tính khoảng 94.000 tỷ đồng. Thống kê sơ bộ của 4 NHTM (BIDV, VCB, Agribank và VietinBank), có khoảng 13.494 khách hàng bị ảnh hưởng với số dư nợ ước tính 191.457 tỷ đồng. Dự kiến số lượng khách hàng và dư nợ bị ảnh hưởng sẽ còn gia tăng trong những ngày tới do các TCTD và NHNN chi nhánh đang tiếp tục thống kê và cập nhật số liệu.
Nợ xấu tăng tuy nhiên việc xử lý nợ xấu của các TCTD lại đang ghi nhận nhiều khó khăn. Theo Hiệp hội Ngân hàng, các vướng mắc chính liên quan đến quyền thu giữ, kê biên tài sản bảo đảm; thứ tự ưu tiên thanh toán đối với nguồn tiền thu được từ xử lý tài sản bảo đảm; khó khăn trong việc áp dụng quy trình thủ tục rút gọn khi tố tụng tại tòa… Những khó khăn, vướng mắc kể trên đều liên quan đến hàng loạt quy định pháp luật chuyên ngành. Trong đó nhiều vướng mắc chỉ có thể giải quyết được khi sửa đổi bổ sung các luật chuyên ngành lĩnh vực tài chính, tài nguyên môi trường, thi hành án, đấu thầu, đấu giá.
Trích lập dự phòng gặp khó khăn
Do nợ xấu đang có xu hướng tăng, áp lực trích lập dự phòng của các nhà băng theo đó ngày càng lớn. Tuy nhiên, trong số các ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính, hiện chỉ có 6 thành viên có tỷ lệ trích dự phòng bao nợ xấu ở mức trên 100%: Vietcombank là 212%, BIDV: 132%, Agribank: 116%, Vietcombank: 114%, MB: 102%, Techcombank: 101%.
Bên cạnh đó, có 12 nhà băng có tỷ lệ dự phòng từ 50% đến dưới 100%, như: BacABank là 86%; LPBank và SeABank: 77%; ACB: 76%; SHB: 71%; Sacombank và Kienglongbank: 70%; TPBank: 66%; HDBank và MSB: 59%... Đáng chú ý, vẫn có nhiều ngân hàng có tỷ lệ bao phủ nợ xấu ở dưới mức 50%...
Các chuyên gia cho rằng trong bối cảnh nền kinh tế vĩ mô tiềm ẩn nhiều diễn biến khó lường như hiện nay, việc tăng nguồn lực dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu theo đó là rất cần thiết.
Ngân hàng gặp nhiều khó khăn tăng trích lập dự phòng |
Trong bối cảnh nợ xấu tăng nhanh, Công ty Chứng khoán MB (MBS) dự báo trong nửa cuối năm 2024, NIM của hầu hết các ngân hàng sẽ đi ngang hoặc giảm nhẹ so với nửa đầu năm khiến thu nhập hoạt động của các ngân hàng giảm tốc. Do đó, các ngân hàng sẽ không còn nhiều dư địa cho việc trích lập dự phòng cũng như xử lý nợ xấu. Từ đó, chuyên gia MBS dự báo nợ xấu của các ngân hàng tại cuối năm 2024 sẽ nhích nhẹ so với cuối quý II/2024. Trích lập dự phòng cũng được dự báo sẽ giảm nhẹ do các phần lớn trích lập sẽ được dùng để xử lý nợ xấu.
PGS. TS. Nguyễn Hữu Huân - Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh cho rằng, việc trích lập bao nhiêu sẽ tuỳ “sức khỏe” của mỗi ngân hàng, chính vì vậy, tỷ lệ bao phủ nợ xấu giữa các ngân hàng cũng có sự khác biệt. Ngân hàng nào hoạt động hiệu quả, có kết quả kinh doanh tốt sẽ trích lập dự phòng cao và họ coi đây như “của để dành”, đảm bảo hoạt động ổn định trong dài hạn.
Còn một số ngân hàng có lợi nhuận không cao, dù muốn cũng không thể trích lập nhiều mà chỉ trích đủ, nên tỷ lệ bao phủ nợ xấu ở mức khiêm tốn. Với bộ đệm dự phòng mỏng, các ngân hàng này sẽ gặp khó khăn hơn khi phải xử lý các khoản vay tiềm ẩn rủi ro chuyển thành nợ xấu.
Chuyên gia nhấn mạnh, ngoài việc đưa ra một “bộ đệm” dày, ngân hàng phải nâng cao tinh thần cảnh giác, năng lực quản trị rủi ro tín dụng, không đơn thuần là trích lập dự phòng càng cao càng tốt mà phải kiểm soát được rủi ro tín dụng. Đối với những khoản tiềm ẩn nợ xấu cao và kể cả nợ đang nằm trong vùng an toàn nhưng ngân hàng cảm thấy có nguy cơ rủi ro thì phải có những hành động cảnh báo sớm, đưa ra những phương án xử lý nếu xảy ra nợ xấu.