Ngân hàng Trung ương Canada quyết định tăng lãi suất cơ bản lên 5%
Ngày 12/7, Ngân hàng Trung ương Canada đã quyết định tăng lãi suất cơ bản lên 5% khi cảnh báo rằng đà giảm của lạm phát có thể bị đình trệ trong năm tới khi nền kinh tế nước này chứng tỏ khả năng hồi phục một cách đáng ngạc nhiên bất chấp chi phí đi vay đang ngày càng cao hơn.
Trong thông báo gửi báo chí, Ngân hàng trung ương giải thích rằng tỷ lệ lạm phát hàng năm có thể sẽ được duy trì ở mức 3% trong năm tới và tiến trình hướng tới mục tiêu 2% có thể bị đình trệ, gây khó khăn cho việc ổn định trở lại của giá cả.
Việc tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản đã được nhiều chuyên gia kinh tế dự báo từ trước. Nhưng mức lãi suất hiện nay của Canada vẫn là mức cao nhất trong 22 năm qua và sẽ tiếp tục siết chặt hơn tình hình tài chính của người dân.
Theo Thống đốc Tiff Macklem, Ngân hàng Trung ương Canada đang cố gắng cân bằng rủi ro của việc thắt chặt quá mức. Nếu tình hình cho thấy cần phải làm nhiều hơn nữa thì Ngân hàng sẽ tiếp tục tăng lãi suất chính sách của mình.
Ông Macklem và Ngân hàng trung ương đang phải cố gắng vật lộn với sức mạnh đáng ngạc nhiên của nền kinh tế Canada. Mặc dù các chuyên gia cho rằng nền kinh tế sẽ rơi vào suy thoái do bị siết chặt bởi các đợt tăng lãi suất, nhưng chi tiêu của người tiêu dùng, thị trường việc làm và nhà ở lại không có phản ứng như được dự đoán trước các đợt tăng lãi suất liên tục của Ngân hàng trung ương.
Ngân hàng đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế trong năm nay lên 1,8% so với dự báo 1,4% trước đó. Dự kiến, tăng trưởng GDP có thể sẽ chậm lại khoảng 1% trong nửa cuối năm 2023 và nửa đầu năm 2024, nhưng sẽ tránh được suy thoái hoàn toàn.
Khả năng phục hồi của nền kinh tế là điều đáng mừng cho nhiều người lao động và doanh nghiệp, nhưng nó lại trở thành vấn đề đau đầu đối với Ngân hàng trung ương, nơi đang cố tình làm chậm chi tiêu và đầu tư để giảm áp lực tăng giá, đồng thời ổn định lại sức mua của đồng đô la Canada.
Chuyên gia kinh tế Doug Porter của Ngân hàng Montreal nhận xét động thái lần này của Ngân hàng có thể được coi là một đợt tăng giá "mạnh tay" vừa phải, trong đó họ chắc chắn sẽ chưa chấm dứt khả năng có những động thái tiếp theo.
Ngân hàng trung ương đã tạm dừng chiến dịch thắt chặt chính sách tiền tệ vào tháng 1/2023 khi cho rằng việc tăng lãi suất trước đó đã đủ để giảm lạm phát theo thời gian. Nhưng đến tháng 6 vừa qua, việc tạm dừng có điều kiện dường như không thể thực hiện được.
Chi tiêu của người tiêu dùng tăng mạnh, lên 5,8% trong quý 1/2023 và giá nhà bắt đầu tăng trở lại trong suốt mùa Xuân. Các nhà tuyển dụng Canada đã tạo thêm gần 300.000 việc làm trong nửa đầu năm, giữ tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp kỷ lục.
Ông Macklem nhận định Ngân hàng rất ngạc nhiên trước sự tồn tại dai dẳng của nhu cầu dư thừa và lạm phát ở Canada cũng như trên toàn cầu. Việc tăng lãi suất cao hơn đang có tác động, nhưng tác động của chúng lớn đến mức nào thì chưa chắc chắn.
Lạm phát ở Canada đã giảm đáng kể, đạt 3,4% trong tháng 5/2023 từ mức cao nhất 8,1% trong 4 thập kỷ qua. Nhưng phần lớn sự sụt giảm này là do việc so sánh giá dầu hàng năm, vốn đã tăng vọt kể từ khi xảy ra xung đột ở Ukraine và hiện đã giảm.
Ngân hàng trung ương cho rằng với đà giảm của lạm phát đang suy yếu và dự báo lạm phát sẽ vào khoảng 3% trong năm tới, tiến trình ổn định giá cả có thể bị đình trệ và lạm phát thậm chí có thể tăng trở lại nếu có những bất ngờ ngược chiều.
Ngân hàng cũng đã chỉ ra một số yếu tố đằng sau nhu cầu mạnh mẽ đáng ngạc nhiên trong nền kinh tế, bao gồm tăng trưởng dân số cao, thị trường lao động chặt chẽ, tiết kiệm tích lũy và chi tiêu của các cấp chính quyền.
Tuy nhiên, mỗi lần tăng lãi suất có nghĩa là các hộ gia đình Canada sẽ phải gánh chịu nhiều thiệt hại hơn về tài chính bởi phải đối mặt với chi phí trả nợ cao hơn.
Thủ tướng Canada Justin Trudeau nhận xét rằng việc Ngân hàng trung ương tăng lãi suất cơ bản lên mức cao nhất trong 22 năm là một tin xấu đối với người dân. Ông Trudeau cho rằng đây không phải là tin tức mà bất kỳ người Canada nào cũng muốn nhận được. Chi phí sinh hoạt đang là một vấn đề ở nhiều quốc gia, với lạm phát cao kỷ lục và lãi suất ngày càng tăng.