Ngành Ngân hàng Nam Định: Trợ lực tăng trưởng và chuyển đổi cơ cấu kinh tế của tỉnh
“Mặc dù trong bối cảnh kinh tế - xã hội gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, NHNN tỉnh và các TCTD trên địa bàn đã triển khai thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Thống đốc NHNN và UBND tỉnh, đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng, hỗ trợ tích cực tăng trưởng và chuyển đổi cơ cấu kinh tế của tỉnh, nhất là đã thực hiện hiệu quả các giải pháp hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19 và các giải pháp hỗ trợ phát triển doanh nghiệp”. Đ/c Bí thư Tỉnh ủy Phạm Gia Túc nhấn mạnh tại buổi làm việc, ngày 14/7/2021 với ngành Ngân hàng tỉnh Nam Định, về kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị năm 2020 và 6 tháng đầu năm 2021, phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm. |
Nhìn lại hành trình năm 2020 là năm cuối cùng thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020, chuẩn bị và tạo đà cho kế hoạch 5 năm 2020-2025, Giám đốc NHNN Chi nhánh tỉnh Nam Định Đặng Văn Kim cho biết, bằng sự chủ động, quyết liệt và trách nhiệm từ NHNN tỉnh đến các TCTD trên địa bàn đã hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao, góp phần cùng toàn ngành thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, hỗ trợ tích cực trong việc phục hồi, thúc đẩy phát triển kinh tế của tỉnh.
Tính đến 31/12/2020, tổng nguồn vốn huy động đạt 78.068 tỷ đồng, tăng 12.225 tỷ đồng (+18,6%) so với đầu năm. Tổng dư nợ cho vay đạt 69.666 tỷ đồng, tăng 6.232 tỷ đồng (+9,8%) so với đầu năm, trong đó cho vay nông nghiệp, nông thôn chiếm tỷ trọng 56,7%; cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm tỷ trọng 28,7%. Nợ xấu được kiểm soát ở mức 0,93%. Trong năm 2020, các TCTD đã thực hiện hỗ trợ khách hàng với dư nợ là 3.924 tỷ đồng, trong đó miễn, giảm lãi vay đối với 2.124 khách hàng, dư nợ được miễn, giảm là 2.669 tỷ đồng, số tiền lãi được miễn, giảm là 5,4 tỷ đồng; cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với 845 khách hàng, dư nợ được cơ cấu lại là 1.329 tỷ đồng.
Những kinh nghiệm trong việc triển khai phòng, chống dịch Covid-19 đảm bảo hoạt động ngân hàng thông suốt trong năm 2020 tạo đà cho hoạt động ngân hàng có những bước phát triển mới trong năm 2021, triển khai hiệu quả các chỉ đạo của Chính phủ, NHNN Việt Nam lồng ghép với các định hướng phát triển kinh tế của tỉnh...
Để các hoạt động sản xuất kinh doanh không bị đứt gãy bởi sự gián đoạn hoạt động ngân hàng, NHNN Chi nhánh tỉnh Nam Định cùng các TCTD trên địa bàn chủ động rà soát, bổ sung phương án ứng phó khi dịch bệnh bùng phát để đảm bảo hoạt động ngân hàng được an toàn, liên tục và thông suốt trong mọi tình huống, kể cả khi phải thực hiện giãn cách xã hội.
Đồng thời, NHNN Chi nhánh tỉnh Nam Định tiếp tục chỉ đạo các TCTD thực hiện kiểm soát tín dụng phù hợp chỉ tiêu tăng trưởng. Nguồn vốn tín dụng được tập trung cho các lĩnh vực sản xuất, nhất là các lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. NHNN tỉnh cũng chỉ đạo Ngân hàng Chính sách xã hội đẩy mạnh thực hiện cho vay các chương trình tín dụng chính sách, các TCTD triển khai các gói tín dụng tiêu dùng phục vụ nhu cầu chính đáng của người dân với lãi suất hợp lý, thủ tục đơn giản, phù hợp với quy định của pháp luật đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh, tiêu dùng, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.
Tính đến cuối tháng 6/2021, tổng dư nợ cho vay thương mại và cho vay chính sách trên địa bàn đạt 74.295 tỷ đồng, tăng 4.629 tỷ đồng (+6,6%) so với đầu năm. Trong đó, tỷ trọng tín dụng cho ngành công nghiệp, thương mại, dịch vụ chiếm tỷ trọng 87,9%; ngành nông, lâm, thủy sản chiểm tỷ trọng 12,1%. Hiện đang có 1.814 khách hàng doanh nghiệp vay vốn với dư nợ 23.626 tỷ đồng, chiếm 31,8%; 247.326 khách hàng hộ gia đình, cá nhân đang có quan hệ tín dụng với các TCTD với dư nợ 50.631 tỷ đồng, chiếm 68,15% tổng dư nợ.
Cùng với việc thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về lãi suất, phí cho vay, NHNN Chi nhánh Nam Định tiếp tục chỉ đạo các TCTD tiết giảm chi phí hoạt động để có điều kiện giảm lãi suất cho vay nhằm chia sẻ khó khăn với khách hàng, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế tiếp tục bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo Thông tư số 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020, Thông tư số 03/2021/TT-NHNN ngày 02/4/2021. Trong nửa đầu năm, các TCTD đã thực hiện miễn, giảm lãi vay đối với 4.364 khách hàng với dư nợ là 3.509 tỷ đồng, số tiền lãi được miễn, giảm là 8,3 tỷ đồng; cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với 1.027 khách hàng với dư nợ được cơ cấu lại là 1.436 tỷ đồng. Ngân hàng Chính sách xã hội đã cho vay đối với 2 doanh nghiệp để trả lương ngừng việc của người lao động, số tiền 241 triệu đồng theo Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg.
Ngành Ngân hàng Nam Định tích cực triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế của tỉnh |
Tinh thần cộng sinh cùng doanh nghiệp đã được các TCTD thể hiện rõ qua việc triển khai các chương trình hỗ trợ của riêng mình cũng như chú trọng cho vay các chương trình ưu đãi của Chính phủ. Trong đó, Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp đã tạo điều kiện cho 435 khách hàng tham gia với số tiền các TCTD cam kết cho vay 11.518 tỷ đồng, đã giải ngân 10.588 tỷ đồng, bằng 91,9% so với cam kết. Cho vay hỗ trợ giảm tổn thất trong nông nghiệp quy định tại Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg ngày 14/11/2013 có dư nợ 30,8 tỷ đồng...
Công tác cải cách hành chính tại NHNN chi nhánh tỉnh cũng như các TCTD đang góp phần tăng tốc dòng chảy tín dụng và dịch vụ ra nền kinh tế. 6 tháng đầu năm 2021, NHNN tỉnh nhận 269 hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính, đã giải quyết 269 hồ sơ, đều xong trước thời hạn quy định. NHNN tỉnh cũng chỉ đạo các TCTD trên địa bàn đẩy mạnh phát triển các sản phẩm dịch vụ ngân hàng; cải tiến, đơn giản hóa thủ tục cho vay, nâng cao khả năng thẩm định, rút ngắn thời gian giải quyết cho vay nhằm nâng cao mức độ sẵn có và đầy đủ về dịch vụ của hệ thống ngân hàng, đáp ứng nhu cầu đa dạng của nền kinh tế, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế được bình đẳng, thuận lợi trong việc tiếp cận vốn tín dụng và các dịch vụ ngân hàng.
Những nỗ lực của hệ thống các TCTD trên địa bàn đã góp phần thúc đẩy và nâng cao chất lượng tăng trưởng của tỉnh được nâng lên, một số chỉ tiêu có mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm 2020, như: Tổng sản phẩm GRDP tăng 7,08%; Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 10,87%; Giá trị hàng xuất khẩu tăng 26,7%; Thu ngân sách tăng 42%;...
Tuy nhiên, trước bối cảnh 6 tháng cuối năm 2021 với dự báo nền kinh tế tiếp tục gặp nhiều khó khăn, Bí thư Tỉnh ủy Phạm Gia Túc yêu cầu ngành Ngân hàng Nam Định tiếp tục nỗ lực, cố gắng hơn nữa để triển khai, thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 01/CT-NHNN ngày 07/01/2021 của Thống đốc NHNN Việt Nam về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngân hàng năm 2021; tiếp tục đồng hành chia sẻ khó khăn cùng doanh nghiệp và người dân, đồng thời điều chỉnh cơ cấu tín dụng phù hợp với định hướng chuyển đổi cơ cấu kinh tế của tỉnh...
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh Nam Định Đặng Văn Kim cho biết, đây là nhiệm vụ trọng tâm mà Chi nhánh NHNN cùng các TCTD trên địa bàn triển khai trong thời gian tới. Đồng thời để gia tăng hiệu quả tín dụng trong nền kinh tế, Giám đốc NHNN Chi nhánh tỉnh Nam Định cho biết sẽ tiếp tục báo cáo, tham mưu với Tỉnh ủy, UBND tỉnh trong việc chỉ đạo các sở, ngành, chính quyền các cấp phối hợp với ngành Ngân hàng triển khai các chương trình, chính sách tín dụng phục vụ sản xuất, kinh doanh; thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của tỉnh.
Về phía các TCTD trên địa bàn sẽ chủ động cân đối nguồn vốn, tập trung tín dụng cho các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên; tiếp tục cắt giảm chi phí hoạt động để tập trung giảm lãi suất cho vay, nhất là đối với các khoản vay cũ và các khoản cho vay trung, dài hạn; tích cực triển khai các giải pháp hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng không chỉ bởi dịch Covid-19 mà còn do thiên tai, biến đổi khí hậu; phát triển đa dạng sản phẩm tín dụng ngân hàng đáp ứng nhu cầu vốn hợp pháp của người dân, góp phần hạn chế tín dụng đen.
NHNN chi nhánh cũng đề nghị UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố, các đơn vị cung ứng dịch vụ công chủ động, quyết liệt hơn nữa, phối hợp với ngành Ngân hàng đẩy nhanh tiến độ triển khai Đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công của tỉnh: thuế, điện, nước, học phí, viện phí và chi trả các chương trình an sinh xã hội. Đồng thời, đề nghị UBND tỉnh tiếp tục quan tâm hơn nữa, dành một phần ngân sách ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội để bổ sung cùng nguồn vốn của Chính phủ cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn, giúp người nghèo và đối tượng yếu thế có cơ hội vươn lên thoát nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội của tỉnh.
(Thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/05/2020 của Chính phủ)