Ngành ngân hàng góp phần thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ
Ảnh minh họa |
Theo Nghị quyết, mục tiêu đến năm 2025 doanh nghiệp Việt Nam có khả năng sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ có tính cạnh tranh cao, đáp ứng 45% nhu cầu thiết yếu cho sản xuất, tiêu dùng trong nội địa; chiếm khoảng 11% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp; có khoảng 1.000 doanh nghiệp đủ năng lực cung ứng trực tiếp cho các doanh nghiệp lắp ráp và tập đoàn đa quốc gia trên lãnh thổ Việt Nam.
Mục tiêu đến năm 2030, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đáp ứng 70% nhu cầu cho sản xuất, tiêu dùng trong nội địa; chiếm khoảng 14% giá trị sản xuất công nghiệp; có khoảng 2.000 doanh nghiệp đủ năng lực cung ứng trực tiếp cho các doanh nghiệp lắp ráp và tập đoàn đa quốc gia trên lãnh thổ Việt Nam.
Mục tiêu cụ thể trong lĩnh vực linh kiện phụ tùng, phát triển linh kiện phụ tùng kim loại, linh kiện phụ tùng nhựa - cao su và linh kiện phụ tùng điện - điện tử, đáp ứng mục tiêu đến hết năm 2025 cung ứng được 45% nhu cầu sản phẩm linh kiện phụ tùng cho các ngành công nghiệp trên lãnh thổ Việt Nam. Đến năm 2030, cung ứng được 65% nhu cầu trong nước, đẩy mạnh sản xuất các lĩnh vực sản phẩm phục vụ các ngành công nghiệp công nghệ cao.
Lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may - da giày: phát triển nguyên vật liệu và phụ liệu phục vụ ngành dệt may - da giày, đáp ứng mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ cung cấp trong nước của ngành công nghiệp dệt may đạt 65%, ngành da giày đạt 75 - 80%, với các sản phẩm có giá trị gia tăng cao phục vụ sản xuất xuất khẩu.
Lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ cho công nghiệp công nghệ cao: phát triển sản xuất vật liệu, thiết bị hỗ trợ chuyên dụng, phần mềm và dịch vụ phục vụ các ngành công nghiệp công nghệ cao; phát triển hệ thống doanh nghiệp cung cấp thiết bị hỗ trợ chuyên dụng, hỗ trợ chuyển giao công nghệ trong công nghiệp công nghệ cao. Hình thành các doanh nghiệp bảo trì, sửa chữa máy móc đạt tiêu chuẩn quốc tế, làm tiền đề phát triển doanh nghiệp sản xuất thiết bị, phần mềm phục vụ các ngành này. Hình thành hệ thống nghiên cứu phát triển và sản xuất vật liệu mới, đặc biệt là vật liệu điện tử.
Để đạt được các mục tiêu trên, Chính phủ đề ra 7 giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ. Trong đó, giải pháp về tài chính, tín dụng được đề ra là: Tiếp tục thực hiện chính sách ưu đãi về lãi suất đối với doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp chế biến, chế tạo ưu tiên phát triển khi vay vốn ngắn hạn tại tổ chức tín dụng (TCTD); Nhà nước thực hiện cấp bù chênh lệch lãi suất đối với các khoản vay trung và dài hạn của các doanh nghiệp để thực hiện dự án sản xuất sản phẩm thuộc Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển bằng nguồn vốn ngân sách trung ương, ngân sách địa phương và các nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài.
Cũng tại Nghị quyết này, Chính phủ giao nhiệm vụ cụ thể cho các Bộ, Ngành, địa phương triển khai thực hiện. Trong đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) được Chính phủ giao triển khai thực hiện một số nhiệm vụ sau:
Nghiên cứu điều chỉnh các chính sách tín dụng đối với lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ đảm bảo tính hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ có thể tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi.
Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các địa phương để hướng dẫn, chỉ đạo các TCTD cho vay ưu đãi thông qua cấp bù chênh lệch lãi suất từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, ngân sách địa phương và các nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài.
Tổng hợp nhu cầu cấp bù lãi suất của các TCTD để thực hiện hỗ trợ cấp bù chênh lệch lãi suất cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp chế biến, chế tạo ưu tiên phát triển trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm, gửi Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Khuyến khích các TCTD cân đối, xây dựng chương trình tín dụng phù hợp với doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa; kết hợp thẩm định cho vay đối với khách hàng kèm theo tư vấn các giải pháp tài chính phù hợp với đặc thù của doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.