Ngân hàng mở rộng cửa “đón” vốn ngoại
Theo các chuyên gia tài chính ngân hàng, với việc chiếm tới gần 50% thị phần tín dụng toàn ngành, nếu các ngân hàng này không được tăng đủ vốn, thì hệ lụy có thể xảy ra như vốn cung ứng cho nền kinh tế bị hạn chế… Ngược lại, nếu các tổ chức này dồi dào vốn, thì cơ hội giảm tiếp lãi suất, dù lãi suất đã về mức thấp kỷ lục, có thể sẽ tốt hơn.
Một trong những giải pháp tăng vốn được nhiều ngân hàng lựa chọn hiện này là gọi vốn ngoại.
Sức hút từ vốn ngoại
Cổ đông của Viet Capital Bank đã thông qua phương án phát hành cổ phần tăng thêm tối đa gần 1.000 tỷ đồng trong quý I/2021.
Đồng thời, nhà băng này cũng vừa chốt danh sách cổ đông để lấy ý kiến bằng văn bản ủy quyền Hội đồng quản trị (HĐQT) quyết định tỷ lệ sở hữu của cổ đông nước ngoài tối đa mức 30%, nhằm hút vốn ngoại, tăng vốn, nâng cao năng lực tài chính, sức cạnh tranh.
Nhiều ngân hàng sẵn sàng đón nguồn vốn ngoại để nâng tầm hoạt động |
Nam A Bank cũng đang triển khai kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 7.000 tỷ đồng, trong đó có phương án phát hành 57 triệu cổ phiếu (tương đương 570 tỷ đồng) để chi trả cổ tức với tỷ lệ 12,4878% và chào bán 143 triệu cổ phiếu riêng lẻ (tương đương 1.430 tỷ đồng).
Trong kế hoạch tăng vốn nói trên, ngân hàng này sẽ chào bán cho nhà đầu tư nước ngoài tỷ lệ quy định. Ngoài ra, Nam A Bank cũng đang hoàn tất hồ sơ chuyển niêm yết cổ phiếu sang sàn HOSE, thay vì giao dịch trên UpCoM với mức giá đang xoay quanh 14.200 đồng/cổ phiếu.
Với NCB, ngân hàng này lên kế hoạch bán vốn cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài và được cổ đông thông qua từ năm 2017. Tuy nhiên, theo HĐQT NCB, ngân hàng sẽ không chọn bằng mọi giá, mà dựa trên các tiêu chí đã được đặt ra để tìm đối tác phù hợp.
Vietbank, SCB... cũng cho biết, tiếp tục nâng cao năng lực tài chính, sức cạnh tranh. Trong đó, SCB đã trình cổ đông thông qua phương án tăng thêm 5.000 tỷ đồng vốn điều lệ tại kỳ họp đại hội cổ đông bất thường cuối năm 2020.
Cụ thể, theo kế hoạch trong năm 2021, SCB sẽ tăng thêm 5.000 tỷ đồng, đưa mức vốn điều lệ từ 15.231 tỷ đồng lên 20.231 tỷ đồng.
Nhiều ngân hàng của Việt Nam sau làn sóng thoái vốn ngoại trước đây, cũng đã trống cửa đối tác chiến lược quốc tế. Chẳng hạn như SeABank lên sàn HOSE, trong tâm thế gần như trống không đối tác ngoại.
Một loạt các ngân hàng đã có mặt trên sàn HOSE, UpCoM như BaoVietBank, VietABank, NamABank, BacABank… cũng rơi vào tình trạng tương tự. Hay OCB tuy đã có đối tác Nhật, song vẫn còn hở room ngoại cho một đợt phát hành tìm “bạn ngoại” mới.
Lực đẩy từ tăng trưởng kinh tế
Là quốc gia được đánh giá là chống dịch hiệu quả và sớm khởi động lại nền kinh tế, Việt Nam đã đạt mức tăng trưởng dương ấn tượng trong năm 2020. Điểm sáng về kinh tế đã giúp Việt Nam trở nên đặc biệt hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư ngoại.
Ông Jochen Steinbuch, Giám đốc DEG khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đã nhìn toàn cảnh Việt Nam với quan điểm: Việt Nam được xem là điểm sáng cho các nhà đầu tư nước ngoài khi nền kinh tế được cho là bị ảnh hưởng ít nhất bởi Covid-19.
“Nhờ dân số trẻ với tầng lớp trung lưu đang tiếp tục mở rộng, nhu cầu đối với các dịch vụ tài chính, ngân hàng của Việt Nam ở mức cao”, ông Jochen Steinbuch nhấn mạnh.
Nhận định về tiềm năng của thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2021, ông Nhữ Đình Hòa - Tổng giám đốc CTCP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho biết, trong làn sóng dịch chuyển của dòng vốn ngoại vào thị trường mới nổi, Việt Nam - một nền kinh tế mới nổi được dự báo sẽ trở thành điểm sáng thu hút sự quan tâm của dòng tiền ngoại trong năm 2021.
Kỳ vọng này không chỉ đến từ nền tảng vĩ mô ổn định, triển vọng tăng trưởng trung - dài hạn tích cực mà còn đến từ mức định giá hấp dẫn của thị trường chứng khoán Việt Nam. Dù hiện nay mức P/E của VN-Index đã vượt lên mức P/E trung bình 5 năm của chính chỉ số này nhưng so với các thị trường khác trong khu vực thì vẫn đang ở mức hấp dẫn.
Giới chuyên môn nhận định, sự khởi sắc của thị trường chứng khoán, đặc biệt là sức hút của nhóm cổ phiếu ngân hàng là một trong những yếu tố chính khiến nhiều ngân hàng mở rộng kế hoạch kêu gọi vốn ngoại. Trong khi đó, nhiều ngân hàng vẫn còn nguyên room ngoại.
Ngoài ra, với quy định từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) cho phép các ngân hàng châu Âu sẽ được nâng tỷ lệ sở hữu cổ phần tại hai ngân hàng Việt Nam lên tối đa 49% mà không phải chờ quyết định nới room, đã tạo thêm hành lang cho vốn ngoại vào ngân hàng.