Ngành Ngân hàng Ninh Thuận tích cực cung ứng vốn cho nền kinh tế
Từ đầu năm 2024 đến nay, hoạt động tiền tệ, ngân hàng trên địa bàn Ninh Thuận tiếp tục ổn định và an toàn. Vốn tín dụng được tập trung đầu tư phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên; các giải pháp hỗ trợ, phục hồi phát triển kinh tế, xã hội được tiếp tục quan tâm thực hiện.
Theo đại diện NHNN chi nhánh Ninh Thuận, từ đầu năm 2024 đến nay, các TCTD trên địa bàn tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp linh hoạt theo hướng mở rộng tín dụng đi đôi với an toàn, tăng chất lượng tín dụng gắn liền với giảm nợ xấu, đẩy mạnh triển khai các chương trình chính sách tín dụng ngành, lĩnh vực ưu tiên…
Cụ thể, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn Ninh Thuận tính đến 31/3/2024 đạt 43.577 tỷ đồng, tăng 1.125,7 tỷ đồng (tăng 2,65%) so với cuối năm 2023, đạt 92,48% so với kế hoạch năm 2024. Đầu tư tín dụng trong quý I/2024 tập trung cho hoạt động sản xuất kinh doanh với dư nợ 36.761 tỷ đồng, tăng 1.128 tỷ đồng (tăng 3,17%) so với cuối năm 2023, chiếm 84,36% tổng dư nợ cho vay.
Trong đó, dư nợ đối với ngành nông lâm nghiệp thủy sản đạt 9.715 tỷ đồng, chiếm 22,29% tổng dư nợ, tăng 0,65% so với cuối năm 2023; dư nợ đối với ngành công nghiệp, xây dựng đạt 7.354 tỷ đồng, chiếm 16,88% tổng dư nợ, tăng 0,84% so với cuối năm 2023; dư nợ đối với ngành thương mại, dịch vụ 19.692 tỷ đồng, chiếm 45,19% tổng dư nợ, tăng 5,37% so với cuối năm 2023.
Nguồn vốn tín dụng đóng góp quan trọng vào quá trình phục hồi và phát triển kinh tế ở Ninh Thuận. |
Các TCTD trên địa bàn đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo quy định tại Thông tư 02/2023/TT-NHNN nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn. Đến thời điểm 31/3/2024 cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho 40 lượt khách hàng với tổng giá trị nợ (bao gồm cả dư nợ gốc và lãi) lũy kế đạt 750 tỷ đồng (trong đó khách hàng là doanh nghiệp 531 tỷ đồng/24 lượt khách hàng; khách hàng cá nhân 219 tỷ đồng/16 lượt khách hàng).
Tổng số dư nợ của khách hàng có khoản nợ không bị chuyển sang nhóm nợ xấu do được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ tại cuối tháng 3/2024 là 532 tỷ đồng/7 khách hàng, trong đó số dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ không bị chuyển sang nhóm nợ xấu là 467 tỷ đồng.
Trong khi đó, kết quả thực hiện các biện pháp hỗ trợ khách hàng vay khắc phục thiệt hại do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Số dư nợ cho vay bị ảnh hưởng bởi dịch Covid -19 trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận đến thời điểm 31/3/2024 là 3.766 tỷ đồng (trong đó dư nợ vay của khách hàng doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch là 2.555 tỷ đồng, dư nợ vay của khách hàng cá nhân, hộ gia đình, hộ kinh doanh và khách hàng khác là 1.211 tỷ đồng).
Các TCTD trên địa bàn đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho 265 khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 với tổng giá trị nợ (bao gồm cả dư nợ gốc và lãi) đã được cơ cấu lại là 379 tỷ đồng (trong đó khách hàng là doanh nghiệp 321 tỷ đồng/45 khách hàng; khách hàng hộ kinh doanh, hộ gia đình, cá nhân và khách hàng khác 58 tỷ đồng/219 khách hàng).
Mô hình vay vốn từ Agribank trồng dưa lưới ở huyện Ninh Sơn, Ninh Thuận. |
Đồng thời, cho vay mới với doanh số lũy kế đạt 25.121 tỷ đồng (Trong đó, cho vay mới khách hàng doanh nghiệp là 15.438 tỷ đồng; cho vay mới khách hàng hộ kinh doanh, hộ gia đình, cá nhân là 9.683 tỷ đồng). Dư nợ cho vay mới còn lại tại thời điểm cuối tháng 3/2024 là 13 tỷ đồng với 148 khách hàng còn dư nợ (trong đó, khách hàng doanh nghiệp 2 tỷ đồng/4 khách hàng, khách hàng cá nhân và khách hàng khác 11 tỷ đồng/144 khách hàng)…
Đặc biệt, thời gian qua, ngành Ngân hàng trên địa bàn Ninh Thuận đã luôn nỗ lực “tiếp sức” cho doanh nghiệp phát triển cũng như phục hồi sản xuất kinh doanh. Theo đó, ngành Ngân hàng trên địa bàn tiếp tục triển khai các giải pháp nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng, hấp thụ vốn của nền kinh tế, các giải pháp hướng tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực sản xuất kinh doanh và các động lực tăng trưởng theo chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ.
NHNN chi nhánh tỉnh Ninh Thuận cũng thường xuyên trao đổi thông tin với Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh theo quy chế phối hợp đã ký; duy trì đường dây “nóng” và tiếp nhận, giải quyết kịp thời các kiến nghị của doanh nghiệp liên quan đến việc tiếp cận tín dụng ngân hàng. Trên thực tế, chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp đã khẳng định là kênh “tiếp vốn” quan trọng, hiệu quả giúp các doanh nghiệp được tiếp cận vốn vay ưu đãi của ngân hàng với lãi suất hợp lý để vượt qua khó khăn, ổn định và phát triển sản xuất. Chương trình cũng đã nâng cao tính chủ động và trách nhiệm chia sẻ khó khăn với khách hàng của các ngân hàng thương mại; mở rộng đầu tư tín dụng an toàn, hiệu quả.
Ngành Ngân hàng Ninh Thuận tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận vốn, góp phần hạn chế tín dụng đen... |
Mới đây, Hội nghị gặp mặt, trao đổi tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và kết nối tín dụng cho các hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận cũng đã được tổ chức. Hội nghị diễn ra dưới sự chủ trì của lãnh đạo UBND tỉnh, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư và NHNN chi nhánh Ninh Thuận thực hiện. Hội nghị được tổ chức nhằm trao đổi những khó khăn, vướng mắc, từ đó đề xuất biện pháp tháo gỡ khó khoăn, đẩy mạnh kết nối tín dụng cho các hợp tác xã trên địa bàn.
Được biết, đến nay trên địa bàn toàn tỉnh Ninh Thuận có 123 hợp tác xã, với vốn đăng ký 245,59 tỷ đồng. Trong đó, các hợp tác xã hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp chiếm 76,61%; lĩnh vực thương mại, dịch vụ và lĩnh vực khác 7,26%; lĩnh vực vận tải chiếm 5,79%; Quỹ tín dụng nhân dân chiếm 2,42%....
Cũng theo đại diện NHNN chi nhánh Ninh Thuận, thời gian tới ngành Ngân hàng Ninh Thuận sẽ tiếp tục tổ chức triển khai Kế hoạch thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của Ngành năm 2024 theo định hướng của Chính Phủ, UBND tỉnh, NHNN... Trong đó, tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, tiếp tục hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ phù hợp với định hướng của Ngành và nhu cầu vốn phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận vốn, góp phần hạn chế tín dụng đen; tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; tăng cường quản lý rủi ro đối với cho vay phục vụ nhu cầu đời sống.hỗ trợ thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội...